Chiến sự Armenia – Azerbaijan: Lo ngại thông điệp hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ
Armenia và Azerbaijan tuyên bố tiếp tục giao tranh, từ chối tổ chức đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế hôm 30-9.
Tại thủ phủ Stepanakert của của tỉnh tự trị Nagorno-Karrabakh, còi báo động vang lên sau 2 tiếng nổ khoảng nửa đêm 30-9. Người dân cho biết thành phố đã bị máy bay không người lái tấn công.
Đèn đường bị tắt khiến các con phố tối om dù một số cửa hàng vẫn được mở. Nhà chức trách địa phương cho biết thành phố bị tấn công từ khi giao tranh bùng phát hôm 27-9.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 30-9 tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi các lực lượng Armenia rời khỏi lãnh thổ tranh chấp.
“Chúng tôi chỉ có một điều kiện: các lực lượng vũ trang Armenia phải vô điều kiện và ngay lập tức rời khỏi vùng đất của chúng tôi” – Tổng thống Ilham Aliyev nhấn mạnh.
Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “ngừng bắn hoàn toàn” ở Nagorno-Karabakh và sẵn sàng tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột.
Điện Kremlin thông báo vào ngày 30-9: “Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn hoàn toàn càng sớm càng tốt, xuống thang căng thẳng và thể hiện kiềm chế tối đa”.
Thông cáo nêu rõ Tổng thống Nga và Pháp bày tỏ sẵn sàng đưa ra tuyên bố thay mặt các đồng chủ tịch của nhóm Minsk, gồm Nga, Pháp và Mỹ, kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh và bắt đầu đối thoại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra “cực kỳ lo ngại trước những thông điệp hiếu chiến” từ Thổ Nhĩ Kỳ – đồng minh của Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ “hoàn toàn sẵn sàng” trợ chiến cho Azerbaijan.
Bàn về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích nhận định động thái đó là một nhân tố mới nguy hiểm, có nguy cơ khiến cuộc giao tranh kéo dài và đẫm máu hơn. Điều này làm gia tăng nguy cơ xung đột leo thang lên cấp độ khu vực. Giới quan sát lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ mở ra mặt trận thứ ba trong đối đầu với Nga, sau chiến trường Syria và Lybia.
Số người thiệt mạng trong đụng độ đã vượt qua 100, trong đó có nhiều dân thường. Armenia ghi nhận 104 binh sĩ và 23 dân thường thiệt mạng, còn Azerbaijan chưa công bố chi tiết thương vong. Hai bên đều tuyên bố gây ra thiệt hại nặng nề cho đối phương.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết lực lượng nước này tiêu diệt 2.300 binh sĩ ly khai ở Nagorno-Karabakh, phá hủy 130 xe tăng, 200 đơn vị pháo, 25 đơn vị phòng không, 5 kho đạn, 50 đơn vị chống tăng và 55 xe quân sự. Ngày 30-9, Azerbaijan công bố đoạn video về vụ phá hủy 2 xe tăng của “kẻ thù” và cho biết một tiểu đoàn Armenia đã bỏ chạy khỏi khu vực xung quanh làng Tonashen. Trong ngày 30-9, Azerbaijan thông báo có 14 dân thường thiệt mạng và 46 người bị thương.
Trong khi đó, Armenia cho biết 130 binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia cho biết: “Các lực lượng vũ trang Armenia đã phá hủy 29 xe tăng và thiết giáp”.
Theo báo The Guardian, có ít nhất 3 tay súng phiến quân Syria thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Nguồn tin của The Guardian nói các tay súng Syria có thể là nhân sự hợp đồng cho những công ty an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Azerbaijan.
Việc quân đội được triển khai rất nhanh ra khu vực tiền tuyến, sự hiện diện của lực lượng Syria cho thấy Azerbaijan có thể đã lên kế hoạch từ sớm cho chiến dịch quân sự này.
Giao tranh đang diễn ra giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh là lần đụng độ khốc liệt nhất trong nhiều năm qua. Armenia và Azerbaijan phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện và khiến các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga can thiệp.
Nagorno-Karabakh là một tỉnh của Azerbaijan nhưng phần lớn dân địa phương là người Armenia. Họ chiếm thiểu số và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát. Tranh chấp quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2-1988 tới tháng 5-1994.
Hoàng Đan/NLĐ