+
Aa
-
like
comment

Chiếc “phao cứu sinh” đối với ngành hàng không và nền kinh tế

Diệu Hương - 28/12/2021 13:14

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc mở cửa đường bay quốc tế đứng trước những áp lực mới, nhưng rõ ràng đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm “giải cứu” ngành hàng không đang ngày càng “thoi thóp” vì dịch bệnh. Đồng thời, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung.Tuy nhiên, làm cách nào để mở lại các đường bay an toàn đang là câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp hàng không.

Hàng không Việt Nam trong cơn bão dịch Covid-19

Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam có sự phát triển rất mạnh mẽ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.

Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tỷ trọng vận tải hành khách qua đường hàng không tăng gấp hơn 2 lần từ mức 0,5% trong năm 2009 lên mức 1,2% trong năm 2019. Đặc biệt, năm 2019, riêng Vietnam Airlines và Vietjet nộp thuế, phí các loại lên tới 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã chứng kiến những tác động nặng nề đến hầu hết các ngành kinh tế. Trong đó, hàng không là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020, cho thấy nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 – 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019. Đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát, doanh thu ngành hàng không giảm 80% – 90% so với cùng kỳ năm 2020, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao.

Còn theo báo cáo tài chính của các hãng hàng không, mặc dù ngành hàng không đã áp dụng nhiều biện pháp tình thế như cắt giảm chi phí, giảm lương nhân viên song các hãng hàng không nội địa vẫn rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền. Vietnam Airlines cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ sau thuế là 12.153 tỷ đồng, doanh thu thuần ở mức 18.732 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ. Vietjet Air dù đã dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không, nhưng ước tính thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chiếc “phao cứu sinh” đối với ngành hàng không và nền kinh tế

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 01/01/2021. Trong đó, trước mặt là khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, như là Bắc Kinh/ Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/ Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Có 3 lý do chính để chúng ta thấy, việc khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ là bước đi quan trọng đầu tiên nếu muốn vực dậy ngành hàng không đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn và thách thức. Cũng như là để khôi phục lại trạng thái bình ổn ban đầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam dần quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục hồi sau dịch:

Thứ nhất, hàng không là một ngành có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là động lực của nền kinh tế, mà còn là mạch máu giao thông hội nhập toàn cầu và là nguồn thu ngân sách quan trọng của mỗi quốc gia. Năm 2019, riêng Vietnam Airlines và Vietjet nộp thuế, phí các loại lên tới 20.000 tỷ đồng. Do đó, trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, dịch vụ, vận tải là ưu tiên số một cần hỗ trợ để cứu cánh cho nền kinh tế. Muốn vậy, hạt nhân cần hỗ trợ là hàng không. Ngoài ra, các chuyên gia thế giới đã rút ra công thức: Nếu hàng không tăng trưởng 2,5% thì sẽ kích thích tăng trưởng 1% GDP.

Thứ hai, nếu chậm mở lại đường hàng không, trước hết, ngành hàng không sẽ chịu thiệt thòi rất lớn, sau đó là dẫn tới nguy cơ nền kinh tế thực sự đứt gãy. Theo các chuyên gia kinh tế, trong kịch bản đó, chúng ta sẽ phải trả giá khá đắt, không chỉ xét về những thua lỗ của riêng ngành hàng không, mà cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thứ ba, việc khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế sẽ góp phần giải quyết việc làm. Bởi mỗi lao động hàng không trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 15 lao động khác. Theo đó, hơn 30.000 lao động của Vietnam Airlines và Vietjet sẽ tạo việc làm cho 450.000 lao động. Đó là chưa kể hàng không và du lịch như răng với môi, hàng không thiệt hại thì 2,5 triệu lao động ngành du lịch cùng khoản doanh thu 30 – 35 tỷ USD/năm cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải thực hiện từng bước và đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Cách nào mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ an toàn?

Thứ nhất, nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch. Dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch. Việc mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có an toàn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở. Bên cạnh đó, cần thoả thuận với các quốc gia về các quy trình hợp tác thật chi tiết.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần rút ngắn trình tự, thủ tục đối với khách quốc tế. Ví dụ: Việc sử dụng app, các app của Việt Nam hiện chưa có cập nhật số hộ chiếu, không cho sử dụng ký tự mà chỉ có số nên khó cho người nước ngoài, vấn đề này cần được giải quyết trong thời gian tới.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ công nhận “hộ chiếu vaccine”, bởi đây là “tấm giáp” hữu hiệu bảo vệ cộng đồng trong giai đoạn bình thường mới. Cho phép các lệnh giãn cách xã hội được bãi bỏ đối với một số lượng lớn những người dân/khu vực dân cư đã hoàn thành công tác chích ngừa vaccine. Khi và chỉ khi các rào cản phong tỏa được dỡ bỏ, cuộc sống và hoạt động của người dân trên khắp thế giới mới có thể được bình thường hóa. Từ đó, việc mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ mới an toàn và hiệu quả.

Thứ tư, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng là điều rất quan trọng trong việc mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ an toàn. Do đó các địa phương cần phải thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Đảm bảo chậm nhất đến 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Diệu Hương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều