+
Aa
-
like
comment

Chia sẻ hay của các doanh nhân khi mở cửa đi lại, tạo “luồng xanh” cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch

29/09/2021 06:37

Chia sẻ về kinh nghiệm thích ứng kinh doanh trong thời điểm thách thức nhất, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho biết dịch bệnh ở Việt Nam luôn trong tình trạng On – Off. Nếu doanh nghiệp cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến. Ông Trịnh Văn Quyết nói tại Toạ đàm trực tuyến “Tái tạo năng lượng để đột phá” do CLB Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức sáng ngày 28/9/2021.

Mở cửa đi lại, khơi thông thủ tục, tạo "luồng xanh" cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC.

“Tức là ở tình trạng Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch là nếu được mở cửa thì phải làm ngay những việc gì. Để một khi mở cửa, phải tận dụng được ngay cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp”, ông Quyết nhấn mạnh.

Người đứng đầu FLC cho biết, tinh thần này đã giúp FLC phục hồi thần tốc, các quần thể du lịch  kín khách ngay khi được phép hoạt động trở lại, các chuyến bay luôn trong tình trạng “Full slot”.

“Ngay ở đợt dịch lần thứ tư, chúng tôi vẫn đã và đang chuẩn bị sẵn sàng. Chuyến bay thẳng Việt – Mỹ của Bamboo Airways vừa qua là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài và tinh thần ứng biến đó. Có thể nói là một chặng đường không mệt mỏi trong suốt 3 năm về hồ sơ, pháp lý, con người… Chúng tôi không thể đợi đến khi dịch bệnh mới bắt tay vào làm bởi lúc đó đã quá muộn”, ông Quyết nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi, ông Trịnh Văn Quyết đề xuất Chính phủ và các cơ quan quản lý cần xem xét các phương án nới lỏng giãn cách, sớm mở cửa lưu thông cho người dân và doanh nghiệp lưu thông trở lại. “Mở cửa được 1 ngày  thì người lao động nuôi gia đình được 1 ngày, mở cửa được 1 tuần, 1 tháng thì người lao động có thêm tích lũy. Và như vậy, với nhiều doanh nghiệp, mở cửa 1 tuần cũng là quý”, ông Quyết cho biết.

Chủ tịch FLC cũng đưa quan điểm: “Hiện nay, tiền không phải là máu của nền kinh tế mà đi lại, lưu thông mới là máu, có máu thì người dân, doanh nghiệp mới tồn tại được. Hạn chế giao thương đang khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tê liệt. Với các lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ, khách sạn và nhiều ngành nghề khác, việc mở cửa, đi lại được ngày nào là có dòng tiền, tồn tại được ngày đó và giữ chân được người lao động”

Nói về cuộc chiến Covid-19 tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT ví von cuộc chiến Covid như chiến du kịch, cần sự tổng lực của toàn dân. Theo vị chủ tịch FPT, với truyền thống đoàn kết của dân tộc ta trong suốt chiều dài giữ nước, dự báo Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chiến thắng Covid ngoạn mục mà hiếm quốc gia nào làm được.

“Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội này, nhất là khi bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang thay đổi rất nhanh và Chính phủ đang chuyển từ trạng thái “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả”, ông Bình khẳng định.

Đề cập đến công nghệ như một “vaccine” cấp thiết cho doanh nghiệp, lãnh đạo FPT cho rằng đây là “mũi tiêm” có thể bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp không chỉ trong thời dịch bệnh. Công nghệ, hay các giải pháp số sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

Tại tọa đa, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam chỉ ra ngoài Covid, có một virus khác đang trở thành rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện dự án. Đó là virus sợ hãi.

Mở cửa đi lại, khơi thông thủ tục, tạo luồng xanh cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam.

Theo ông Hải, sự tồn tại của virus sợ hãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình dài trước đây và suốt đợt dịch vừa qua, gây ra tình trạng ách tắc dự án, cũng như nhiều vướng mắc rất bức bách của doanh nghiệp. Điều này có nguy cơ trở thành cục máu đông của nền kinh tế.

“Gần đây Bộ Chính trị Kết luận số 14 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Giải quyết cục máu đông để khơi thông kinh tế, khơi thông đời sống, hoạt động trở lại là cần thiết”, đại diện Alphanam mong những ách tắc của doanh nghiệp cũng được Chính phủ đưa vào “luồng xanh” để giải quyết nhanh, quyết liệt như những quyết sách áp dụng với cuộc chiến Covid vừa qua.

Làm rõ hơn quan điểm về cơ chế cho doanh nghiệp, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tái khẳng định việc doanh nghiệp không xin hỗ trợ về tiền, mà chỉ xin về cơ chế. Với doanh nghiệp, “dịch” lớn hơn đó là sự ách tắc về thủ tục hành chính, sự chồng chéo của bộ luật, nghị định

Ông Dũng nêu dẫn chứng đến thời điểm tháng 3/2021 Hà Nội có 322 hồ sơ tồn đọng tại sở KHĐT không giải quyết về giấy phép đầu tư. Còn TP HCM hơn 3 năm vừa rồi không có một giấy phép xây dựng nào. Hai đầu tàu kinh tế lớn nhất nước với số lượng dự án bất động sản chiếm tỷ trọng khá lớn mà lại không có dự án mới nào được triển khai.

Tại tọa đàm, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Deloitte Việt Nam nêu ý kiến câu chuyện phục hồi hiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra về mặt quy hoạch, chính sách, nhưng các doanh nghiệp Sao Đỏ cũng nên chủ động đưa ra tiếng nói của riêng mình để Bộ đưa vào dự thảo thay vì chờ khi văn bản ra rồi mới ứng phó.

“Cần ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp quy mô bởi họ có phục hồi và phát triển thì mới tạo nguồn thu cho ngân sách, giữ vững được công ăn việc làm cho người lao động và tạo ra ổn định về an sinh xã hội. Vậy cơ chế cho các doanh nghiệp này cần thông thoáng, các vướng mắc cần được giải quyết kịp thời”, bà Thanh kiến nghị.

Tuấn Minh 

Bài mới
Đọc nhiều