Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 – 2030: Xương sống cho quá trình phục hồi kinh tế

Nhìn lại gần 10 năm thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, mặc dù còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc nhìn nhận, đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 và đúc kết những bài học kinh nghiệm có giá trị, là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược tài chính giai đoạn 2021 – 2030 với khát vọng xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính – tiền tệ.

 

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, chúng ta thấy bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Kinh tế thế giới phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2007  - 2008; Rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; xu hướng bảo hộ thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, năm cuối của thời kỳ Chiến lược, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 – 1933, trong đó có nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã bám sát tình hình chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, kịp thời tạo những chuyển biến rõ nét và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính nhà nước, cải thiện dư địa chính sách tài khóa. Nổi bật là: Thể chế tài chính – ngân sách nhà nước được hoàn thiện, cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả.

Cùng với đó, tiềm lực tài chính – ngân sách nhà nước được tăng cường. Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011 – 2020 đạt khoảng 24,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW (20 – 21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 (23,5% GDP). Tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 20,7% GDP; giai đoạn 2016 – 2020 đạt xấp xỉ 21% GDP, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra (21% GDP). Đáng chú ý, cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Theo đó, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011 – 2015 lên 82% giai đoạn 2016 – 2020, đến năm 2020 đạt 85,6%. Nhờ vậy, 2 năm qua, các giải pháp tài chính – ngân sách nhà nước được chủ động đưa ra để ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước được cải thiện ngày càng hiệu quả thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước kết hợp với thu hút các nguồn vốn khác đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Bội chi ngân sách nhà nước đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu đề ra về an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 trong thời gian qua đang bộc lộ một số khăn, thách thức. Điển hình:

Theo yêu cầu của sự phát triển, sự vận động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế cần phải được khẩn trương, đổi mới hơn nữa trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính. Thời gian làm thủ tục thuế, hải quan tuy được rút ngắn đáng kể khoảng cách so với các nước ASEAN-4; nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa đáp ứng các yêu cầu hội nhập trong TPP, Việt Nam – EU,…

Dư địa tăng thu ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế, số vượt thu ngân sách những năm gần đây chủ yếu là các khoản thu thuộc nguồn thu ngân sách địa phương (các khoản thu từ nhà, đất) trong khi ngân sách trung ương gặp khó khăn. Giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt 55% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn so với mục tiêu đề ra từ đó làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Thu ngân sách địa phương tăng nhưng còn dựa nhiều vào các khoản thu mang tính chất một lần, chưa thực sự bền vững.

Việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn thấp trong khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp về quy mô, phạm vi chi. Chính sách chi ngân sách nhà nước, nhất là các chính sách về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và một số chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia còn trùng lặp về chính sách và nội dung chi. Nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí cho dự trữ quốc gia chưa đạt được mục tiêu chiến lược đề ra.

Cơ cấu chi thường xuyên, chi đầu tư còn bất cập; hiệu lực, hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách ở một số nội dung, lĩnh vực còn hạn chế; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên; phân bổ vốn đầu tư hiệu quả chưa cao, giải ngân chậm, chuyển nguồn lớn. Phần lớn các khoản chi ngân sách nhà nước hiện vẫn được kiểm soát theo các yếu tố đầu vào (tiêu chuẩn, chế độ, định mức), chưa có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh. Nghĩa vụ trả nợ công hàng năm ở mức cao và có xu hướng tăng trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giảm.

 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thời gian tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy nhiên, chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên toàn cầu và trong khu vực sẽ rất phức tạp, gay gắt. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Và có khả năng kéo dài sang những năm đầu của thời kỳ chiến lược mới, dẫn đến những thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Bên cạnh đó, các xu hướng phát triển mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải có những định hướng, giải pháp tài chính đồng bộ, toàn diện nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cú sốc khó khăn bởi đại dịch, khôi phục sản xuất và phát triển bền vững. Xây dựng Chiến lược tài chính là điều kiện tiên quyết. Vì khi xây dựng được một Chiến lược đúng đắn sẽ góp phần tạo ra những bước bứt phá, cất cánh.

Do đó, xây dựng Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 là phải hướng đến mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia tiên phong, phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập, minh bạch. Và trở thành đòn bẩy của nền kinh tế, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, phải thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên thì cần chú trọng hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước, hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Cần xóa bỏ hoàn toàn tư duy bao cấp trong lĩnh vực ngân sách. Ngân sách chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng hoặc không muốn tham gia. Ưu tiên chi cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đặc biệt, phải có tầm nhìn về bội chi ngân sách và nợ công, cũng như hành lang pháp lý với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng để quản lý bội chi ngân sách và nợ công trong trung hạn cũng như dài hạn, sao cho phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay – trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Chiến lược tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2023 đặt trong bối cảnh phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, nên cần linh hoạt hơn trong các chỉ tiêu tài chính ở thời kỳ đầu của giai đoạn và giữ ổn định bền vững trong cả giai đoạn. Chuyên gia kinh tế khảng định: Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc.

Thực hiện: Diệu Hương

Đồ họa: M.N