+
Aa
-
like
comment

Chiến lược kinh tế với Trung Quốc – phép thử lớn cho Biden

10/01/2021 08:50

Ý định lập liên minh để gây sức ép kinh tế với Trung Quốc của Biden sẽ không dễ thực hiện trong khi ông Tập cũng đã đi trước một bước.

Các động thái trong tuần này của cả Washington và Bắc Kinh đang buộc ông Biden phải chú ý nhiều hơn về các vấn đề với Trung Quốc. Khi nhậm chức, Biden sẽ cần quyết định xem có lật ngược lại các hành động gần đây của chính quyền Trump hay không. Chúng bao gồm việc hủy niêm yết các công ty viễn thông Trung Quốc trên sàn New York, cấm giao dịch với 8 ứng dụng Trung Quốc, và đưa nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất Trung Quốc và các công ty khác vào danh sách đen.

Ý tưởng lập liên minh

Với Trung Quốc, Biden chọn chính sách “Thượng đỉnh các nền dân chủ” (Summit of Democracies) nhằm tạo áp lực với Bắc Kinh. Ông cũng muốn tạo những nhóm liên minh nhỏ hơn để giải quyết các vấn đề cụ thể như viễn thông và trí tuệ nhân tạo.

Cách tiếp cận này khác với Trump, người từng căng thẳng với cả các đồng mình khi đối đầu với Trung Quốc. Dù vậy, Trump đã thay đổi được quan điểm trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Ông giúp hình thành sự đồng thuận ngày càng tăng trong quốc hội và công chúng Mỹ rằng Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh mà còn là mối đe dọa với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Ông Joe Biden vào tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.
Ông Joe Biden vào tháng 3/2020. Ảnh: Reuters. 

Biden thì cho rằng Mỹ cần gây áp lực đa phương. Nếu không, Bắc Kinh có thể dùng nước này chống lại nước khác bằng cách ưu đãi tiếp cận thị trường rộng lớn của họ.

“Trung Quốc luôn thấy được lối thoát thông qua các mối quan hệ kinh tế của họ với những nước khác”, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Biden nói, “Chỉ bằng cách đóng các lối thoát đó, bạn mới có thể khiến Trung Quốc kiềm chế các hành vi lạm dụng thương mại của họ”.

Về lâu dài, chiến lược đa phương của Biden cùng chia sẻ một quan điểm với chính quyền Trump, rằng Trung Quốc đặt ra thách thức lớn với vai trò lãnh đạo kinh tế và chính trị của Mỹ trong thế kỷ 21. Về kinh tế, Tổng thống đắc cử chỉ trích Bắc Kinh cướp công nghệ của các công ty Mỹ, trợ cấp không công bằng cho các công ty quốc doanh.

Ý tưởng “Thượng đỉnh các nền dân chủ” được Biden viết trên tạp chí Foreign Affairs năm ngoái, rằng nó được thiết kế “để đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong thế giới tự do”. Tính tiền lệ của nó, được ông Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Biden, ví dụ qua Hiệp ước Plaza năm 1985, khi Mỹ và các đồng minh can thiệp để làm suy yếu đồng đôla như một mô hình hợp tác kinh tế quốc tế thành công.

Hay như câu chuyện Mỹ – Nhật – Australia từng hợp tác gây sức ép Trung Quốc nhằm dỡ bỏ sự kìm hãm của họ đối với các khoáng sản đất hiếm cần thiết cho sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Katherine Tai, người dẫn đầu cho kế hoạch tạo sức ép đất hiếm dưới thời chính quyền Obama được Biden chọn làm Đại diện Thương mại Mỹ.

Các cố vấn của Biden cho biết chính quyền mới có kế hoạch mời gọi các nước đồng minh hàng đầu cho các liên minh về các vấn đề công nghệ, bao gồm cả việc phát triển các công nghệ viễn thông mới sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị 5G từ Huawei. Các cố vấn của Biden phàn nàn rằng chính quyền Trump không thành công trong nỗ lực ngăn chặn Huawei vì Mỹ chưa bao giờ phát triển một giải pháp thay thế 5G hiệu quả.

Một số đề xuất khác liên quan đến việc ngăn chặn việc bán công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, hiện do các công ty ở Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị, để cố gắng kìm chân các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc vài thế hệ.

Không dễ khả thi

Nhưng vấn đề là các đồng minh tiềm năng có thể sẽ thấy miễn cưỡng để tham gia sau 4 năm Mỹ chọn con đường đơn phương tiếp cận Trung Quốc. Chưa kể vẫn có khả năng, Trump hoặc một chính trị gia có quan điểm tương tự giành lại được ghế tổng thống vào năm 2024.

“Bạn đang yêu cầu các quốc gia từ bỏ cơ hội trong nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đang phát triển để làm gì?”, Jorge Guajardo, Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, người đang tư vấn cho các công ty tại thị trường Trung Quốc nói.

Một danh sách “khách mời” cũng có thể gây tranh cãi. Mời Đài Loan sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Hay Ấn Độ, cũng chưa chắc muốn tham gia. “Ấn Độ sẽ không chấp nhận các điều kiện hoặc quy định của Mỹ để chung tay chống lại Trung Quốc”, Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học O.P. Jindal Global (Sonipat, Ấn Độ), cho biết.

Chính quyền Trump giữ quan điểm rằng các hiệp định kinh tế đa phương không được làm giảm các lợi ích của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Trump cho biết nhóm Biden có nguy cơ bị mắc kẹt trong những cuộc đàm phán, thay vì dẫn dắt được các thành viên. “Bạn thực hiện các bước mà không ai khác sẵn sàng thực hiện và làm theo”, quan chức này nói.

Các nước phương Tây còn lo sợ ý tưởng xa lánh Bắc Kinh và thị trường của họ. EU đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc vào cuối tháng 12 sau 7 năm đàm phán. Điều đó đã đưa ông Tập vào một vị trí mạnh mẽ hơn với chính quyền mới của Mỹ, như một lời nhắc nhở rằng không thể coi thường sự ủng hộ của châu Âu.

Các chuyên gia thương mại cho biết, để châu Âu chịu bắt tay, Mỹ sẽ cần dỡ bỏ thuế quan đối với thép do chính quyền Trump áp đặt. Nhưng việc này sẽ khiến một số công đoàn công nghiệp và những người ủng hộ đảng Dân chủ phẫn nộ.

Trung Quốc đi trước một bước

Bắc Kinh đang theo đuổi cách tiếp cận đa phương của riêng mình để thu hút hơn nữa các đồng minh của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của mình. Bắc Kinh hợp tác thương mại song phương với từng nước, vì cho rằng sẽ có lợi hơn. Cuộc chiến thương mại với Trump đã khiến họ nghĩ lại.

Vì vậy, họ tăng cường nỗ lực thông qua các tổ chức quốc tế bao gồm Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hợp Quốc. “Nếu bạn kiểm soát các quy tắc”, một quan chức nước này cho biết, “bạn có thể kiểm soát cuộc chơi”.

Cùng với đó, tháng 11/2020, Bắc Kinh đã ký RCEP với 14 quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc hoàn thành hiệp định đã tăng lên với mỗi lệnh trừng phạt thương mại từ chính quyền Trump.

Một nhà ngoại giao châu Á tham gia cuộc đàm phán RCEP cho biết giờ đây, Trung Quốc coi hiệp định này là đòn bẩy của họ đối với Mỹ, vì hiệp ước này sẽ thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và các nước thành viên ngay cả khi Mỹ tiếp tục làm suy yếu quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với một số lãnh đạo châu Âu vào tháng 9/2020. Ảnh: Zuma Press.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với một số lãnh đạo châu Âu vào tháng 9/2020. Ảnh: Zuma Press. 

Gần đây, ông Tập còn cho biết Trung Quốc sẽ “xem xét một cách thuận lợi” việc tham gia CPTPP. Vào năm 2017, Trump đã rút Mỹ khỏi phiên bản ban đầu của thỏa thuận, khi đó được gọi là TPP. Giờ thì Bắc Kinh đang tận dụng điều trớ trêu, khi xem xét tham gia một hiệp định với các tiêu chuẩn do các nhà đàm phán Mỹ đặt ra nhưng bị tổng thống Mỹ từ chối.

Theo các quan chức Trung Quốc, ông Tập vẫn thấy khôi phục mối quan hệ với Tổng thống Mỹ là cần thiết và có lợi cho sự lãnh đạo của ông. Bắc Kinh có kế hoạch cử nhà ngoại giao hàng đầu của mình, Dương Khiết Trì, đến Washington ngay sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức để tìm hiểu xem hai nước có thể hợp tác như thế nào.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang để mắt đến chính quyền mới một cách thận trọng, Trong khi muốn cải thiện quan hệ, ông Tập cũng đã nói rõ muốn xây dựng sức mạnh của Trung Quốc và hiện đại hóa nền kinh tế của nước này.

Loạt vấn đề đang chờ

Ông Biden còn phải tìm cách giải quyết vấn đề thuế quan hóc búa trong chiến lược đa phương mới của mình. Chính quyền Trump đã áp thuế 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức 3/4 kim ngạch nước này xuất qua Mỹ. Điều đó dẫn đến đỉnh điểm Trung Quốc chấp nhận ký một thỏa thuận thương mại, đồng ý tăng mua đáng kể hàng Mỹ, dù đến nay vẫn còn thiếu so với cam kết.

The Business Roundtable, một hiệp hội gồm các công ty lớn nhất của Mỹ và các nhóm kinh doanh khác – đồng minh truyền thống của Trung Quốc ở Washington – muốn Biden sử dụng biện pháp xóa bỏ thuế quan để có được sự nhượng bộ từ Trung Quốc.

Trong khi đó, đội ngũ Biden chưa đưa ra cam kết gì đối với các cuộc đàm phán mới. Đó là một việc nữa để ông phải thảo luận trước với các đồng minh. “Ông ấy sẽ không bó buộc mình vào một cách tiếp cận cụ thể”, ông Sullivan nói.

Bắc Kinh dường như sẵn sàng chờ đợi. “Không sớm thì muộn, Biden sẽ khởi động đàm phán lại thỏa thuận thương mại, vì thỏa thuận hiện tại là không thực tế”, Shi Yihong, Cố vấn chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc nói, “Một cuộc đàm phán lại cũng phù hợp với mong muốn của Trung Quốc”

Cảng nước sâu Yangshan tại Thượng Hải vào tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.
Cảng nước sâu Yangshan tại Thượng Hải vào tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.

Một câu hỏi khác là liệu Biden có chấp nhận lời kêu gọi của cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers và những người khác rằng nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh sớm của G20 để tìm ra các cách thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và đối phó với đại dịch hay không. Nó tương tự phiên họp G-20 mà Obama tổ chức ngay sau khi nhậm chức vào năm 2009 để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính.

G-20 sẽ có thể là nơi mà ông Biden và ông Tập gặp nhau sớm. Cách tiếp cận này có thể gợi ra một hướng đi khác so với ý tưởng lập liên minh chống Trung Quốc hiện có.

Ngược lại, Charlene Barshefsky, cựu Đại diện Thương mại thời Tổng thống Clinton, người đã đàm phán việc Trung Quốc gia nhập WTO, cảnh báo không nên tổ chức một cuộc họp sớm giữa hai nhà lãnh đạo siêu cường. “Với những ý nghĩa chiến lược – song phương, khu vực và toàn cầu”, bà nói, “đây là một cuộc tập trận phức tạp, không phải là một cuộc tập hợp để chụp ảnh chính trị gia”.

(Theo WSJ)

Bài mới
Đọc nhiều