Chiến lược ‘bình tĩnh đối phó, chậm rãi đương đầu’ của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Trung Quốc sẽ không hấp tấp tiến tới một thỏa thuận với Mỹ nếu nhìn vào sách lược kiên nhẫn của họ kể từ khi thương chiến bắt đầu.
Trái với những gì mà Tổng thống Trump đang nghĩ, Trung Quốc chưa bị dồn tới chân tường nên sẽ không đột nhiên chấp nhận các đòi hỏi của ông.
Một cuộc đàm phán thành công đòi hỏi mỗi bên phải thấu hiểu bên còn lại. Người ta có thể hoài nghi về cách Trung Quốc tiếp cận với thương chiến với Mỹ, nhưng ít người hiểu được tận tường các suy tính ngắn và dài hạn của Bắc Kinh trong cuộc chiến này.
Nhiều người cảnh báo Bắc Kinh không nên coi Tổng thống Trump là “hổ giấy” như các đánh giá sai lầm của giới chóp bu nước này khi ông đắc cử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng ý. Họ thận trọng trước các đòi hỏi của Tổng thống Mỹ trong các bàn đàm phán, cẩn thận khi tính toán các con bài mặc cả nhưng cũng sẵn sàng gạt bỏ các yêu cầu quá mức đi ngược lại với quan điểm kinh tế của Trung Quốc từ trước tới nay.
Bắc Kinh hiểu rằng mục đích cuối cùng của Washington làm cho nền kinh tế thứ 2 thế giới suy yếu và dần từ bỏ tham vọng vượt mặt Mỹ. Họ không né tránh mà tính toán đưa ra các chiến lược dài hạn để đối phó với ý định này.
Nhìn một cách tổng thể, cách tiếp cận của Trung Quốc trong tranh chấp thương mại với Mỹ là “bình tĩnh đối phó, chậm rãi đương đầu”. Người Trung Quốc nhận ra rằng tỏ ra háo hức với một thỏa thuận sẽ khiến họ trông yếu đuối và dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Họ hiểu “nếu cho Tổng thống Trump một cái cây, ông sẽ đòi cả cánh rừng”.
Sau khi Bắc Kinh đưa ra các nhượng bộ lớn trong vòng đàm phán giữa tháng 5, Mỹ vẫn đe dọa áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Washington cáo buộc Trung Quốc thay đổi các thỏa thuận mà 2 bên mất nhiều tháng đạt được nhưng không nêu rõ đó là thỏa thuận gì và mỗi bên nhượng bộ ra sao. Sau G-20, Tổng thống Trump vẫn còng vòng kim cô vào cổ Trung Quốc khi tuyên bố không có ý định gỡ bỏ thuế quan.
Theo PS, Trung Quốc đang duy trì cuộc chiến với Mỹ dựa trên 2 niềm tin. Trước hết, họ tin rằng sự thất thường của Tổng thống Trump sẽ tàn phá kinh tế Mỹ, điều này sẽ khiến ông phải lùi bước trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Thứ 2, tuyên bố chiến thắng mới của Tổng thống Trump về Mexico chỉ là màn kịch dựng lên để trấn an thị trường, thỏa thuận mới của Mỹ và Mexico chẳng khác là bao so với các thỏa thuận ký kết trước đó và các nhượng bộ giả tưởng chỉ tồn tại trong các dòng tweet khoe khoang của ông Trump. Trung Quốc vẫn có niềm tin lớn lao rằng Mỹ sẽ phải thay đổi nếu thị trường quá mức bất ổn và điều họ cần làm là chờ đợi điều đó thay vì vội vàng đưa ra các nhượng bộ.
Hơn thế, khi giới tinh hoa Trung Quốc cho rằng chính quyền Trump muốn nhấn chìm họ hơn là tìm kiếm một thỏa thuận, Bắc Kinh luôn sẵn sàng cho một cuộc đổ vỡ khác. Họ chuẩn bị loạt kế hoạch để “vá lấp” vết thương do chiến tranh thương mại mang tới như kích thích tài chính và tiền tệ, khuyến khích cho vay, tăng cường hệ thống tài chính, làm suy yến đồng NDT để bù đắp các bất lợi xuất phát từ thuế quan.
Như Tôn Tử từng viết trong Binh Pháp Tôn Tử “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn áp dụng sách lược này, cố tìm hiểu các động lực chính trị nội bộ của Mỹ. Với Tổng thống Trump, họ tin rằng ông đang cố khoét sâu vào nỗi sợ hãi trong nước của Trung Quốc nên tìm cách đập tan nỗ lực gây chia rẽ này.
Bắc Kinh giờ đây sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài đòi hỏi thái độ tự lực và chính sách kinh tế vững chắc trong nước. Họ cũng năng kết bạn và xoa dịu các cựu thù, như làm thân hơn với Nga và hàn gắn quan hệ với Nhật Bản.
Song song với đó, Trung Quốc tận dụng mối hoài nghi đang lan rộng về chủ nghĩa tự do phương Tây bằng cách thúc đẩy thế giới quan của riêng mình. Lỗ hổng của các chính sách ở phương Tây bị bóc trần rõ nét sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: kinh tế chậm phục hồi, tuổi thọ giảm, mức sống trì trệ và các liên minh truyền thống sụp đổ. Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo ủng hộ sự can thiệp của nhà nước để cải thiện sinh kế cũng như thúc đẩy một hệ thống đặt giá trị phúc lợi tập thể lên trên mong muốn cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc không thể đơn giản xóa bỏ quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ. Dù muốn hay không, thế giới cần Trung Quốc đóng góp cho hệ thống giao dịch toàn cầu tương xứng với những gì họ nhận được từ hệ thống đó. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải nhập khẩu nhiều hơn và nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ. Nhưng với những gì đang thể hiện hiện nay, Trung Quốc sẽ khó thay đổi luật pháp hoặc mô hình phát triển như Washington yêu cầu trong thời gian tới.
Về phần mình, Mỹ cũng nên nhìn nhận quan điểm của Trung Quốc.
Trung Quốc, một nền văn minh 5.000 năm tuổi biết rằng những người bày tỏ sự “đói khát” với thỏa thuận cuối cùng sẽ thua cuộc trong khi những người kiên nhẫn sẽ nắm đằng chuôi và giành phần thắng. Lập trường này nhiều khả năng sẽ định hình đường hướng chiến lược của Trung Quốc trong ngắn và dài hạn.
(Theo VTC News)