+
Aa
-
like
comment

Chiến thắng của Nga nhìn từ cuộc đảo chính ở Niger

Huyền Trang - 07/08/2023 14:09

Cuộc đảo chính quân sự ở Niger có nguy cơ phá vỡ toàn bộ chiến lược của Mỹ, Pháp trong việc chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Song theo giới quan sát, sự kiện này đánh dấu chiến thắng của Nga trước phương Tây trên “mặt trận” Sahel ở châu Phi.

Người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối Pháp ở thủ đô Niamey của Niger ngày 30-7 – Ảnh: REUTERS

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị phế truất, hàng nghìn người đã tập trung tại đại sứ quán Pháp để gửi một thông điệp phản đối tới cường quốc thuộc địa cũ của họ và các đồng minh phương Tây.

Trong khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị giam dữ tại dinh thự ở Niamey, các cuộc tuần hành ủng hộ đảo chính diễn ra sôi nổi ở thủ đô và nhiều khu vực khác tại Niger. Đám đông bày tỏ ủng hộ lực lượng quân đội Niger và vẫy cờ Nga, hô vang khẩu hiệu “Putin muôn năm”, “đả đảo Pháp”.

Cuộc tuần hành diễn ra sau hơn một tuần quân đội Niger tuyên bố lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum và ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, phong tỏa biên giới. Ngay sau đó, chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani được chọn làm lãnh đạo chính quyền quân sự.

Những người ủng hộ đảo chính Niger tập trung phản đối trước Đại sứ quán Pháp ngày 30-7. Ảnh: Reuters

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào công dân Pháp và lên án cuộc đảo chính là “hoàn toàn bất hợp pháp và nguy hiểm cho cả người Niger và toàn khu vực”.

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cũng lên án cuộc đảo chính. Trong khi, các lãnh đạo khối Tây Phi cho biết sẽ can thiệp quân sự nếu Tổng thống Bazoum không được phục chức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum. Ông Biden nói rằng, Washington sẽ “sát cánh cùng người dân Niger” khi đất nước này phải đối mặt với “thách thức nghiêm trọng với nền dân chủ của mình”.

Việc lật đổ Tổng thống Bazoum chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt các cuộc đảo chính gần đây ở châu Phi. Trước đó, năm quốc gia ở Tây Phi, Trung Phi đã bị chính quyền quân sự chiếm giữ trong ba năm và năm nước này đều là thuộc địa cũ của Pháp.

Người biểu tình cầm cờ Niger và cpừ Nga trèo qua cổng vào tòa nhà Quốc hội trong một cuộc biểu tình ở Niamey. Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock

Mới nhất, Niger đóng cửa không phận, vào thời hạn chót mà nhóm các quốc gia Tây Phi đặt ra để buộc phe đảo chính Niger phải khôi phục quyền lực cho vị tổng thống dân cử. Các thủ lĩnh đảo chính và hàng ngàn người ủng hộ tập trung ở thủ đô, cắt tiết gà trang trí bằng màu cờ của Pháp để ăn mừng. Thậm chí, ngay giữa sân vận động Crowded, một người đàn ông đã cắt tiết gà rồi quăng lên khán đài dưới sự chứng kiến của hơn 30.000 người ủng hộ phe đảo chính.

Các cuộc đảo chính diễn ra trong bối cảnh cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi của Nga và phương Tây đang diễn ra gay gắt. Giới quan sát cho rằng, trước làn sóng giận dữ gia tăng ở các thuộc địa cũ của Pháp, Nga có thể siết chặt quan hệ với khu vực có “hành lang dài nhất thế giới” do chính phủ quân sự nắm quyền.

Với lợi thế đó, Moscow có thể tiếp tục xuất khẩu vũ khí, uranium và khoáng sản. Đồng thời hỗ trợ chính trị và lương thực để củng cố các nguồn lực phục vụ cuộc chiến tại Ukraine.

Về phía phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ, đảo chính quân sự ở Niger khiến các nước này mất đi một đồng minh quan trọng trong khu vực vốn nhiều bất ổn. Là quốc gia lớn nhất Tây Phi, Niger được xem là đối tác quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel, vành đai nằm ở phía nam sa mạc Sahara.

Các quan chức phương Tây cảnh báo rằng, nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đang hỗ trợ một số chính quyền quân sự trong khu vực và tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng ở Niger. Trước đó, sau khi Pháp rút quân khỏi Burkina Faso (quốc gia nằm ở Tây Phi), Thủ tướng Apollinaire Kyelem de Tambela của Burkina Faso nói rằng, Nga là “một lựa chọn hợp lý” để thay thế, dù Moscow chưa từng thừa nhận liên hệ với Wagner.

Theo báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi của Lầu Năm Góc công bố ngày 31/7, số vụ bạo lực liên quan tới các nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel đã tăng mạnh kể từ năm 2021.

Mặc dù giàu tài nguyên, Niger vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhiều người dân Niger, đặc biệt là thế hệ trẻ cho rằng, các chính sách khai thác và áp đặt ảnh hưởng của Pháp với thuộc địa cũ đã gây ra tình trạng nghèo đói của quốc gia Tây Phi này.

Theo Oluwole Ojewale, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) ở Nam Phi, chính những suy nghĩ này của người dân Niger đã khiến làn sóng “tẩy chay” Pháp phát triển khắp các thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Cyril Matamela Ramaphosa bắt tay bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Châu Phi

Remi Adekoya, phó giảng viên chính trị tại Đại học York của Anh cũng cho biết, làn sóng chống Pháp gia tăng ở các thuộc địa cũ của họ sẽ tạo cơ hội cho Nga, khi nước này tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp lục địa.

Khi cuộc đảo chính đang diễn ra ở Niger vào tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi đã bắt đầu tại St. Petersburg. Tại đây, ông Putin lên án chủ nghĩa thực dân phương Tây và  tuyên bố sẽ xóa nợ, trao cho châu Phi nhiều khoản hỗ trợ, thành lập phòng thí nghiệm y tế cho Uganda, tặng trực thăng tổng thống cho nhà lãnh đạo của Zimbabwe. Đồng thời cam kết gửi ngũ cốc miễn phí tới 6 quốc gia châu Phi.

Dù vậy, một số ý kiến khác cho rằng còn quá sớm để khẳng định sự can dự của Nga. Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học La Trobe, Isabella Currie cho rằng, tới nay “vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy cuộc đảo chính quân sự ở Niger có liên quan đến lợi ích mở rộng của Nga ở châu Phi”.

Trước đó, chính phủ Nga cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi thả Tổng thống Bazoum. Điều này cho thấy, Nga không thực sự đứng sau vụ đảo chính quân sự này, theo các chuyên gia.

Trên thực tế, ảnh hưởng của Moscow tại châu Phi vốn đã được mở rộng đáng kể trong những năm qua. Điều này, được củng cố sau Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi vào cuối tháng 7 vừa qua. Hình ảnh những người biểu tình vẫy cờ Nga trước đại sứ quán Pháp ở Niger có thể được coi là bằng chứng về địa vị ngày càng tăng của Điện Kremlin trên khắp các vùng của Châu Phi.

Huyền Trang

Bài mới
Đọc nhiều