Chiến lược “nắm cờ chờ đàm phán” của Mỹ khi lùi ngày áp thuế đối ứng đến 1-8
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức hàng đầu đều xác nhận sẽ áp thuế đối ứng trở lại từ ngày 1/8, lùi 3 tuần so với hạn chót cũ.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thông báo một điều chỉnh quan trọng: thời hạn áp dụng thuế quan đối ứng với khoảng 100 quốc gia sẽ được lùi tới ngày 1/8. Đây là động thái nối dài quãng “đình chiến” thương mại mà chính quyền Mỹ từng khởi xướng vào đầu tháng 4, khi công bố kế hoạch áp thuế mạnh tay với hàng nhập khẩu nhưng cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán. Tuyên bố của ông Bessent cho thấy Washington đang sử dụng thời gian như một công cụ chiến lược – tạo áp lực để các quốc gia chủ động thương lượng, thay vì đơn phương đối đầu với mức thuế sắp tới.
Trên thực tế, từ tháng 4 đến nay, Mỹ đã đạt được một số bước đột phá với một số nền kinh tế quan trọng. Anh đồng ý giảm một số rào cản kỹ thuật, đổi lại được áp mức thuế 10% thay vì 30% như kế hoạch. Việt Nam là nước thứ hai đạt được thỏa thuận song phương ngay trước thời hạn 9/7, theo đó hàng Việt Nam chỉ chịu thuế 20% (thay vì 46%), trong khi hàng Mỹ được miễn thuế hoàn toàn. Những trường hợp này cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump không đóng cửa hợp tác, nhưng yêu cầu đối tác hành động cụ thể, nhanh chóng và có đi có lại.
Quyết định lùi ngày áp thuế đến 1/8 là một bước đi thận trọng nhưng không kém phần cứng rắn. Nó cho phép Mỹ giữ đòn bẩy thuế quan trong tay thêm ba tuần, đủ để thúc ép các nước chậm trễ phải lựa chọn: hoặc ký kết các thỏa thuận thương mại phù hợp với yêu cầu của Mỹ, hoặc đối mặt với các mức thuế nặng nề từ tháng sau. Với khoảng 100 quốc gia đang nằm trong danh sách cảnh báo, thời gian lúc này không còn là tài sản vô tận – mà là giới hạn khắt khe cho những đàm phán mang tính quyết định.
Ở góc độ kinh tế quốc tế, bước đi của Mỹ cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận chính sách thương mại: từ đa phương sang song phương, từ cào bằng sang phân loại. Những đối tác chủ động, linh hoạt và có thiện chí sẽ được giữ lại trong hệ thống thương mại của Mỹ với điều kiện ưu đãi hơn. Trong khi đó, những nước không phản hồi kịp thời sẽ bị đối xử như “người ngoài cuộc” – với rào cản thuế cao và ít cơ hội tiếp cận thị trường.
Với Việt Nam, việc đạt được thỏa thuận thương mại ngay trước thời hạn đã chứng minh tầm nhìn chiến lược và khả năng hành động nhanh chóng của lãnh đạo đất nước trong bối cảnh rủi ro toàn cầu tăng cao. Đây không chỉ là thành quả đàm phán nhất thời, mà còn là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng không tự cô lập – một nền kinh tế biết mở cửa có chọn lọc, biết hợp tác có nguyên tắc.
Từ nay đến ngày 1/8, thế giới sẽ chứng kiến một vòng đàm phán dồn dập giữa Mỹ và hàng chục quốc gia. Nhưng đồng hồ đang đếm ngược. Sau thời hạn đó, các mức thuế quan sẽ không còn là lời cảnh báo, mà trở thành hiện thực. Và khi đó, chỉ những quốc gia có sự chuẩn bị và phản ứng kịp thời mới có thể giữ được lợi thế trên bàn cờ thương mại toàn cầu.
Như Phương