+
Aa
-
like
comment

Chiến lược dự phòng kinh tế từ chuyến công tác của Thủ tướng

La Hoàng - 25/03/2022 14:41

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã có chuyến ghé thăm và làm việc tại Bình Dương. Có thể thấy rằng, sau đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát, đây là chuyến thăm lần thứ ba của Thủ tướng đối với tỉnh Bình Dương trong vòng 1 năm qua. Động thái này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với các tỉnh miền Nam nói chung và tỉnh Bình Dương riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự lễ khởi công dự án KCN Việt Nam-Singapore III bằng xe buýt – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong cuộc gặp mặt và làm việc cùng ban lãnh đạo Bình Dương,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiến nghị giải pháp tập trung triển khai Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2022, đặt ra nhiệm vụ cho Ban lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần theo sát đời sống của người dân, hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn tồn đọng hậu dịch cho người lao động. Liên quan đến lĩnh vực y tế, Thủ tướng nêu rõ hiện trạng cơ sở hạ tầng kinh tế tại đây còn khá yếu kém, chưa đạt mức tiêu chuẩn để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Có thể nhận thấy rằng, hiện trạng hoàn toàn chứa đựng mối nguy hiểm tiềm tàng ngoài tầm kiểm soát đến sức chịu đựng của nền tảng y tế tỉnh Bình Dương trong trường hợp thiên tai dịch bệnh bùng phát trở lại. Ngoài đề xuất nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, Thủ tướng thức giục lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm vaccine mũi thứ tư cho người dân và người lao động trên toàn tỉnh, cũng như tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Kiến nghị của thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt cấp thiết đến đời sống an sinh xã hội và chất lượng nguồn nhân lực của Bình Dương trong thời kỳ mới.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Thủ tướng đưa ra kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng hệ thống cầu đường mới tại Bình Dương. Cụ thể, dự án đường cao tốc và đường sắt đô thị kết nối liên tỉnh giữa Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác được ưu tiên chủ trương thực hiện. Giải pháp nâng cao cơ sở hạ tầng vận tải này xuất phát từ hiện trạng còn thiết sót của hệ thống giao thông cầu đường tại Bình Dương. Cụ thể, Bình Dương được đánh giá là vùng đất có điều kiện thuận lợi về kết cấu đất đai bằng phẳng – phù hợp với điều kiện xây dựng của các khu công nghiệp lớn, là cửa ngõ của các tỉnh kết nối với TP.HCM cũng như sở hữu những tuyến đường thương mại huyết mạch của quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, Bình Dương chưa tận dụng hết được những ưu thế này để phát triển nền kinh tế một cách đột phá bởi những rào cản liên quan đến sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng và các chính sách quy hoạch chưa được triệt để từ trước đến nay.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ Khu công nghiệp VSIP III – Bình Dương – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, công tác đổi mới nền công nghiệp cũng được Thủ tướng nhấn mạnh trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tại Bình Dương. Chính phủ đặt ra cho Bình Dương chủ trương phải phát triển hệ sinh thái các khu công nghiệp xanh, ưu tiên bảo vệ môi trường và liên tục ứng dụng công nghệ số thông minh vào quy trình sản xuất sản phẩm công nghiệp một cách hiệu quả. Ngoài chủ trương đổi mới cho nền công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Dương cũng được thúc đẩy hiện đại hóa trong thời đại mới. Kiến nghị mang tính đổi mới cơ cấu nền kinh tế với xu hướng công nghệ số hóa này của chính phủ không chỉ có ý nghĩa phát triển nền kinh tế theo xu hướng hiện đại mà còn là những sách lược gián tiếp trong chiến lược thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung và lĩnh vực công nghiệp tại Bình Dương nói riêng. Điều này thể hiện rằng, thông qua hàng loạt những chỉ thị và chủ trương mới, Thủ tướng Chính phủ mong muốn tập trung phát triển Bình Dương với nguồn nhân lực chất lượng cao và một nền kinh tế bền vững trong tương lai.

Từ góc nhìn về sự tàn phá của đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, có thể nhận định, Chính phủ đã và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế mới cho đất nước theo xu hướng bền vững toàn diện và đồng đều đa khu vực mà không còn quan trọng hóa vai trò của riêng bất cứ khu vực nào trên toàn lãnh thổ quốc gia. Cụ thể, sự ảnh hưởng của dịch bệnh trong một thời gian dài đã khiến TP.HCM – khu vực chủ chốt chiếm phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng và suy giảm trầm trọng trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, đại dịch đã tác động tiêu cực một cách trực tiếp đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực dồi dào nhất cả nước, gây ra sự đình trệ nền kinh tế đáng kể trong thời gian xảy ra dịch bệnh căng thẳng. Từ hậu quả to lớn này, Chính phủ nhận thấy rằng, chiến lược dự phòng và phân tán rủi ro cho nền kinh tế nước nhà là điều vô cùng cần thiết trong thời đại mới. Dựa trên lý luận này, phương án xây dựng và phát triển kinh tế – an sinh bền vững cho các tỉnh phía Nam lân cận TP.HCM được đánh giá mang lại hiệu quả mạnh mẽ và gia tăng hàng rào bảo vệ cho sự phát triển ổn định của quốc gia, đặc biệt chú trọng đối với Bình Dương.

Trong cuộc đua phát triển bền vững đa khu vực, Bình Dương là vùng đất vô cùng tiềm năng để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho vận mệnh đất nước. Cụ thể, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sở hữu dồi dào các điều kiện thuận lợi để phát triển nền công nghiệp chủ chốt của quốc gia và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gần tương đương với TP.HCM. Tính tiềm năng của tỉnh Bình Dương được thể hiện rõ rệt qua nguồn nhân lực lớn đang tham gia lao động, khả năng thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng như chất lượng sống của công dân ngày càng được cải thiện không ngừng. Vì vậy, việc tỉnh Bình Dương đáp ứng được nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững sánh ngang với tốc độ phát triển.

Từ công tác đổi mới này, chiến lược dự phòng cho nền kinh tế chủ chốt của Chính phủ được đánh giá là vô cùng hiệu quả. Điều này được ví như những mũi tiêm vaccine phòng hộ cho nền kinh tế quốc gia, nhằm gia tăng khả năng kháng cự cho tổng thể nền kinh tế, giảm thiểu thiệt hại xã hội ở mức thấp nhất trong các tình huống bất khả kháng xảy ra tương tự dịch trong tương lai. Đây là phương án kép vô cùng hiệu quả của Chính phủ nhằm tận dụng thời gian phục hồi trở lại của TP.HCM, thúc đẩy phát triển Bình Dương mạnh mẽ. Từ đó, giúp nền kinh tế tổng thể tăng trưởng nhanh chóng hậu đại dịch và hướng quốc gia theo mục tiêu phát triển bền vững, đồng đều, không bị phụ thuộc vào bất cứ tỉnh thành nào.

La Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều