Chiến thuật chia rẽ đối thủ trong ngoại giao dầu mỏ của Mỹ
Khi tình hình chiến sự ở Ukraine tiếp tục leo thang, thì Mỹ vẫn bàng quan “khoanh tay đứng nhìn”. Mỹ một mặt lôi kéo các đồng minh cùng siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga để bóp nghẹt nền kinh tế nước này, mặt khác viện trợ quân sự cho Ukraine một cách nhỏ giọt. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong khi cấm vận năng lượng đối với Nga, Mỹ bắt đầu chủ động liên lạc với một số đối tác “cứng rắn”, chẳng hạn như “ông lớn dầu mỏ” Venezuela.
Trang mạng Quan sát Thượng Hải mới đây phân tích ngay sau khi có thông tin này, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: Chính quyền Biden đã cúi đầu trước “dầu mỏ”? Mỹ và Venezuela thực sự đã xóa bỏ những hiềm khích trước đây? Liệu khoảng trống dầu mỏ phát sinh từ việc cấm vận năng lượng đối với Nga có được lấp đầy?
Theo các nguồn tin khác nhau từ truyền thông nước ngoài, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Venezuela đã có dấu hiệu tiến triển. Venezuela cho biết họ sẵn sàng nối lại thương mại dầu mỏ với Mỹ, đồng thời cũng duy trì “lòng trung thành” với đồng minh Nga.
Một mũi tên trúng hai đích?
Ngày 12/3, tờ The Hill dẫn lời của cựu Tổng thống Trump trong bài phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Nam Carolina, ông chế nhạo người kế nhiệm rằng “Biden đang nhún nhường trước toàn thế giới, cầu xin sự tha thứ từ Saudi Arabia, Iran và Venezuela”.
Chịu tác động bởi xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, thị trường dầu thô đã biến động mạnh trong những ngày gần đây, giá dầu quốc tế tiếp tục tăng cao. Khi công bố lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga, chính quyền Biden không có ý định khuyến khích sản xuất trong nước mà hướng sự chú ý sang các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Venezuela và Iran.
Về mục tiêu các nước vùng Vịnh, theo các nguồn tin chính thống của Mỹ, Chính quyền Biden đã lần lượt có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của các đồng minh Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất để thảo luận về việc tăng sản lượng dầu thô, nhưng bị “từ chối”. Một số phương tiện truyền thông Mỹ giải thích rằng quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia và quan hệ giữa Mỹ với Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất gần đây hơi căng thẳng, hai đồng minh vùng Vịnh này không hài lòng với việc Mỹ thiếu sự hỗ trợ trong các vấn đề khu vực, ví dụ như cuộc nội chiến ở Yemen, nên không còn nhiều hứng thú.
Về mục tiêu Mỹ Latinh, ngày 5/3, phái đoàn của Mỹ gồm các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đã đến thăm Venezuela và hội đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đề tài thảo luận chính là vấn đề năng lượng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn cấp cao Mỹ tới Venezuela kể từ năm 1999.
Điều này làm dấy lên xôn xao trong dư luận. Lâu nay, Mỹ luôn coi Venezuela là “cái gai trong mắt”, liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela và âm mưu lật đổ chính quyền Maduro. Kể từ tháng 1/2019, Mỹ và Venezuela đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ ngoại giao. Sau khi lên nắm quyền, Biden kế thừa chính sách “gây sức ép tối đa” của chính quyền tiền nhiệm, tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela và cấm nước này xuất khẩu dầu thô. Kể từ tháng 8/2021, chính quyền Maduro nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ, nhưng Mỹ không phản hồi.
Vì sao sau chưa đầy nửa năm Mỹ lại chủ động thể hiện thiện chí? Một số phương tiện truyền thông phương Tây lý giải rằng rất có thể Mỹ yêu cầu Venezuela trực tiếp cung cấp dầu cho Mỹ để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Mỹ coi đây như một giải pháp thay thế bù đắp cho khoản dầu mỏ thiếu hụt do lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga, đồng thời nhân cơ hội này để chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Venezuela và Nga.
Theo cựu đại sứ Trung Quốc tại Venezuela Vương Trân, chuyến thăm của Mỹ diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng Ukraine. Đối tượng là Venezuela, quốc gia đã bị Mỹ đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt cực đoan trong một thời gian dài và vẫn duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga. Mỹ đang nóng lòng muốn liên lạc với phía Venezuela để thực hiện nước cờ “một mũi tên trúng hai đích”, điều này cũng cho thấy sự bế tắc cũng như bất lực của Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ muốn giải quyết nhu cầu cấp thiết về năng lượng. Giá dầu quốc tế cũng như lạm phát của Mỹ đều chạm mức cao kỷ lục, kéo theo đó là những hệ lụy xấu. Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, tuy năng lực sản xuất thấp và sản lượng khai thác không cao nhưng lại có tiềm năng rất lớn. Trong lịch sử, Venezuela từng là nhà cung cấp dầu lớn cho Mỹ, dầu mỏ nhập khẩu từ Venezuela chiếm khoảng 15% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước Mỹ được thiết kế riêng để lọc dầu nặng của Venezuela. Do đó, Mỹ coi Venezuela là một lựa chọn thay thế cho năng lượng của Nga.
Thứ hai, Mỹ muốn thông qua việc xoa dịu quan hệ với Venezuela để đổi lấy một số điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của nước này. Quan hệ Nga- Venezuela những năm gần đây tương đối mật thiết, quan hệ Trung Quốc- Venezuela cũng đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, Mỹ luôn áp dụng “Học thuyết Monroe” ở Mỹ Latinh, cố gắng thu hẹp ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước như Nga… ở Mỹ Latinh. Theo thông tin phía Mỹ tiết lộ, trong cuộc thảo luận với Maduro, phái đoàn Mỹ hy vọng Venezuela sẽ hạ thấp mối quan hệ với Nga ở một mức độ nhất định.
Thứ ba, Mỹ hy vọng khuynh hướng chống Mỹ của cánh tả Mỹ Latinh sẽ dịu đi. Trong những năm gần đây, lực lượng cánh tả Mỹ Latinh có xu hướng gia tăng. Dù là cánh tả ôn hòa hay cánh tả bảo thủ thì đều ủng hộ đường lối ngoại giao độc lập và tự chủ, họ đều không tán thành việc Mỹ Latinh sẽ tiếp tục trở thành “sân sau” của Mỹ. Mỹ đang cố gắng tìm cách trấn áp hoặc xoa dịu xu hướng chống Mỹ đang ngày một trầm trọng hơn của cánh tả ở Mỹ Latinh.
Thứ tư, điều này trên thực tế là một thỏa thuận ngầm giữa hai bên về việc Mỹ chấp nhận địa vị hợp pháp của Chính quyền Maduro. Kể từ khi chính phủ cánh tả của Venezuela lên nắm quyền vào năm 1999, chính phủ Mỹ lâu nay luôn bày tỏ thái độ thù địch, thực hiện các lệnh trừng phạt và thậm chí muốn thực hiện một cuộc đảo chính quân sự ở Venezuela. Tính đến nay đã được 23 năm, Mỹ chưa can thiệp được gì vào Venezuela trong khi phe đối lập của nước này ít nhiều cũng làm nên công chuyện. Liên minh châu Âu (EU) đã từ bỏ sự ủng hộ đối với Guaido và Nhóm Lima – một tổ chức khu vực chuyên công kích chính quyền Maduro, chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Ảnh hưởng của Mỹ ở Venezuela và khu vực Mỹ Latinh đang “nhạt” dần.
Độc lập và tự chủ
Đứng trước “cành ô liu” do Mỹ đưa ra, Venezuela sẽ đón nhận như thế nào? Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine và đối đầu giữa Mỹ và Nga, Venezuela sẽ xử lý mối quan hệ hữu nghị lâu dài với Nga như thế nào? Nhìn vào các động thái gần đây của phía Venezuela có thể thấy họ đã thể hiện cả sự thận trọng lẫn kỳ vọng đối với hành động tiếp xúc của Mỹ.
Ngày 11/3, khi tham gia sự kiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Venezuela Rodriguez đã bày tỏ hai quan điểm: một là sẵn sàng duy trì đối thoại nhưng phải được thiết lập trong khuôn khổ quan hệ song phương và Hiến chương Liên hợp quốc, không kèm theo điều kiện gì; hai là hy vọng cuộc đối thoại có thể mang tính xây dựng và đạt được tiến triển nhất định. Bên cạnh đó, Venezuela vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Nga.
Ngày 10/3, Rodriguez đã đăng một tweet với nội dung rằng bà đã có cuộc gặp với “người bạn tốt” Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm đó. Bà còn trích dẫn thông tin từ truyền thông Nga rằng hai bên cùng chung lập trường trong các vấn đề điểm nóng quốc tế hiện nay, và cảm thấy hài lòng với sự phát triển của quan hệ hợp tác chiến lược song phương, đồng thời kịch liệt lên án chủ nghĩa bá quyền và các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Theo Vương Trân, trong bối cảnh tình hình kinh tế đi xuống và xã hội rối ren, Chính phủ Venezuela đương nhiên muốn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Vì vậy, Chính quyền Maduro chắc chắn sẽ nhận lấy cành ô liu của Mỹ. Tuy nhiên, về cơ bản Venezuela sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ và hòa bình, chứ chưa nói đến việc thay đổi chính sách hợp tác hữu nghị với Nga và Trung Quốc. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Venezuela đã bày tỏ sự thấu hiểu đối với hành động đặc biệt của Nga.
Ngày 12/3, các trang web của Nga đưa tin rằng cuộc đàm phán Mỹ- Venezuela gần đây dường như đã đạt được tiến triển, Ngoại trưởng Venezuela cho biết sẵn sàng khôi phục lại thương mại dầu mỏ với Mỹ, song đồng thời cũng duy trì “lòng trung thành” với đồng minh Nga. Tuy nhiên, trái với những tiến triển nói trên, chính sách của Chính quyền Biden đối với Venezuela đã gây phản ứng dữ dội ở trong nước Mỹ. Ngoài những lời chỉ trích của Trump về việc Biden phải đi “cầu cạnh khắp nơi”, một số thành viên đảng Dân chủ cũng đề nghị Nhà Trắng không thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế.
Vương Trân cho rằng việc dư luận trong nước Mỹ dấy lên những tiếng nói phản đối là điều hết sức bình thường. Bất kể là trong đảng Dân chủ hay là đảng Cộng hòa, thì số người giữ lập trường thù địch với chính quyền cánh tả ở Mỹ Latinh vẫn chiếm số đông. Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách của Biden lần này chỉ là biện pháp bất đắc dĩ và cũng là thuận theo xu hướng chung. Tiếp theo, cả Mỹ và Venezuela phải thực hiện một số thỏa hiệp. Cân nhắc đến nhu cầu của dư luận trong nước và các cuộc đấu tranh đảng phái, Mỹ có thể đưa ra một số điều kiện: hy vọng Venezuela sẽ giữ khoảng cách nhất định với một số nước như Nga, yêu cầu Venezuela thả các quản lý cấp cao ngành dầu mỏ và lính đánh thuê Mỹ, yêu cầu Chính quyền Maduro đàm phán bình đẳng với phe đối lập…
Ưu tiên lợi ích?
Từ thù địch chuyển sang đối thoại, liệu triển vọng Mỹ và Venezuela thiết lập lại quan hệ ngoại giao khả thi? Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, liệu lượng dầu mà Venezuela xuất khẩu có thể bù đắp ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ và Anh đối với Nga, điều này sẽ tác động như thế nào đến cục diện năng lượng toàn cầu?
Các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết Mỹ đa phần nhập khẩu dầu thô từ Canada, Mexico và Saudi Arabia, nên ít phụ thuộc vào dầu thô của Nga hơn so với châu Âu. Số liệu năm 2021 cho thấy, trung bình mỗi ngày Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu thô và dầu thành phẩm từ Nga, chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ. Về phía Venezuela, trước khi bị trừng phạt nước này xuất khẩu sang Mỹ 400.000-500.000 thùng dầu/ngày, trong giai đoạn đỉnh cao, con số này có thể lên đến 600.000 – 1 triệu thùng mỗi ngày liên tục trong vòng ba tháng.
Có thể thấy, Venezuela dường như được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga để lại.
Theo Tôn Hà, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Học viện khoa học xã hội Thượng Hải, việc Venezuela được dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu có thể làm giảm bớt sức ép đối với vấn đề nhập khẩu năng lượng của Mỹ, song lại không có tác dụng nhiều trong việc xoa dịu thị trường dầu thô quốc tế và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. Thứ nhất, Venezuela đã phải chịu các lệnh trừng phạt trong nhiều năm, năng lực sản xuất cũng như sản lượng bị hạn chế. Thứ hai, Venezuela chủ yếu xuất khẩu dầu nặng mà chỉ một số ít quốc gia như Mỹ có thể tinh chế. Thứ ba, khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga có điểm đến là châu Âu, và trên thế giới dường như không có quốc gia nào có năng lực sản xuất đủ để thay thế 7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga.
Các học giả Nga cho rằng phương Tây đang ảo tưởng về một sự đồng thuận trong vấn đề trừng phạt Nga. Thực tế đã chứng minh rằng một khi dính vào vấn đề năng lượng thì liên minh này sẽ trở nên rất mong manh. Mỹ vẫn còn không gian để xoay sở, nhưng châu Âu thì rơi vào hỗn loạn. Điều này dường như khẳng định câu nói nổi tiếng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích mới là vĩnh cửu.
Tôn Hà cho rằng từ tác động của một loạt sự kiện như xung đột Nga- Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể thấy, trong ngắn hạn, xung đột địa chính trị có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung ở một số khu vực và dòng chảy dầu thô có thể thay đổi, từ đó thúc đẩy tái điều phối giữa các khu vực. Trong trung và dài hạn, nguồn cung của thị trường năng lượng có thể xuất hiện sự phân hóa khu vực, điều này có thể dẫn đến xu hướng “chiến tranh lạnh mới” trong lĩnh vực năng lượng. Các hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng có thể được lên kế hoạch dựa trên ý thức hệ. Giữa các nước vốn có quan hệ song phương tốt đẹp sẽ nảy sinh mối quan hệ phụ thuộc năng lượng và ngược lại. Điều này sẽ tác động tương đối lớn đến cấu trúc thị trường năng lượng trong tương lai. Điểm yếu của một số quốc gia nhập khẩu năng lượng càng thể hiện rõ.
Vương Trân cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ về cơ bản là ưu tiên lợi ích. Tất cả các hành động của Mỹ như gây sức ép tối đa, buông lỏng hay xoa dịu cuối cùng cũng đều xuất phát từ cân nhắc lợi ích. Từ góc độ này, việc điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Venezuela chỉ là sự điều chỉnh cục bộ dựa trên nhu cầu lợi ích chứ không đại diện cho sự thay đổi tổng thể trong chính sách của Mỹ đối với Mỹ Latinh. Học thuyết Monroe muốn kiểm soát “sân sau” mà Mỹ đang thực hiện đã ăn sâu bén rễ và sẽ không thay đổi. Xung đột giữa Mỹ và Venezuela đã có từ xa xưa, và sẽ mất nhiều thời gian để mối quan hệ được cải thiện một cách toàn diện. Vấn đề chính là chính sách can thiệp mà Mỹ nhắm vào Venezuela sẽ không được dỡ bỏ ngay lập tức, cũng như các lệnh trừng phạt sẽ không được nới lỏng hoàn toàn.
Khai Tâm