Chiến lược biển: Tỉnh táo với các hành động dưới ngưỡng chiến tranh
Căng thẳng tại Biển Đông về cơ bản vẫn được quản lý, không có chiến tranh vũ trang nhưng các hành động sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hiện nay diễn ra với nhiều hình thức rất đa dạng.
Thạc sĩ Thùy Anh chuyên gia nghiên cứu tại Viện Biển Đông đề cập tới những xu thế mới, cục diện mới trên vùng biển và đại dương, từ đó tác động tới việc điều chỉnh Chiến lược biển của Việt Nam.
Những biến đổi trong tình hình và xu thế ở Biển Đông
Trong những năm qua, tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều thay đổi về tương quan so sánh lực lượng của các nước, dẫn đến điều chỉnh trong chính sách đối nội và đối ngoại của các bên liên quan tới Biển Đông. Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tập trung đầu tư quy mô lớn cho việc cải tạo đảo nhân tạo và lắp đặt các trang thiết bị quân dân sự ở các điểm chiếm đóng ở Trường Sa, tạo nguyên trạng hoàn toàn mới ở Biển Đông.
Các nước khác có nhiều điều chỉnh theo hướng ngày càng quan tâm hơn với vấn đề Biển Đông.
Biển và đại dương đang và sẽ tiếp tục là địa bàn chính trong cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Từ lâu, Biển Đông đã vượt ra khỏi khuôn khổ tranh chấp về chủ quyền và các quyền chủ quyền giữa các quốc gia yêu sách trực tiếp mà còn là đấu trường của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc trong việc tranh giành ảnh hưởng, về duy trì hay thay đổi trật tự hiện hành.
Trong không gian địa chiến lược mới của khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung và các cường quốc trong việc kiểm soát và kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ vô cùng phức tạp.
Sự nổi lên của các vấn đề nóng khác như Bắc Triều Tiên hay cạnh tranh thương mại Mỹ Trung thời gian qua khiến mức độ quan tâm của dư luận tới Biển Đông có phần suy giảm. Trong khi đó, Trung Quốc tích cực tuyên truyền và tìm cách tác động lên luật chơi quốc tế có lợi cho mình ở Biển Đông.
Mặt khác, tuy căng thẳng tại Biển Đông về cơ bản vẫn được quản lý, và không có chiến tranh vũ trang nhưng các hành động sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hiện nay diễn ra với nhiều hình thức rất đa dạng. Việc đối phó với các hành động quân sự đã khó nhưng ứng phó với các hành động dưới ngưỡng chiến tranh còn đòi hỏi sự khéo léo và tỉnh táo ở mức độ lớn hơn.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ liên quan đến biển khiến các nước nhỏ như Việt Nam sẽ luôn ở thế yếu hơn và đi sau bởi thiếu năng lực và nguồn lực để đầu tư nghiên cứu và triển khai các công nghệ hiện đại.
Điều này đòi hỏi Chiến lược biển mới của Việt Nam cần thay đổi tư duy, chú trọng vào việc nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến biển, do khoa học công nghệ sẽ không chỉ liên quan đến gia tăng nguồn lợi kinh tế biển mà còn liên quan đến đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, việc nguồn tài nguyên biển có nguy cơ cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và các vấn đề an ninh phi truyền thống là một điểm đáng lưu tâm. Thực tế cho thấy việc thúc đẩy các quốc gia thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế về hợp tác quản lý nghề cá và môi trường biển ngày càng được đẩy mạnh.
Gợi mở cho tư duy biển của Việt Nam thời gian tới
Việc trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 12 (Hội nghị Trung ương 8) tháng 10/2018.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo và đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.
“Việc trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế Nghị quyết số 09 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác. Trong đó có tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển…”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Trong bối cảnh quốc tế và các xu thế mới, tư duy về biển của Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận để đảm bảo thực hiện thành công cùng lúc nhiều nhiệm vụ cơ bản là bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển, đồng thời phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên trách nhiệm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên biển.
Trước hết, cần có sự hài hoà và cân đối giữa các nhiệm vụ duy trì hoà bình, ổn định khu vực, bảo đảm an ninh và chủ quyền, khai thác và phát triển kinh tế biển, đồng thời xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi trên biển, tuân thủ theo các quy định của luật pháp quốc tế về sử dụng, khai thác và quản lý biển.
Trong quan hệ đối ngoại, tư duy biển của Việt Nam trong giai đoạn mới cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý quốc tế và truyền thông linh hoạt hơn nữa. Đây sẽ là những lĩnh vực quan trọng giúp thực hiện các mục tiêu lâu dài của Việt Nam.
Hợp tác quốc tế liên quan đến biển không nên chỉ gói gọn trong các lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng hay bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai như hiện nay mà còn cần mở rộng sang hợp tác phát triển kinh tế biển, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ biển, lĩnh vực quản lý, quản trị biển, và văn hoá xã hội. Điều này cũng cho thấy cần nhấn mạnh đến tính kết nối cũng như phân vai rõ ràng của các lĩnh vực khác nhau trong kế hoạch phát triển biển mới để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tư duy về không gian biển của Việt Nam không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Điều này một mặt giúp Việt Nam tham gia định hình các cơ chế biển và đại dương rộng lớn hơn nhưng phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài của Việt Nam.
Mặt khác, việc điều chỉnh tư duy này cũng giúp tạo thế đan xen lợi ích với các nước và tìm kiếm những bài học kinh nghiệm về quản lý biển ở những khu vực khác để áp dụng cho Biển Đông.
(Theo Vietnamnet)