+
Aa
-
like
comment

Chiến sự vẫn dữ dội và 3 kết cục được dự báo trước ở Ukraine

04/03/2022 05:59

Lực lượng Nga vẫn đang bao vây và pháo kích dữ dội vào TP cảng Mariupol phía đông nam Ukraine. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng – không chỉ cho Kiev mà còn cho cả Điện Kremlin.

Mariupol là TP lớn thứ hai ở tỉnh Donetsk và lớn thứ 10 của Ukraine, nằm giáp biển Azov, cũng là nơi đặt nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng. Hội đồng TP Mariupol cáo buộc rằng lực lượng Nga pháo kích các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu khiến địa phương này không có điện, nước và khí đốt để sưởi ấm, thiếu nhu yếu phẩm cung cấp cho dân.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chiếm được TP Kherson phía nam. Ông Ihor Kolykhaiev, Thị trưởng TP, thừa nhận Kherson đã thất thủ và cho biết các lực lượng Ukraine đã không còn ở trong TP, theo tờ The New York Times. Ông cũng cho biết một nhóm khoảng 10 sĩ quan vũ trang của Nga đã vào tòa thị chính TP. Các sĩ quan Nga thông báo rằng họ đang có kế hoạch thành lập một chính quyền mới tương tự ở hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass.

Nga - Ukraine: Chiến sự vẫn dữ dội dù 2 bên đàm phán lần 2 - ảnh 1
Một thành viên lực lượng phòng vệ tự phát của TP Mariupol tuần tra quanh TP ngày 3-3.

Cũng ở phía nam, hãng thông tấn nhà nước Ukraine Ukrinform dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay đã phát hiện một nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đang di chuyển từ bán đảo Crimea về hướng TP Odessa. Theo lãnh đạo Hội đồng Công vụ tại Cơ quan quản lý nhà nước khu vực Odessa Serhiy Bratchuk, các đơn vị phòng thủ hiện đã sẵn sàng đối chọi với hỏa lực từ tàu chiến Nga.

Trên mặt trận ngoại giao, phái đoàn ngoại giao hai nước đã có buổi tiếp xúc lần hai hôm 3-3, với nội dung tiếp nối những gì đã đạt được trong lần đàm phán lần thứ nhất diễn ra ở vùng Gomel của Belarus ngày 28-2. Cụ thể, Nga yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố không gia nhập các liên minh chống lại Nga và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này. Kiev cũng phải công nhận độc lập của hai vùng ly khai là Donetsk và Luhansk, cũng như từ bỏ yêu cầu Moscow phải trả lại bán đảo Crimea đã được sáp nhập vào Nga năm 2014. Về phía Ukraine, nước này chỉ yêu cầu Nga ký kết lệnh ngừng bắn và rút quân đội khỏi lãnh thổ của mình.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tự tin rằng các bên sẽ thống nhất giải pháp cho khủng hoảng hiện nay và nói yêu cầu của phía Nga là “tối thiểu”. Ông cũng cho biết thêm rằng Nga không thể cho phép Ukraine gây ra mối đe dọa đối với an ninh của mình.

Những kịch bản có thể xảy ra với khủng hoảng ở Ukraine

Trong khi quân đội Nga tiến về phía Kiev, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh mẽ mà có thể sẽ khiến nền kinh tế xứ sở bạch dương tê liệt và đẩy lạm phát leo thang.

Báo The Atlantic dẫn lời Paul Poast, Giáo sư về chính sách đối ngoại và chiến tranh tại Đại học Chicago (Mỹ), chỉ ra những viễn cảnh cho khủng hoảng ở Ukraine. Đó là: một bãi lầy thảm họa và Nga sẽ rút đi; sự thay đổi chế độ ở Kiev; một cuộc chiếm đóng hoàn toàn Ukraine; hỗn loạn giống như Thế chiến III…

Những kịch bản có thể xảy ra với khủng hoảng ở Ukraine
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh:

Giáo sư Poast cũng thảo luận về các yếu tố sẽ định hình các cuộc khủng hoảng, phản ứng của Mỹ với Tổng thống Vladimir Putin và những diễn biến quan trọng có thể xảy ra trong tuần tới.

Ở viễn cảnh thứ nhất, chiến dịch quân sự của Nga nhanh chóng trở thành một vũng lầy. Nga chứng kiến làn sóng phản đối chiến tranh, kể cả từ những nhân vật nổi tiếng. Thị trường chứng khoán lao dốc. Đồng Rúp giảm giá và nỗi đau sẽ rất nhức nhối khi cấm vận bắt đầu thấm sâu vào các doanh nghiệp và giới tài phiệt Nga.

Phía người Ukraine sẽ ra sức bảo vệ đất nước. Họ có thể có nhiều động lực chiến đấu hơn so với lính Nga. Tất cả những điều đó sẽ cản bước Nga, có thể khiến Tổng thống Putin phải đánh giá lại chiến dịch và rút lui.

Viễn cảnh thứ 2 là sự thay đổi chế độ ở Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky bị lật đổ hoặc sống lưu vong, và một chính phủ thân Nga sẽ ra đời.

Viễn cảnh thứ 3 được gọi là “cái chết của nhà nước”. Giáo sư Poast giải thích, cụm từ này có nghĩa là một nhà nước không còn tồn tại vì nó đã bị thôn tính hoặc chinh phục, và không còn độc lập. Điều này có nghĩa là, mục tiêu của Nga không chỉ là thành lập một chính phủ mới như ở kịch bản số 1, mà còn tiếp quản toàn bộ Ukraine và biến nước này thành một phần của mình.

Cuối cùng là, theo ông Poast, từ Ukraine, Nga có thể hành động với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). NATO là liên minh của nhiều quốc gia Tây Âu, Đông Âu, và Mỹ, và bao gồm cả các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania.

Nếu xảy ra viễn cảnh này, NATO sẽ kích hoạt Điều khoản 5, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một thành viên của khối đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Khi đó, các quốc gia NATO khác sẽ đứng ra bảo vệ nước bị tấn công, và dẫn tới một cuộc chiến giữa Nga và NATO, cụ thể là giữa Nga và Mỹ.

Tùng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều