+
Aa
-
like
comment

Chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo từ nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị

Ốc Biển Trường Sa - 27/08/2019 17:25

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó yêu cầu rõ: “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Nghị quyết này đã và đang thu hút nhiều sự chú ý, bởi liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Kinh tế chính là một trong những “trụ cột” quyết định đến chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của một đất nước. Nghị quyết 50/NQ-TW tin tưởng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Bởi khi đón nhận thông tin trên, rất nhiều doanh nghiệp phấn khởi: “Đây là một tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài chân chính đồng thời cũng là một tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam”. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cũng cho rằng, “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, là “ngôi sao đang lên” nên rất cần thiết phải đặt ra các tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng các dự án FDI”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ đã phần nào cho thấy những tín hiệu vui từ Nghị quyết 50/NQ-TW.

Dù sóng to, gió lớn, dù giặc ngoại xâm có giở thủ đoạn gì, thì giàn khoan của Việt Nam vẫn sừng sừng giữa biển khơi, một minh chứng cho thấy chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Dù sóng to, gió lớn, dù giặc ngoại xâm có giở thủ đoạn gì, thì giàn khoan của Việt Nam vẫn sừng sừng giữa biển khơi, một minh chứng cho thấy chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.

Nhưng điểm sáng của Nghị quyết 50/NQ-TW không chỉ có lợi ích về thu hút vốn, đầu tư phát triển kinh tế của doanh nghiệp nước ngoài. Mà ở một khía cạnh sâu hơn, chính là góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Đi kèm với việc xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và rà soát an ninh với các dự án đầu tư từ nước ngoài, Nghị quyết còn nhấn mạnh rõ: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”. Bất kỳ ai theo dõi thông tin thời sự, nhạy trong việc xâu chuỗi sự việc diễn ra trên vùng biển Việt Nam sẽ nhận ra, nghị quyết số 50-NQ/TW ra đời góp phần bảo vệ an ninh quốc gia nói chung – chủ quyền biển đảo, an ninh quốc phòng nói riêng. Vì sao Cánh Cò có thể đưa ra nhận định như vậy, dựa vào những cơ sở dưới đây:

Thứ nhất: Trả lời cho câu hỏi tại sao “phải tạo điều kiện phát triển lâu dài cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”? Như chúng ta đã thấy, trong thời gian qua Việt Nam đã hợp tác với nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật và đang xúc tiến với Anh quốc để khai thác tài nguyên trên biển của Việt Nam. Khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính, Tổng thống Nga Putin đã có phát biểu hậu thuẩn khai thác lô dầu khí 6.1 tại khu vực bãi Tư Chính – nơi một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Nga đang khai thác. Đến Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York còn nhận định: “Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đó là hợp tác với hãng dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Sự hiện diện của Nga có thể xem là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”, khiến Trung Quốc không thể hoành hành với yêu sách “Đường chín đoạn” phi lý hay đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích Nga trong khu vực”.

Trang mạng “Mùa xuân nước Nga” hôm 17/8, cũng đăng tải bài viết “Rosneft và Gazprom đang tích cực khám phá Việt Nam”, đã nhận định: “Mặc dù việc thăm dò và sản xuất dầu khí của các doanh nghiệp Nga ở một số khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông làm Trung Quốc “không hài lòng” song nhấn mạnh Việt Nam vẫn kiên định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời khẳng định không gì có thể lay chuyển mối quan hệ hợp tác lâu dài và cùng có lợi giữa Nga – Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Rất nhiều giàn khoan Việt Nam hợp tác cùng các nước bạn đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam
Rất nhiều giàn khoan Việt Nam hợp tác cùng các nước bạn đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Không riêng Nga, phía Mỹ cũng đã phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc gay gắt, yêu cầu “Trung Quốc hãy dừng bắt nạt các nước khác ở biển Đông”. Đặc biệt trong cuộc họp báo tại Việt Nam, bên cạnh chỉ trích, phản đối Trung Quốc, Đại tướng David Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ tái khẳng định, cam kết: Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trong vùng Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát chiến lược vùng biển này.

Việc hợp tác khai thác tài nguyên biển với các nước bạn đem lại lợi ích thế nào, phản ứng của Nga và Mỹ như trên, hẳn ai cũng đã quá rõ. Thế nên, ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, với những quốc gia đang hợp tác trên biển, càng tạo điều kiện phát triển thì Việt Nam càng có lợi.

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam đặt mua máy bay của hãng bay Boeing (tháng 2-2019). Việc tiến tới mua máy bay quân sự của Mỹ là chuyện hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai
Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam đặt mua máy bay của hãng bay Boeing (tháng 2-2019). Việc tiến tới mua máy bay quân sự của Mỹ là chuyện hoàn toàn có thể diễn ra trong tương lai

Thứ hai: Về việc vì sao “rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”. Xin dẫn nguyên văn lời Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) để lý giải: “Trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia”.

Để Việt Nam tránh lọt vào thế bị động này, cách đơn giản đối với Việt Nam là cần phải chọn bạn mà chơi. Chỗ này, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại cũng đã phân tích: “Ở châu Á, chúng ta đang có hai người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây cả 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả. Nhưng trái lại, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng”.

Từ đây có thể thấy được, nghị quyết số 50-NQ/TW không chỉ đưa ra quyết sách bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam, mà còn cho thấy Bộ Chính trị đã đi trước một bước trong việc rà soát, không để bất cứ thành phần gián điệp nào hay doanh nghiệp nào – nhất là Trung Quốc chơi trò “ốc mượn hồn” thò chân vào dự án liên quan đến an ninh quốc gia của Việt Nam.

Từ phân tích trên, chúng ta thấy rõ, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 50-NQ/TW ra đời, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam trên biển. Đấy chính là hành động chiến lược vững chắc, tiếp nối của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên hợp pháp của Việt Nam trên biển.

Ngày 23-9-2019, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Úc chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác chiến lược của hai quốc gia, dựa trên ba trụ cột: tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác sâu rộng về an ninh quốc phòng và quan hệ đối tác về trí thức và đổi mới.
Ngày 23-8-2019, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Úc chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác chiến lược của hai quốc gia, dựa trên ba trụ cột: tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác sâu rộng về an ninh quốc phòng và quan hệ đối tác về trí thức và đổi mới.

Ai cũng đã thấy trong thời gian qua, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, làm càn như thế nào, và Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình ra sao. Ngoài biển, Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã rất khôn khéo, bản lĩnh đối phó trước sự xâm phạm của Trung Quốc. Nhờ vậy mà những giàn khoan tại bãi Tư Chính mới hoạt động tốt đẹp và chân đế giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt mới được hạ đặt thành công cách bãi Tư Chính không xa.

Còn ở hậu phương, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn có những chiến lược riêng, không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Mỹ Panos Mourdoukoutas đánh giá: “Việt Nam đã đứng lên đấu tranh với Trung Quốc bằng chiến lược dũng cảm và thông minh”.

Đến đây thì hẳn mọi người đã hiểu hơn ngụ ý lời nói của Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường: “Chúng ta luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những phương án khác nhau. Nhưng sử dụng lúc nào, vào thời điểm nào, đó là cả một sự tính toán cần phải tỉnh táo để suy tính”.

Ốc Biển Trường Sa

Bài mới
Đọc nhiều