Chiến lược tên lửa Mỹ đối phó tàu chiến Trung Quốc
Tướng lục quân Mỹ James C.McConville mới đây tiết lộ nước này đang phát triển các hệ thống tên lửa tấn công tàu chiến để ứng phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn tại một sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) vào ngày 1.8 (theo giờ Việt Nam), tướng James C.McConville, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, khẳng định nước này đang sở hữu các loại tên lửa tầm trung đủ sức đánh chìm tàu chiến.
Thông tin trên được đưa ra khi nội dung sự kiện bàn về hệ thống phòng thủ mà Trung Quốc đặt ra với chiến lược phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Qua đó, tướng McConville nhấn mạnh các loại tên lửa trên “rất quan trọng để ứng phó chiến lược A2/AD mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực”. Vị tướng này cũng đề cập “hỏa lực chính xác tầm xa” như tên lửa hành trình siêu thanh, hay các loại tên lửa thuộc nhóm “hỏa lực chiến thuật với tầm bắn mở rộng” là các giải pháp mà Lầu Năm Góc có thể triển khai.
Theo giới chuyên gia quốc tế, việc điều động các loại tên lửa trên là cách mà Mỹ dùng để ứng phó tàu chiến Trung Quốc ở Indo-Pacific, trong đó đặc biệt tại khu vực Biển Đông.
Tham vọng của Bắc Kinh
Trả lời PV ngày 3.8, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Những năm qua, Trung Quốc có những bước phát triển nhanh về tên lửa. Theo thông tin từ dự án Phòng thủ tên lửa của CSIS về tên lửa chống hạm của Trung Quốc, hỏa tiễn có tầm bắn 1.000 km đủ sức bao phủ gần đến khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, hỏa tiễn có tầm bắn 2.000 km bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông và rộng đến khu vực Nhật Bản, hỏa tiễn có tầm bắn 3.000 km thì vươn đến cả các đảo thuộc chuỗi đảo thứ hai (đây là khái niệm trong chiến lược chuỗi đảo, thường được hiểu là từ quần đảo Ogasawara và quần đảo Volcano của Nhật Bản đến quần đảo Mariana thuộc Mỹ – NV)”.
Tháng 7, Washington tiến hành 67 cuộc trinh sát ở Biển Đông ?
Ngày 2.8, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài phỏng vấn ông Hồ Ba, Giám đốc Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo đó, phía SCSPI dẫn một số thông tin ghi nhận cho rằng Mỹ đã điều động máy bay trinh sát tiến hành 67 hoạt động ở Biển Đông trong tháng 7. Các máy bay tham gia trinh sát bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có cả các máy bay trinh sát săn ngầm cỡ lớn như P-3 Orion, P-8 Poseidon.
Vì thế, theo TS Nagao, nếu Trung Quốc triển khai đầy đủ các tầng lớp tên lửa phục vụ chiến lược A2/AD thì tàu chiến của Mỹ khó tiếp cận khu vực Biển Đông.
“Vấn đề không dừng lại ở đó, Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 phóng từ tàu ngầm cho phép khả năng từ Biển Đông tấn công đến Mỹ. Nên khi Bắc Kinh triển khai các tên lửa chống hạm đủ sức bao phủ khắp Biển Đông thì có thể yểm trợ cho tàu ngầm mang tên lửa JL-3 hoạt động mà không lo ngại hải quân Mỹ cản trở. Điều đó khiến cán cân quân sự ở Biển Đông thay đổi. Mỹ khó có thể đe dọa các cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”, TS Nagao đặt vấn đề.
Sách lược của Washington
Tuy nhiên, ông Nagao cho rằng Washington cũng đã có những động thái ứng phó kịch bản trên. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn cấm phát triển các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với hệ thống phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km. Từ đó, Mỹ đã phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa vốn bị giới hạn bởi INF.
Trung Quốc thừa nhận nhái tiêm kích Mỹ
Theo South China Morning Post, nhà thiết kế chính của Viện Thiết kế máy bay Thành Đô (CADI) Dương Vĩ đã thừa nhận mẫu tiêm kích J-20 giống với các tiêm kích của Mỹ hơn so với mẫu FC-31 của Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương. Cả hai viện đều đang chạy đua nâng cấp các phiên bản để hoạt động trên tàu sân bay và phát biểu trên được cho là nhằm thuyết phục giới chức Trung Quốc dùng phiên bản J-20 nâng cấp. J-20 nặng tối đa 25 tấn, hơn FC-31 đến 12 tấn, trong khi tàu sân bay mới của Trung Quốc dùng hệ thống phóng điện từ vốn giới hạn về tải trọng.
Thêm vào đó, Mỹ cũng đã kêu gọi các đối tác trong “Bộ tứ an ninh” (QUAD) ở Indo-Pacific là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cùng tham gia phát triển. Trong chiến lược được công bố gần đây, Úc tiết lộ kế hoạch sở hữu năng lực tấn công tầm xa. Nhật cũng hướng đến năng lực tấn công tương tự. Ấn Độ thì đã phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa.
Cùng trả lời PV ngày 3.8, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Nhiều khả năng, tên lửa tầm trung mà tướng McConville đề cập là hệ thống tên lửa tấn công chính xác (PrSM) có thể được phóng hệ thống pháo cơ động HIMARS hoặc hệ thống phóng đa nòng M270”.
“Tầm bắn khoảng 500 km, thậm chí đạt 750 km, PrSM có thể trở thành mối đe dọa hữu hiệu đối với tàu chiến Trung Quốc. Đây là một phần trong học thuyết mới của Mỹ cho sự phối hợp từ nhiều lực lượng nhằm hoạt động ở các môi trường nhiều đảo như Biển Đông và biển Hoa Đông”, cựu đại tá Schuster đánh giá.
Cũng liên quan năng lực này, ông Schuster cho biết thủy quân lục chiến Mỹ đang sở hữu và thử nghiệm thành công tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM) với tầm bắn 160 km và có phiên bản có thể đạt 550 km. Hiện nay, NSM đã được trang bị trên tàu tác chiến cận bờ lớp Independence như chiếc USS Gabrielle Giffords thời gian qua thường xuyên hoạt động ở Biển Đông.
“NSM còn có thể được triển khai bằng các phương tiện đường bộ với khả năng cơ động cao để tấn công tàu chiến từ trên đất liền. Thủy quân lục chiến Mỹ đang theo đuổi học thuyết mới mà cứ mỗi trung đoàn, thuộc lực lượng tấn công viễn chinh, thì có một tiểu đoàn tên lửa tấn công tàu chiến. Mỗi tiểu đoàn như thế có 3 khẩu đội. Mỗi khẩu đội gồm 3 hệ thống phóng tên lửa, xe chỉ huy tác chiến, xe liên lạc di động, xe radar, xe vận chuyển tên lửa cùng xe hỗ trợ kỹ thuật. Mỗi xe phóng tên lửa có thể mang theo 4 tên lửa. Cùng một lúc, có thể kết nối để 6 xe phóng tên lửa cùng khai hỏa để bắn đi 24 tên lửa NSM”, vị cựu đại tá chỉ ra.
Trong khi đó, lực lượng viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ có nhiều cuộc tập trận cùng nhóm viễn chinh tàu đổ bộ tấn công USS America ở Biển Đông và khu vực lân cận.
Ngô Minh Trí/ TNO