+
Aa
-
like
comment

Chiến lược ‘sống chung’ với dịch

13/09/2021 06:55

TP.HCM hoạch định chiến lược phòng chống Covid-19 giai đoạn sau ngày 15.9 – thời điểm dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách cho người đã tiêm vắc xin tham gia các hoạt động phục hồi kinh tế.

TP.HCM tính toán “lách qua khe cửa rất hẹp” để mở cửa kinh tế trên tinh thần “chậm mà chắc, mở tới đâu an toàn tới đó”, với 2 mục tiêu then chốt: thích nghi an toàn với môi trường có dịch bệnh và phục hồi sức sống của doanh nghiệp, đảm bảo sinh kế của người dân.

Củng cố an toàn dịch tễ trên nhiều “mặt trận”

Thách thức rất lớn đối với TP.HCM thời điểm này là số ca nhiễm mới và tử vong vẫn còn cao (ngày 12.9 có 6.158 ca mắc mới, 200 ca tử vong). Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia và nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, mức độ an toàn dịch tễ trong môi trường có dịch trên địa bàn TP.HCM có chuyển biến, khi đã có gần 7,8 triệu người tiêm vắc xin, trong đó hơn 1,3 triệu người tiêm mũi 2. Số người khỏi bệnh (có miễn dịch) lên đến khoảng 150.000 người…

Chiến lược 'sống chung' với dịch - ảnh 1
Lực lượng thuộc Trạm y tế lưu động phát thuốc điều trị Covid-19 cho F0 tại P.14, Q.10 (TP.HCM)

Đáng chú ý, Sở Y tế TP.HCM dự báo số ca nặng và tử vong sẽ giảm sau ngày 15.9 nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: hoàn thiện hệ thống điều trị hình tháp 3 tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc mẫu cho F0 tại nhà và sử dụng các thuốc mới trong điều trị Covid-19, nhất là tăng nhanh độ bao phủ vắc xin… Theo đó, hệ thống điều trị của TP.HCM đã không còn quá tải như ở giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta với số ca nhiễm tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, lộ trình đến hết năm 2021 bao phủ 100% vắc xin phòng Covid-19 (tiêm đủ 2 mũi) cho người trên 18 tuổi, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, người có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì)…

Về đi lại, dự kiến sử dụng thẻ xanh Covid cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch (đi lại có kiểm soát an toàn dịch tễ theo nguyên tắc 5K). Với hệ điều trị tập trung tại các bệnh viện, TP.HCM nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19. Cùng với đó, giám sát dịch tễ cộng đồng để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, phục hồi hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân…

Y bác sĩ Trạm y tế lưu động số 4 (407 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3) đến nhà thăm khám cho F0 là cụ bà 87 tuổi /// SONG MAI
Y bác sĩ Trạm y tế lưu động số 4 (407 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3) đến nhà thăm khám cho F0 là cụ bà 87 tuổi

Chăm sóc F0 tại nhà sẽ ra sao?

Ở thời điểm này, TP.HCM còn khoảng 95.000 F0 tại nhà, và việc quản lý, chăm sóc lượng F0 “khổng lồ” này được xem là một vấn đề rất hệ trọng.

Với thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”, Sở Y tế TP.HCM kết hợp thực hiện phương án “dựa vào cộng đồng”. Theo đó, đảm bảo 100% F0 tại nhà được theo dõi tình hình sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày, được tư vấn y tế mỗi khi có nhu cầu (gián tiếp qua điện thoại hoặc trực tiếp). Đảm bảo hỗ trợ đầy đủ túi thuốc và nhu yếu phẩm cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đảm bảo khi F0 trở nặng, có nhu cầu nhập viện thì được cấp cứu và kịp thời chuyển đến bệnh viện.

Đặc biệt, không để xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà trong khi chờ được cấp cứu. Huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng.

TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý việc tận dụng các nhân viên y tế lưu trú trên địa bàn, tư vấn cho F0 là hàng xóm tại địa bàn mình đang sinh sống, đúng nghĩa “bác sĩ gia đình” hay “bác sĩ láng giềng”, và xem đây mới thật sự là giải pháp bền vững để F0 an tâm cách ly, điều trị tại nhà.

F0 gọi, trạm y tế lưu động đến liền

Hơn 522 trạm y tế lưu động có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên… mà TP.HCM đang vận hành ở địa bàn dân cư, được xem là “đội hình chiến lược” trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Chiều 12.9, theo ghi nhận của PV, có cuộc gọi đến Trạm y tế lưu động số 4 (407 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3) thông báo cần được thăm khám tại địa chỉ nhà trong hẻm 199 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3. Nhà có 6 người thông qua test nhanh phát hiện nhiễm Covid-19, trong đó có một người 87 tuổi.

Chiến lược 'sống chung' với dịch - ảnh 2

Vừa dứt điện thoại, bác sĩ Nguyễn Đình Phương, phụ trách Trạm y tế lưu động số 4 cùng 2 học viên của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đến nhà bệnh nhân. Do có người đã lớn tuổi, bác sĩ Phương mang theo một máy tạo ô xy y tế, hướng dẫn người thân cách sử dụng máy, cách đo SpO2 và cách nhận biết chuyển nặng để chuyển viện. Sau khi thăm khám xong, bác sĩ Phương dặn dò bệnh nhân phải ráng ngồi dậy vận động, ăn uống đủ chất, không bỏ bữa…

Trạm y tế lưu động số 4 (P.9, Q.10) do bác sĩ quân y Nguyễn Thế Lưu cùng 2 học viên Học viện Quân y đảm nhiệm, đang thăm khám và phát thuốc cho khoảng 100 F0. “Mỗi ngày có khoảng 50 cuộc gọi tới đường dây nóng của trạm, chúng tôi sẽ hỏi kỹ các triệu chứng để nắm bắt các thông số cơ bản nhất để đánh giá trường hợp nào cần cấp cứu, thăm khám tại nhà, hay có thể tư vấn qua điện thoại, trao đổi qua mạng xã hội để theo dõi tình trạng bệnh”, bác sĩ Lưu thông tin.

Bác sĩ Lưu cho biết thêm, khi vừa tiếp nhận thăm khám cho các F0 tại đây, nhiều trường hợp cần được chăm sóc, thăm khám liên tục cả ngày và đêm. “Hiện nay tình hình F0 đã được kiểm soát tốt hơn khi chúng tôi nắm được danh sách những ca nặng để chăm sóc. Thấy rõ nhất qua việc các ca cấp cứu giảm dần khi các F0 được phát thuốc điều trị tại nhà. Hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cách hít thở, hướng dẫn thêm về chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, công tác ổn định tâm lý bệnh nhân cũng rất quan trọng”, bác sĩ Lưu cho hay.

Hiện nay đối với F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM, tùy tình trạng sẽ được cung cấp 2 hoặc 3 túi thuốc: Túi thuốc A (thuốc thông thường), túi thuốc B (thuốc kháng đông, kháng viêm) và túi thuốc C (thuốc kháng vi rút).

Khó kiểm soát dịch toàn bộ như dự kiến

Ngày 12.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ – một trong số ít địa phương ở TP.HCM đã kiểm soát được dịch bệnh để thảo luận, bàn về phương án mở cửa an toàn, phục hồi kinh tế.

Theo ông Nên, TP.HCM chưa thể tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh vì còn nhiều yếu tố chưa căn cơ, chưa ổn định. Do đó, TP.HCM cần tiếp tục triển khai giãn cách thêm một thời gian nữa (dự kiến đến 30.9) để những chỉ tiêu được kéo giảm ổn định nhằm “tự tin bước vào giai đoạn mới”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, thông tin dự kiến ngày 30.9, huyện sẽ mở tour du lịch đầu tiên theo hình thức khép kín, cung đường khép kín, khách du lịch đến chỉ được ở trong những khu vực nhất định.

Sỹ Đông

Bài mới
Đọc nhiều