+
Aa
-
like
comment

Chiếc điện thoại “oan nghiệt” và cái giá của sự vội vàng, ngộ nhận

An Diễm - 03/08/2022 12:10

Vụ cháu Hồ Hoàng Anh ở Ninh Thuận bị tai nạn do xe ô tô 7 chỗ chạy cùng chiều đột ngột chuyển làn tấp vào lề sáng 28/6/2022, đụng cháu gây tử vong, đã dậy sóng dư luận. Thật tiếc là con sóng lớn nhất của vụ này lại là do ngộ nhận về ý nghĩa của chỉ số nồng độ cồn trong máu, và gián tiếp gây ra những áp lực, nghi ngờ không đáng.

Nếu như báo chí và các cơ quan liên quan chịu khó tư vấn các bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu về ý nghĩa của nồng độ 0,79 mg/100 ml máu, thì có lẽ đã không có những cuộc tranh cãi vô bổ, nhưng lại có thể nguy hiểm.

Cụ thể, khoảng 7h30 sáng ngày định mệnh, cháu Hồ Hoàng Anh đang trên đường trở về nhà sau khi đến trường lấy giấy báo dự thi tốt nghiệp 2022. Đến trước cổng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (chi nhánh Ninh Thuận) thì bị xe ô tô 7 chỗ chạy cùng chiều đột ngột chuyển làn tấp vào lề, va chạm vào xe máy khiến cháu vị văng về phía trước, ngã đập đầu xuống lề đường, va vào trụ điện tử vong. Vụ tai nạn thương tâm để lại nhiều tiếc thương về một cô học sinh chăm ngoan, năng động, học giỏi.

Đáng chú ý, 2 tuần sau vụ tai nạn, gia đình nhận được thông tin về kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu là 0,79mg/100 ml máu và đây cũng là khởi nguồn cho những tranh cãi không dứt kèm cả sự bức xúc, nghi ngờ.

Cha của nạn nhân tỏ ra không đồng tình với kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của con gái, với lý do rất xác đáng là từ nhỏ đến lớn cháu chưa hề biết uống bia rượu, lại sắp thi tốt nghiệp và thời điểm xảy ra tai nạn là lúc sáng sớm. Thầy cô, bạn bè, người quen và cả nhà trường đều tán thành quan điểm này. Dư luận dựa vào đó tỏ ra hoài nghi, cho rằng, kết quả nồng độ cồn là “ngụy tạo”! Sự bức xúc này cũng được cha của nạn nhân chia sẻ trên nhiều mặt báo, và câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi báo chí dẫn lời ông Thái Phương Phiên (Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận) cho biết “hồ sơ bệnh án nói trên là mật, chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu”.

Sự bức xúc này là dễ hiểu, bởi ngay sau khi có kết luận, tài khoản Facebook được cho là của vợ người lái xe 7 chỗ, không rõ nghe từ đâu, đã vội vàng cho rằng nồng độ cồn này cho thấy cháu bé đã uống rượu, và vẽ nên nhiều điều rất tệ, làm dư luận hiểu sai câu chuyện, cũng như tư cách của cháu bé, dù cháu đã mất.

Đến bây giờ thì mọi người đã rõ, tại buổi họp báo chiều ngày 2/8, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã khẳng định, nồng độ cồn 0,79 mg/100 ml máu là nồng độ rất thấp, có thể chỉ cần ăn trái cây và nó lên men trong dạ dày là đã có. Nồng độ cồn này không hề ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe, cũng như không hề khẳng định cháu Hồ Hoàng Anh đã uống rượu trước khi bị tai nạn. Thượng tá Hà Công Sơn, phó trưởng công an TP Phan Rang cũng thông tin thêm, tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế trên xe có sử dụng điện thoại để kết nối vào Bluetooth, qua đấu tranh tài xế thừa nhận có sử dụng điện thoại.

Điều đáng nói là những tranh cãi đã tạo nên một luồng dư luận rất xấu nhằm vào cơ quan tố tụng, với những quan điểm quy kết, đặt điều về việc “bao che, ngụy tạo”. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu cơ quan điều tra sớm công bố nguyên nhân và có lời giải thích rõ ràng với gia đình để đỡ bức xúc và cộng đồng mạng cũng không bị dẫn dắt dẫn đến hiểu lầm. Nếu như báo chí và các cơ quan liên quan chịu khó lắng nghe tư vấn các bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu về ý nghĩa của nồng độ 0,79 mg/100 ml máu, thì có lẽ đã không có những cuộc tranh cãi vô bổ, nhưng lại có thể nguy hiểm.

Trong vụ việc lần này, thay vì tập trung vào chuyên môn thì cơ quan điều tra đã phải nhiều lần lên mặt báo “thanh minh”, và thật khó tưởng tượng sẽ có hậu quả gì xảy ra nếu như kết quả điều tra đưa ra kết luận gì đó trái “ý muốn” của cộng đồng mạng. Chưa kể, khi vụ việc trở nên quá ồn ào, UBND tỉnh Ninh Thuận thậm chí còn ra một văn bản chỉ đạo Công an tỉnh điều tra như một động thái “xoa dịu”. Hiển nhiên ở góc độ dư luận thì văn bản này làm hài lòng nhiều người dân, báo chí và cộng đồng nhưng mặt khác lại tạo thêm sức ép, ảnh hưởng đến sự độc lập, tuân thủ luật pháp của cơ quan điều tra.

Nếu như sự nóng ruột và bức xúc nhất thời của gia đình nạn nhân là có thể thông cảm, thì những tranh cãi, đồn thổi ồn ào, thiếu hiểu biết, thậm chí ác ý của một bộ phận cộng đồng mạng xung quanh câu chuyện “nồng độ cồn” lại là điều đáng lên án.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều