Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam: 150 triệu liều, kéo dài 9 tháng
Hôm nay 10/7, Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử với 150 triệu liều vaccine trong 9 tháng từ 7/2021 đến 4/2022.
Sáng 10/7 Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc được khởi động. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo tại buổi lễ phát động.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử vì từ trước tới nay, dù nước ta tổ chức nhiều chiến dịch tiêm, gần nhất là tiêm 23 triệu liều vaccine sởi – rubela cho trẻ nhưng chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lần này được triển khai trên quy mô lớn, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều trong 9 tháng, nhằm tăng độ bao phủ vaccine cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, Bộ Y tế quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, với mục tiêu tiêm cho người dân trong độ tuổi nhiều nhất, nhanh nhất, phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.
Nhiều điểm khác biệt
Ông Long khẳng định, kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của nước ta và đã đang thực hiện ở nhiều điểm.
Đầu tiên là vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vaccine. Bộ Y tế thiết lập một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội, là vaccine sẽ bảo quản tại các kho của các Quân khu mà 2 Bộ Quốc phòng và Y tế phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vaccine từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vaccine.
Ngoài ra, Bộ Y tế huy động lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định. Qua đó, dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng độ bao phủ vaccine cho nhân dân.
Để đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, Bộ Y tế triển khai hệ thống công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm trên toàn tuyến. Các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng cũng được Bộ Y tế điều động, sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để xử lý mọi việc kịp thời.
“Bộ Y tế cũng sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm”, ông Long khẳng định.
Thông tin thêm về triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng, người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, Bộ phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ sức khở điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.
Bộ Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19.
“Về giám sát công tác tiêm chủng, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng”, ông Long nhấn mạnh.
Bao phủ 70% dân số
Về mục tiêu đặt ra sẽ bao phủ hơn 70% dân số Việt Nam được tiêm vaccine COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, mục tiêu trên ngay từ đầu đã được đặt ra đối với tất cả những người Việt Nam trên 18 tuổi.
Sau khi tính toán, Bộ Y tế trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine. Việt Nam cũng đang rất cố gắng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có hợp đồng mua từ tháng 11/2020, những cam kết thỏa thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay nước ta mới có vaccine và tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.
Tuy nhiên, sau tháng 9/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế việc đặt ra là phải tăng độ bao phủ với người dân.
Đây chính là lý do tại sao Nghị quyết của Chính phủ lại quy định về ưu tiên tiêm vaccine, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho những địa phương có dịch và những địa bàn tuyến đầu về phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
“Đây cũng chính là ưu tiên của chiến dịch tiêm chủng vaccine ở nước ta, đồng thời chúng ta cũng phải quan tâm đến tất cả các đối tượng tiêm chủng. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng là tiêm chủng trong chiến dịch là miễn phí”, ông Long nói.
Bộ Y tế tập trung ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho 16 nhóm, gồm:
1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân.
2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…).
3. Lực lượng quân đội, Công an.
4. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài.
5. Người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước.
8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc nhiều người cũng nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm.
9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi
10. Người sinh sống tại các vùng dịch
11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội
12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
13. Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế…, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.
15. Người lao động tự do
16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin.
Hải Triều