Chiến hạm Mỹ không chạy được nếu thiếu Nga và Trung Quốc!
Đô đốc Mỹ thừa nhận, việc đóng các chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện từ Nga và Trung Quốc.
Mỹ không có chuỗi cung ứng đủ mạnh
Mới đây, một thông tin gây sốc đã được Tư lệnh Hải quân Richard Spencer đưa ra. Theo ông, các nhà thầu Mỹ không thể đóng tàu chiến nếu không có nguồn cung cấp linh kiện từ Nga và Trung Quốc. Ông cho rằng, Washington nên từ bỏ các thành phần nước ngoài và chỉ dựa vào các sản phẩm của chính mình, nhưng mục tiêu này khó có thể đạt được.
Tại sao bây giờ nước Mỹ phụ thuộc vào sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Nga và Trung Quốc? Một bài viết của hãng thông tấn Nga Sputnik đã lí giải về nội dung này.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chính, Tư lệnh Richard Spencer đã chỉ ra rằng, tình hình có thể sớm trở nên cực kỳ nghiêm trọng, và nguyên nhân là do chuỗi cung ứng “mỏng manh” của các nhà thầu hải quân Mỹ.
Những nghiên cứu do Hải quân Hoa Kỳ thực hiện đã chỉ rõ rằng, các nhà thầu quân sự lớn của Mỹ không đủ khả năng chế tạo tất cả các linh kiện và thiết bị, nhưng họ cũng không có các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, do đó, buộc phải mua thiết bị của nước ngoài.
Ông tiết lộ rằng, trong quá trình xây dựng các tàu chiến, nhiều nhà thầu chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất bảo đảm các thành phần “công nghệ cao và độ chính xác cao”. Điều này làm tăng khả năng các thành phần đó được mua từ các đối thủ, chủ yếu là các công ty của Nga và Trung Quốc.
Theo người đứng đầu hải quân Mỹ, cách tiếp cận như vậy hoàn toàn không đáp ứng lợi ích quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Do đó, các nhà thầu phải hiểu rõ họ đang làm gì để không mua phải các thiết bị, linh kiện của Nga và Trung Quốc, tránh gây ra những nguy cơ cho an ninh quốc gia.
Mỹ coi Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm
Người đứng đầu Hải quân Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm vì họ muốn bán vũ khí qua dự án “Một vành đai, Một con đường”, thao túng các doanh nghiệp đã hợp tác với Mỹ. Ví dụ như hãng đóng tàu Fincantieri của Italia có ý định tham gia cạnh tranh gói thầu về xây dựng tàu khu trục cho Hải quân Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng tham gia vào một dự án chiến lược của Trung Quốc. Điều này là hết sức rủi ro đối với Lầu Năm Góc.
Ông Spencer cũng cáo buộc Bắc Kinh về việc, các khoản tiền mà Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua, qua đó khiến tỷ lệ nợ tăng vọt, nhờ đó Trung Quốc có được đòn bẩy hết sức có giá trị đối với các nước này.
Trung Quốc đã mua rất nhiều cảng biển ở các nước thế giới thứ ba (như ở Pakistan, Sri Lanka, Campuchia…) và nếu Bắc Kinh đột nhiên quyết định không cho các tàu chiến Hoa Kỳ ghé vào các cảng đó thì nguồn cung của Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc tin rằng, nhiệm vụ chính của ngành công nghiệp quân sự Mỹ hiện nay là phải “trở nên hoàn toàn độc lập tự chủ”, để không phụ thuộc vào các nguồn cung cấp linh kiện từ Nga và Trung Quốc. Tức là, cần phải khôi phục các chuỗi công nghệ và thiết lập các cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã từng tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax rằng, nếu Mỹ không thay đổi quỹ đạo đang đi, nếu Washington không tài trợ đầy đủ cho những dự đoán trong các lĩnh vực mà đất nước đang bị thách thức, như trong không gian vũ trụ, không gian mạng, lĩnh vực hải quân – thì Mỹ sẽ thua Nga và Trung Quốc.
Theo ông, Lầu Năm Góc đã xác định 14 lĩnh vực công nghệ mà Nga và Trung Quốc đang đầu tư, đã dự báo cho đến năm 2025 và chỉ ra các lĩnh vực mà Mỹ và các đồng minh nên đầu tư.
Mỹ đang thiếu tiền và thiếu ý tưởng công nghệ
Tuy nhiên, việc hiện thực các kế hoạch này là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi các ngân hàng đầu tư lớn nhất không muốn hợp tác với các doanh nghiệp quốc phòng. Chính phủ Mỹ thậm chí đưa ra một chương trình đặc biệt để thu hút vốn tư nhân vào các dự án quân sự và cam kết với các nhà đầu tư rằng, họ sẽ nhận các đơn đặt hàng lớn của chính phủ để sản xuất thiết bị mới trong tất cả các lĩnh vực – từ phục vụ tàu đến sản xuất vũ khí.
Trong khi ngành công nghiệp đang chờ đợi dòng vốn của các nhà đầu tư tư nhân, các quan chức quân sự chưa thể giải quyết vấn đề sản xuất các thành phần trong nước do vấn đề ngân sách. Dưới thời Trump, công việc của các cơ quan nhà nước đã bị gián đoạn hai lần do thiếu kinh phí, vào tháng 1 năm nay, việc đóng cửa chính phủ đã kéo dài 35 ngày, là thời gian dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
“Trong tình huống như vậy khó có thể thuyết phục các nhà cung cấp trong nước rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ ổn định nếu họ bắt đầu đầu tư vào sản xuất theo các đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc” – tờ Financial Times lưu ý.
Các quan chức quân sự còn chỉ ra một vấn đề khác là, để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ đang sụp đổ, cần phải có không chỉ nguồn tài trợ mà còn phải có những ý tưởng mới, nhưng các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay của Mỹ không muốn làm việc với Lầu Năm Góc.
Ví dụ, dưới áp lực của các nhân viên, ban lãnh đạo Google đã từ chối tham gia vào dự án sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các đoạn video được quay bởi UAV do thám.
Còn Elon Musk – CEO của SpaceX và Tesla Motors; Jaan Tallinn – một trong những người sáng lập Skype; Max Tegmark – Chủ tịch Viện Tương lai Sự sống (FLI) và hơn ba nghìn chuyên gia công nghệ cao khác cũng lên tiếng phản đối việc sử dụng AI cho mục đích quân sự.
Toàn Thắng/Đất Việt