Chiến lược ‘miễn dịch cộng đồng’ bằng niềm tin của Thụy Điển
Thụy Điển chống Covid-19 không bằng lệnh phong tỏa, mà chỉ dựa vào những khuyến cáo cách biệt cộng đồng và ý thức tuân thủ của người dân.
“Đã có rất nhiều hiểu nhầm về chiến lược của chúng tôi”, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói trong cuộc phỏng vấn với Guardian hôm 27/4, đề cập đến chiến lược chống Covid-19 “một mình một kiểu” của nước này.
Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu với hơn 10,2 triệu dân, đang kỳ vọng sẽ đạt “miễn dịch cộng đồng” ở thủ đô Stockholm vào tháng 5, giúp người dân vượt qua Covid-19 mà không phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như hầu hết các nước châu Âu khác.
“Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc người dân trở nên miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm nhờ phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine. Một số chuyên gia tin rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng của Covid-19 là khi 60% dân số bị nhiễm virus.
Trong khi hàng tỷ người trên thế giới phải ở yên trong nhà hoặc chịu các biện pháp hạn chế đi lại nhất định để ngăn Covid-19, Thụy Điển lại khuyến cáo, thay vì ra lệnh cho người dân, tránh đi lại không cần thiết, tăng cường làm việc từ xa và không ra ngoài nếu trong nhà có người cao tuổi hoặc người ốm.
Bằng cách dựa vào ý thức trách nhiệm của người dân, Thụy Điển vẫn cho phép các cửa hàng, nhà hàng và phòng gym mở cửa, nhưng hy vọng khách hàng đến các địa điểm này tuân thủ việc giữ khoảng cách an toàn. Nước này chỉ đóng cửa trường trung học và cấm tụ tập từ 50 người trở lên.
Nhiều người Thụy Điển ủng hộ và tuân thủ chính sách của chính phủ, dù chiến lược “miễn dịch cộng đồng” bị nhiều nhà khoa học chỉ trích gay gắt. Tỷ lệ người chết vì Covid-19 trên một triệu dân của Thụy Điển thấp hơn so với Tây Ban Nha và Italy, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với các nước láng giềng Bắc Âu.
Quốc gia này đã ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm và gần 2.400 ca tử vong vì nCoV. Trong khi số ca nhiễm và tử vong ở Đan Mạch là gần 8.900 và hơn 430, Na Uy là gần 7.600 và hơn 200, Phần Lan là gần 4.700 và gần 200.
“Mục tiêu của Thụy Điển là cứu sống mọi người, ngăn chặn nCoV lây lan, đảm bảo hệ thống y tế có thể ứng phó và giảm thiểu hậu quả về kinh doanh, việc làm”, bà Linde nói.
Ngoại trưởng Linde khẳng định Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chính sách tùy theo tình hình. “Chúng tôi có khá nhiều mục tiêu tương đồng với mọi chính phủ khác. Như chúng tôi luôn nói, chính phủ Thụy Điển sẵn sàng đưa ra những quy định mang tính ràng buộc hơn nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hiện hành”, bà cho hay.
Ngoại trưởng Thụy Điển cũng thêm rằng chính sách của quốc gia này mang tính lâu dài. “Đây là một cuộc đua đường trường, không phải chạy nước rút”, bà Linde khẳng định.
Giới chức Stockholm cuối tuần qua quyết định đóng cửa 5 quán rượu và nhà hàng vì không tuân thủ nguyên tắc giãn cách. Họ chỉ cho thực khách có đủ thời gian hoàn thành bữa ăn trước khi buộc họ rời khỏi nhà hàng.
“Đây là một lời cảnh báo mạnh mẽ. Đó không phải là những biện pháp mang tính tự nguyện. Bạn phải hiểu rằng bạn cần tuân thủ. Chúng tôi tin cách tốt nhất chính là kết hợp giữa một số biện pháp mang tính ràng buộc và những khuyến nghị rõ ràng cho công chúng. Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ tin cậy lâu dài và vững chắc giữa chính quyền với người dân”, Ngoại trưởng Linde chia sẻ.
Bà khẳng định nhiều bằng chứng cho thấy hầu hết người dân Thụy Điển đều tuân thủ quy định, khi chỉ ra lượng đặt phòng tại hai điểm du lịch trong nước nổi tiếng nhất ở quốc gia này đã giảm 96%, sau khi chính phủ khuyến nghị người dân nên ở nhà trong dịp lễ Phục sinh. Tỷ lệ nhiễm nCoV ở quốc gia này cũng có dấu hiệu giảm và Cơ quan Y tế Cộng đồng ước tính khoảng 20% trong số hơn 10 triệu dân bị nhiễm nCoV.
Ngoại trưởng Linde chia sẻ bà “sẽ rất ngạc nhiên” nếu chiến lược này không bị chỉ trích. “Nhạc trưởng” của chiến lược chống Covid-19 Thụy Điển là nhà dịch tễ học nổi tiếng Anders Tegnell, người từng mô tả nó không chỉ tạo ra “miễn dịch cộng đồng” mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của nCoV, trong khi duy trì khả năng ứng phó của hệ thống y tế.
Một số học giả và giáo sư y khoa hàng đầu quốc gia đã chỉ trích gay gắt quyết định “một mình một kiểu” của Thụy Điển khi không phong tỏa đất nước như nhiều quốc gia châu Âu khác. Họ từng gửi nhiều thư ngỏ và đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ cần thay đổi khẩn cấp chiến lược hiện hành khi thấy số ca nhiễm và tử vong nCoV ở Thụy Điển tăng.
Bà Linde khẳng định tỷ lệ tử vong tương đối cao chắc chắn không phải là điều mà Thụy Điển mong muốn khi áp dụng chiến lược hiện tại. Tuy nhiên, bà thừa nhận số ca tử vong đặc biệt cao ở các viện dưỡng lão, chiếm hơn nửa số người chết được ghi nhận ở quốc gia này, là thất bại của chính phủ.
Thụy Điển đã sớm cấm người dân tới thăm thân ở viện dưỡng lão, nhưng nCoV vẫn xâm nhập vào các cơ sở này và khiến nhiều người tử vong. “Chúng tôi không biết tại sao. Có lẽ đó là do một số viện dưỡng lão không tuân thủ các quy định, hoặc do nhân viên sợ mất việc nên không dám xin nghỉ phép dù đã bị nhiễm virus. Chúng tôi đang điều tra vấn đề này”, bà Linde cho hay.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Thụy Điển cũng cho biết mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả của chiến lược đối với Covid-19, Thụy Điển vẫn hợp tác rất tốt với các quốc gia Bắc Âu. Họ đã có “những cuộc thảo luận dài” với Đan Mạch và Phần Lan về vấn đề đóng cửa biên giới trước khi đưa ra những thỏa thuận giữa hai bên. Phần Lan đã chấp thuận cho phép những người làm trong lĩnh vực y tế đang hỗ trợ Thụy Điển ở một số khu vực tiếp tục được qua biên giới mỗi ngày.
“Tôi thường phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ những người đồng cấp của mình trên khắp thế giới về cách chống dịch của Thụy Điển”, bà Linde chia sẻ.
Mặc dù không phải phong tỏa toàn bộ đất nước, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Thụy Điển vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19. Chính phủ đã tung ra những biện pháp cứu trợ trị giá 100 tỷ kronor (khoảng 10 tỷ USD), nhưng dự đoán GDP năm nay vẫn giảm khoảng 10%. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đang gia tăng.
Ngoại trưởng Linde khẳng định hiện còn quá sớm để đánh giá chiến lược của chính phủ Thụy Điển là thành công hay thất bại so với các quốc gia khác, hoặc thậm chí để nói về tiêu chí thành công có thể là gì.
“Tôi sẽ không đánh giá hay phán xét về chiến lược của Thụy Điển hay bất kỳ quốc gia nào khác. Sẽ cần thêm một khoảng thời gian dài hơn để bất kỳ ai có thể làm điều đó”, bà nhận định.
Ngoại trưởng Thụy Điển thêm rằng các quốc gia khác nhau có phương pháp thống kê số ca tử vong do Covid-19 khác nhau. Hậu quả dài hạn của Covid-19, như tác động của lệnh phong tỏa kéo dài đối với sức khỏe cộng đồng, hay tình trạng mất việc làm gia tăng, sẽ cần nhiều năm để đánh giá. “Chúng tôi chỉ đơn giản cố gắng làm mọi điều mà mình tin là đúng đắn”, bà nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian)