Chiến lược cung ứng 150 triệu liều vắc xin Covid-19 của Việt Nam
Song song đàm phán nguồn vắc xin nước ngoài, Việt Nam đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với vắc xin.
Vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Có ít nhất 60 triệu liều vắc xin nước ngoài
Trong cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 ngày 19/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rõ thêm, để đảm bảo tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
Hiện tại, Bộ Y tế đã đàm phán với Liên minh toàn cầu về vắc xin, chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. COVAX đứng ra mua vắc xin từ một số công ty và cung cấp cho người dân 90 nước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được cung cấp vắc xin. Ngoài ra, công ty AstraZeneca của Anh cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều trong năm nay. Vắc xin của AstraZeneca là vắc xin đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có điều kiện.
Trong đó, 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam vào ngày 28/2 tới. Như vậy trong năm 2021, Việt Nam chắc chắn có ít nhất 60 triệu liều vắc xin từ nguồn nước ngoài. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga… để có thêm vắc xin.
Bộ sẵn sàng giảm tối đa thủ tục hành chính, cấp phép nhập khẩu thần tốc
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kinh phí mua vắc xin của COVAX từ nhiều nguồn, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và địa phương. Ngoài ra còn các nguồn hợp pháp khác, trong đó có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức hảo tâm.
“Việc mua bán vắc xin phải thực hiện theo các quy định pháp luật và theo điều phối, kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế chỉ là cơ quan chuyên môn, cách đây 2 ngày, Bộ đã trình Chính phủ phương án mua vắc xin”, Thứ trưởng Thuấn thông tin.
Các địa phương muốn bỏ ngân sách mua cho người dân cũng phải thông qua Bộ Y tế để trình Chính phủ phê duyệt, từ đó có điều tiết để đảm bảo công bằng.
Để có thêm nguồn vắc xin phục vụ phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng đang kêu gọi, khuyến khích các đơn vị trong nước chủ động đàm phán, nếu có nguồn vắc xin có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu vắc xin.
Trong điều kiện khẩn cấp, Bộ Y tế giảm tối đa dịch vụ hành chính, thực hiện cơ chế cấp phép thần tốc trong vòng 5 ngày, bao gồm cả rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc xin. Tinh thần giảm tối đa dịch vụ hành chính trên cơ sở khẩn cấp.
Riêng 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca, công ty dược này lựa chọn VNVX là đơn vị phân phối tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện có hệ thống tiêm chủng rộng khắp cả nước và đã bắt đầu cho người dân đặt hàng vắc xin ngừa Covid-19.
Thứ trưởng Thuấn nói rõ, kinh phí mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca nói trên do VNVX chi trả, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải tuân theo kế hoạch của Bộ Y tế trình Chính phủ để chương trình tiêm vắc xin được triển khai công bằng, hiệu quả.
Hiện giá bán vắc xin AstraZeneca cho thị trường châu Âu là 2,16 USD/mũi tiêm (khoảng 50.000 đồng/mũi). Giá bán tại Việt Nam chưa được công bố, song một nguồn tin của VietNamNet tiết lộ, giá mỗi mũi tiêm khoảng 200.000 đồng.
Những đối tượng nào được ưu tiên tiêm đầu tiên?
Sau khi vắc xin về tới Việt Nam, Bộ Y tế tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tiêm chủng, dựa theo các khuyến cáo của WHO và các quy định pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ưu tiên các vùng có dịch, nguy cơ cao, những người tiếp xúc trực tiếp như cán bộ y tế phòng chống dịch, bộ đội, công an quản lý khu cách ly…
Với nguồn vắc xin COVAX, WHO đưa ra tiêu chuẩn ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, tiếp đến là đến nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền nhằm bảo vệ các nhóm đối tượng này. Văn phòng WHO tại Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vắc xin Covid-19 để gửi COVAX.
Cuối năm 2021 có vắc xin trong nước
Thứ trưởng Thuấn cho biết, song song với việc đàm phán nguồn vắc xin ngoài nước, Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước với 3 đơn vị tiềm năng là Nanogen, IVAC và Vabiotech.
Trong đó Nanogen đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax, dự kiến ngay đầu tuần tới sẽ bắt đầu tiêm giai đoạn 2 tại Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. HCM với 560 tình nguyện viên.
Hai đơn vị còn lại đã thông báo tuyển tình nguyện viên và thông qua nội dung đề cương nghiên cứu, dự kiến đầu tháng 3 sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
“Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ đã cố gắng rút ngắn tối đa quy trình trên cơ sở đảm bảo tính an toàn, khoa học để thu gọn các pha thử nghiệm, làm sao có kết quả nhanh nhất”, Thứ trưởng Thuấn chia sẻ.
Để chuẩn bị cho thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax, Bộ Y tế đã kết nối, liên hệ với đại sứ một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… để pha 3 có thể thử nghiệm sớm hơn ở các nước ngoài Việt Nam, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
“Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ và thực tiễn chứng minh có hiệu quả, dự kiến cuối năm nay, chúng ta có thể có vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Tại buổi báo cáo tiến độ sản xuất vắc xin trong nước với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều 19/2, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế thông tin thêm, sau giai đoạn 1, vắc xin Nanocovax đảm bảo an toàn, không có biến cố bất lợi nào. Vắc xin sinh miễn dịch rất tốt tuy nhiên có sự khác biệt giữa 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg, tuy nhiên chưa có số liệu so sánh chính thức do thời gian ngắn, số lượng mẫu còn nhỏ. Ông Quang thông tin, trong giai đoạn 2 do có thêm Viện Pasteur TP. HCM tham gia nên thời gian thử nghiệm có thể rút ngắn một nửa, còn 3 tháng thay vì 6 tháng như dự định ban đầu.
Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người. Tiêu chuẩn tình nguyện viên tham gia giai đoạn 2 cũng nới lỏng hơn, bao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp… Nếu đầu tuần tới tiêm mũi đầu tiên, cuối tháng 3 Việt Nam sẽ tiêm xong mũi 2 cho giai đoạn 2, cuối tháng 4 sẽ có kết quả đánh giá. Nếu các dữ liệu nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu về an toàn, tính sinh miễn dịch, việc thử nghiệm giai đoạn 3 có thể bắt đầu vào giữa tháng 5/2021 trên số lượng 10-30.000 người.
Tại giai đoạn 3, quyết định có tiêm ngay cho người dân Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ cao như lực lượng chống dịch, nhân viên sân bay, tiếp viên hàng không… sẽ do Hội đồng đạo đức quyết định, căn cứ trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Nanogen có năng lực sản xuất 70 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19/năm, IVAC cũng có thể đạt 30 triệu liều/năm.
Thúy Hạnh/ Vietnamnet