Chiến binh bầu trời – Kỳ 2: Tiếp ứng Trường Sa
Trong sự kiện 14.3.1988, ít ai biết có 1 chuyến bay cảm tử bằng máy bay An-26 ra Trường Sa, thả hàng cấp cứu cho thương bệnh binh vừa tham gia chiến đấu…
Đại tá Nguyễn Anh Sơn nguyên Chủ nhiệm Bay của lữ đoàn 918 chính gốc “quân khu Nam Đồng”, nên cách nói chuyện cũng rất hào sảng, thẳng thắn. Phải trò chuyện rất lâu, mới biết: Ông và tổ bay đã chấp nhận hy sinh, thực hiện bay tiếp tế cho bộ đội đảo Sinh Tồn ngay sau sự kiện 14.3.1988 trên vùng biển Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma (Trường Sa).
Nhiệm vụ cảm tử
Ngày 14.3.1988, Trung Quốc bất ngờ tấn công vào bộ đội hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ phòng thủ, xây dựng tại 3 đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin làm 3 tàu vận tải bị cháy chìm, 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh và 9 người bị bắt. Trung đoàn 918 (nay là lữ đoàn 918), nhận lệnh tiếp ứng cho hải quân. Việc này không bất ngờ bởi trước đó, các tổ bay An-26 thường xuyên bay trinh sát Trường Sa và thả hàng tiếp tế xuống các đảo.
”Mỗi chuyến bay, luôn có sĩ quan hải quân đi cùng để quan sát hoạt động tàu nước ngoài và hỗ trợ hoạt động bay của không quân”, đại tá Nguyễn Thế Cường, nguyên phi đội trưởng kể vậy và nói: “Hàng là thư báo, rau xanh bọc trong 3 lớp bao tải và thả trực tiếp từ độ cao 50 mét. Thả hàng xong, máy bay lượn thêm 1-2 vòng để động viên bộ đội đảo”.
“Bay biển thời ấy không có thông tin liên lạc. Nếu trục trặc thì hầu như không có cứu hộ”, đại tá Nguyễn Anh Sơn nhớ lại vậy và rành rẽ: Ngày 16.3.1988, tổ bay gồm 5 người (lái chính là đại úy Nguyễn Anh Sơn, phó phi đội trưởng phụ trách chính trị của phi đội 2; lái phụ Nguyễn Đình Minh; dẫn đường Nguyễn Tri Thiên; thông tin trên không Nghiêm Đình Sỹ; cơ giới trên không Nguyễn Văn Sỹ) đưa An-26 bay từ Tân Sơn Nhất ra Cam Ranh để nhận 5 kiện gỗ thông (1 m3 khối/kiện), trong có các chai huyết thanh và thuốc men được chèn trong quần áo. Khi nhận nhiệm vụ, tôi đề nghị thả hàng ở độ cao dưới 50 mét. Trung tá Nguyễn Chí Cự (khi đó là phó phó trung đoàn trưởng 918) do dự: “Tùy tình hình mà giảm độ cao, đừng thấp quá”. Theo giáo trình huấn luyện chiến đấu của An-26, độ cao thấp nhất để bay thả hàng không mang dù, chỉ là 50 mét.
Hình tàu vận tải quân sự HQ-505 của lữ đoàn 125 hải quân bị phía Trung Quốc bắn cháy tại đảo Cô Lin, ngày 14.3.1988. Bức hình này do nhân viên không ảnh Nguyễn Duy Viến (phi đội 2, trung đoàn 918) chụp từ trên máy bay An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chiều 14.3.1988; hình: Tư liệu.
Mai Thanh Hải
“Xếp hàng xong, 2 sĩ quan hải quân mở bản đồ tác chiến thông báo tình hình chiến sự, vị trí ta và tàu Trung Quốc. Nếu bay vòng tránh sẽ không đủ nhiên liệu (xếp hàng trên băng tải nên không thể lắp thùng dầu phụ), tôi quyết định bay xuyên qua đội hình địch ở khoảng cách tối đa có thể, cho dù nguy hiểm. Tôi mời 2 người lên máy bay nhưng họ nói là… hậu cần”, đại tá Sơn cười và lắc đầu: “Về nguyên tắc, tôi có quyền không cất cánh. Gọi về báo cáo nhưng không được. Trời chiều, chậm vài chục phút sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đồng đội đang chờ”.
…“Từ năm 1982, trung đoàn 918 đã tập trung huấn luyện bay biển. Nhiều tổ bay thực hiện bay biển xa và dần bay biển trong đội hình 2 – 4 chiếc. Đơn vị điều chỉnh tăng cường lực lượng và nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu trên hướng Biển Đông và chi viện quần đảo Trường Sa.
Ngày 6.11.1987, Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ngày 7.11.1987, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra mệnh lệnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, giao nhiệm vụ cho trung đoàn 918 bay trinh sát chụp ảnh, quan sát bằng mắt trên các đảo và vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, bay thả hàng trên đảo, chuyển tiếp thông tin chỉ huy và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ngày 14.3.1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma. Ngày 16.3.1988, tổ bay An-26 do phi đội trưởng Đoàn Hồng Quân chỉ huy, cất cánh từ Tân Sơn Nhất bay ra Trường Sa chụp ảnh 3 tàu hải quân HQ-505, HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm và cháy”…
(Nguồn: Lữ đoàn 918)
Bay từ Cam Ranh ra Sinh Tồn khoảng 600 km, vật chuẩn duy nhất có thể quan sát bằng ra-đa là Đá Lớn. Ra khỏi bờ 200 km là mất liên lạc, phải dựa vào hướng bay, tốc độ, thời gian. Bay hết thời gian dự kiến không thấy Đá Lớn, đại úy Nguyễn Anh Sơn bay thêm 10 phút (khoảng 70 km nữa). Vẫn không thấy Đá Lớn, trong khi dầu gần cạn. Vừa định vòng phải bay về thì sĩ quan dẫn đường Nguyễn Tri Thiên hét lên: “Đã thấy”. Máy bay giảm độ cao đến 200 m tìm đảo. Vừa thấy Sinh Tồn, cũng là lúc lái phụ Nguyễn Đình Minh hét lên: “Có tàu phía trước”. Trước mắt là chiếc tàu chiến dài cả trăm mét, lá cờ 5 sao trên đỉnh như sắp quệt vào máy bay.
“Tích tắc tôi nghĩ, theo lý thuyết xạ kích, ở góc tà lớn khó bị bắn nhất. Tôi bay thẳng, đến đâu thì đến, bị bắn cũng phải chịu. Cuối cùng cũng ổn, không có súng nổ. Chẳng biết tại sao”, đại tá Sơn nhớ lại.
Theo hiệp đồng, hàng sẽ được thả dọc bờ nam nhưng không được thả vào đảo (trên đảo nhiều người và hàng hóa bị hư hại) và cũng không quá xa bờ để dễ vớt. Nhưng sau khi bay qua đội hình tàu Trung Quốc, cơ hội thả ở bờ nam đã lỡ, tổ bay quyết định vòng lại bờ bắc và xuống sát mặt nước thả hàng, để không vỡ những chai huyết thanh.
Sau khi đã “đối chuẩn”, máy bay giảm độ cao xuống dưới 50 m và mở cửa. Nghiêm Đình Sĩ xuống buồng hàng hỗ trợ thả bằng tay nếu băng tải trục trặc. Cách mặt biển khoảng 2 m, Nguyễn Đình Minh hét: “Đồng hồ độ cao không mét”. Khi đã thấp hơn ngọn cây trên đảo, đại úy Sơn mới cho thả hàng. Lúc ấy, anh Sơn mới biết anh Nghiêm Đình Sỹ đứng ở cửa, chỗ rất nguy hiểm nhưng cũng rất cần thiết để không xảy ra sự cố với hàng hóa.
“Máy bay lấy độ cao, nghiêng cánh vòng về, đúng lúc mặt trời đỏ lựng bắt đầu chìm xuống. Lần đầu tiên tôi được thấy hoàng hôn trên biển, rất đẹp và thơ mộng”, đại tá Nguyễn Anh Sơn cười hiền.
Nguy hiểm thế mà không bao giờ nói
Hạ cánh ở Tân Sơn Nhất khi trời đã tối đen. Trung đoàn phó Nguyễn Chí Cự và trung đoàn phó phụ trách chính trị (nay là chính ủy) Nguyễn Văn Nhượng ra tận máy bay đón tổ bay vừa làm nhiệm vụ cảm tử trở về, hỏi: “Có thả nhầm đảo không đấy?”. Anh Sơn cương quyết: “Không! Mới tuần trước tôi còn bay ra đấy thả hàng mà!”.
Ngồi ăn cơm, anh Nguyễn Đình Minh băn khoăn: “Em nghĩ lúc ấy mình bay qua tàu ta, hình như có cờ đỏ sao vàng. Nếu tàu địch sao nó không bắn?”. Anh Sơn cười: “Cờ đỏ nhưng có 5 ngôi sao. Tại sao không bắn thì đi mà hỏi nó”.
Gần 10 giờ đêm, trung đoàn phó Cự lại hỏi: “Mày có nhầm đảo không? Sao chưa thấy hải quân báo lại?”. Sáng hôm sau, anh Cự xuống gặp sớm, cười tít mắt: “Hải quân báo nhận rồi”. Vài ngày sau, phóng viên tới tấp đến đơn vị phỏng vấn anh Sơn và tổ bay. Trả lời xong, anh Sơn luôn phải nói thêm: “Các anh viết đừng quá lời, để tôi còn làm việc”.
Chiều 29.4.1988, Nguyễn Anh Sơn về Hà Nội nghỉ lễ. Hôm đó, báo Nhân dân có bài về chuyến bay cảm tử ra Trường Sa ngày 16.3.1988. Bác anh Sơn đòi kể lại và anh hồn nhiên kể lại tất cả. Ngồi nghe thấy, mẹ anh Sơn khóc sụt sùi: “Nguy hiểm thế mà chẳng bao giờ nó nói”.
“Mẹ nào cũng thương con. Mẹ tôi thì đã đau đáu suốt những năm dài ba tôi chiến trận, rồi anh tôi cũng chiến trận. Nên tôi không muốn bà biết tôi cũng ra trận ngay khi đất nước đã có vẻ yên bình”, đại tá Sơn nói vậy và lặng người: “Thế mới hiểu được nỗi đau của những người mẹ có con hy sinh trước mũi súng hèn hạ của kẻ thù mấy chục năm trước. Chỉ xin đừng ai quên những người đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc”…
Có 1 điều đại tá Nguyễn Anh Sơn chưa biết: Những chai huyết thanh, gói thuốc men thả xuống đảo Sinh Tồn chiều 16.3.1988 đã ngay lập tức được bác sĩ Lại Quang Tiến sử dụng để cứu chữa vài chục thương bệnh binh mới dạt về từ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Những bộ quần áo được đảo trưởng Thái Văn Khôi chia cho từng chiến sĩ đang run cầm cập sau nhiều giờ trôi dạt trên biển. Một trong những người được cứu chữa, ủ ấm ấy là đại úy Uông Xuân Thọ (máy trưởng tàu HQ-605, lữ đoàn 125 hải quân trực tiếp tham gia trận 14.3.1988 tại đảo Len Đao).
Hơn 32 năm nay, máy trưởng Uông Xuân Thọ, bác sĩ Lại Quang Tiến, đảo trưởng Thái Văn Khôi và hàng trăm bộ đội trên đảo Sinh Tồn thời ấy vẫn mong gặp được tổ bay đã thả hàng chiều 16.3.1988 để nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng. “Anh em phi công biết có thể bị bắn hạ nhưng vẫn cảm tử ra với chúng tôi. Thuốc men, quần áo cứu sống thể xác, nhưng sự dũng cảm của họ cứu sống chúng chúng tôi về tinh thần. Nhìn thấy không quân, nghĩa là đất liền luôn cạnh chúng tôi”, ai cũng nói vậy.
…“Trước và sau 14.3.1988, chúng tôi liên tục bay biển. An-26 bay biển phải chế thêm thùng dầu phụ trong khoang để kéo dài thời gian bay. Hồi ấy bay nhiều nhất là chiếc An-26 mang số hiệu 262 và trước khi làm nhiệm vụ, tổ bay được trang bị từ súng K59, AK-47 cho đến dao cắt dây dù cá nhân phòng trường hợp gặp nạn, sẽ chiến đấu đến cùng, không để đối phương bắt làm tù binh. Bay Trường Sa rất căng thẳng, đã không có liên lạc dẫn đường, xác suất bị lạc, hết dầu và bị đối phương bắn hạ rất cao. Mỗi lần bay Trường Sa, anh em đều xác định có thể hy sinh nhưng tuyệt nhiên không ai thoái thác nhiệm vụ. Sau vụ 14.3.1988, tần suất bay tiếp tế cho các đảo tăng lên đột biến. Các máy bay An-26 bay ra sát các đảo, lấy vật chuẩn và mở cửa sau thả hàng xuống (hàng chủ yếu là thư từ, báo chí, thuốc chữa bệnh và rau xanh). Tết năm 1989, An-26 thả cả mấy tấn lá dong, thực phẩm cho bộ đội gói bánh chưng. Tôi đã có lần bay dọc Trường Sa, xuống tận An Bang, Thuyền Chài và gặp 2 máy bay tiêm kích nước ngoài kèm sát 2 bên yêu cầu chuyển hướng. Lúc ấy chẳng ai sợ sệt, đều rất bình tĩnh, giữ nguyên hướng bay và mấy anh em bảo nhau: Chúng mày bắn tao thì Su-22 (của trung đoàn tiêm kích 937, sư đoàn 370 chuyên bảo vệ Trường Sa) bên tao cũng đập chết. Chúng tao rơi xuống biển thì có bộ đội cứu, chúng mày mà rơi thì có giời cứu”…
Thượng tá Nguyễn Chí Cự, nguyên phó trung đoàn trưởng 918
Đón xem Kỳ 3 – Nhiệm vụ đặc biệt
40 năm qua, máy bay vận tải quân sự An-26 còn làm các nhiệm vụ tuần tiễu trinh sát trên các vùng biển đảo, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đặc biệt khác theo lệnh cấp trên.
Mai Thanh Hải/TN