Chiến sĩ công an đầu tiên bị sát hại trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979
Ngày 25/8/1978, Lê Đình Chinh ngã xuống bởi một nhát dao chém lén của lính Trung Quốc đi đánh giáp lá cà, khi đó anh vừa tròn 18 tuổi.
Ngã xuống giữa vòng vây của lũ côn đồ
Giai đoạn 1977-1978, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Tình hình biên giới Việt – Trung, đặc biệt ở khu vực các cửa khẩu cực kỳ căng thẳng, khi mà từng dòng người Hoa từ Việt Nam kéo về Trung Quốc ngày một tăng lên qua đường biển và cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).
Ông Bế Chu Lang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từng là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng giai đoạn 1976-1978, kể lại rằng: “Phía Trung Quốc đã lợi dụng người Hoa kích động hằn thù dân tộc. Để kích động người Hoa bạo loạn, một mặt phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mặc thường phục trà trộn vào nhóm người này, mặt khác chúng cải trang bộ đội biên phòng Việt Nam đánh trọng thương một vài người Hoa rồi đổ vấy cho phía Việt Nam.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm là rạng sáng 12/7/1978, Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở Cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay khu vực cấm, sinh hoạt bừa bãi làm náo loạn cả vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở vùng biên.
Trước tình hình đó, lãnh đạo và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng (Lạng Sơn và Cao Bằng hiện nay) đã triệu tập họp khẩn cấp và triển khai lực lượng nhằm bảo vệ an toàn cho số người Hoa đang ùn ứ tại cửa khẩu.
Rạng sáng 25/8/1978 Đoàn Cán bộ dân vận liên ngành tỉnh Cao Lạng, nòng cốt là tỉnh Hội Phụ nữ, đã xuất phát, hướng về phía đồi Pù Tèo Hào (giáp biên giới Việt- Trung), nơi người Hoa tập trung đông nhất”.
Đại tá Nguyễn Đức Hiệu (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) nhớ lại: “Để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, chúng tôi đã chọn ra 25 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn Hữu Nghị và 20 cán bộ, chiến sỹ công an vũ trang thuộc Trung đoàn 12 để tăng cường tại Km số 0 đề phòng những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong số 20 cán bộ, chiến sỹ của lực lượng bộ độ biên phòng này có thượng sỹ Lê Đình Chinh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang”.
Theo lời kể của ông Hiệu, sau này các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn báo cáo lại rằng, khi đoàn cán bộ liên ngành vừa đặt chân lên đồi Pù Tèo Hào thì bất ngờ bị một toán người Hoa hùng hổ dùng gậy gộc, xà beng, cuốc, dao quắm, gạch đá lao vào hành hung.
Trước tình huống trên, lực lượng của Đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ, vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi. Lúc này, hàng chục công an, biên phòng Trung Quốc mặc thường phục từ bên kia biên giới kéo sang hỗ trợ đám người Hoa đuổi theo tấn công, ném gạch, đá; dùng gậy gộc, dao quắm bổ vào đoàn người mà đa số là phụ nữ.
Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sỹ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào. Trước tình thế hiểm nghèo, thượng sỹ Lê Đình Chinh đã cùng đồng đội xông lên giải vây.
Lê Đình Chinh vừa cứu những cán bộ bị chúng hành hung, vừa phải đánh, đỡ những đường dao, gậy gộc của chúng. Bọn côn đồ hung hãn vây lấy anh. Chúng ném dao, đá tới tấp vào Chinh.
Anh bị một hòn đá to ném trúng đầu, vết thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Nhưng anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. Lúc đó là 10h30 ngày 25/8/1978. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh trên mảnh địa đầu biên giới Tổ quốc thân yêu.
Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, trú quán tại nông trường Sông Âm, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Anh nhập ngũ năm 16 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Anh từng tham gia chiến đấu nhiều trận với quân Khmer Đỏ trong chiến tranh biên giới Tây Nam, lập được một số công trạng.
Ngày 25/8/1978, trong khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội, anh Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh. Khi ấy, anh vừa tròn 18 tuổi.
Ngày 30/8/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sỹ Lê Đình Chinh.
Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng huy hiệu “Vì thế hệ trẻ”; đồng thời phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”.
Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tên anh đã vinh dự được nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam đặt tên đường, trường học, nông trường.
Lê Đức Sảo