+
Aa
-
like
comment

“Chìa khóa vàng” để hàng Việt ra thế giới

30/09/2020 08:59

COVID-19 đã làm thay đổi chuỗi cung ứng, nhiều hoạt động giao thương trực tiếp chuyển sang trực tuyến. Hàng loạt cuộc giao thương trực tuyến đã được tổ chức bước đầu đã mang lại tín hiệu tích cực trong việc quảng bán sản phẩm, tiếp cận khách hàng và đối tác tại các thị trường trọng điểm. 

Đồng loạt chuyển sang giao thương trực tuyến

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục XTTM đã liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ, đồng hành cùng DN nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.

Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế.

Tiêu biểu như hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 trong 3 ngày, từ 22 đến 25/9/2020 đã thu hút trên 150 DN, nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với hơn 30 DN sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm Việt Nam, nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh XK của hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam và kết nối DN Việt với các đối tác nhập khẩu ở thị trường nước ngoài.

Hoa quả Việt đã từng bước chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Đây là hội nghị giao thương trực tuyến lớn nhất trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được tổ chức từ trước tới nay, có sự kết nối đồng thời với nhiều thị trường nước ngoài. Các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm tốt của Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi tiếp xúc và trao đổi về đa dạng các cơ hội hợp tác kinh doanh với các DN nhập khẩu tiềm năng nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Trong khi đó, tại hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020 cũng thu hút hơn 40 DN cung cấp sản phẩm hoa quả của Việt Nam và các nhà nhập khẩu đến từ Thượng Hải – Trung Quốc. Qua sự kiện cho thấy, trái cây Việt chinh phục thị trường Thượng Hải và có nhiều dư địa để gia tăng XK. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường này cần phải nâng cao chất lượng nông sản, hoa quả Việt.

Ông Ninh Thành Công, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải cho biết, thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành chủ quản của hai nước luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại hai bên, nhất là việc DN Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, trong đó có hoa quả.

Việt Nam có nhiều nông sản, hoa quả vùng nhiệt đới, đặc trưng với khí hậu của Việt Nam và sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), có thể cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Thượng Hải và Hoa Đông là những khu vực năng động, phát triển của Trung Quốc, hệ thống siêu thị và thương mại điện tử phát triển.

Doanh nghiệp phải chủ động kết nối

Dưới góc độ nhà nhập khẩu, ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải lưu ý, các DN xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, để chiếm thị phần nhiều hơn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Theo đó, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cũng sẽ tạo ra bước ngoặt. Tuân thủ quan điểm chất lượng là trên hết, lấy thị trường làm phương hướng, lấy “ngon” làm nguyên tắc thì sẽ đạt được sự ổn định, để sản phẩm tốt được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng yêu thích.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc hiện đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu công việc cho tất cả các nhà sản xuất trái cây.

Đặc biệt, ông Từ Trí, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Long Ngô (Trung Quốc) cho biết, chợ Long Ngô sẽ tiếp tục được củng cố như một cầu nối giữa các nhà XK trái cây Việt Nam và các nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc, đồng thời cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho cả hai bên, thu hút ngày càng nhiều loại trái cây chất lượng cao vào Trung Quốc cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, qua các hoạt động XTTM trực tuyến, các DN đã bước đầu tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập. Kết nối trực tuyến với từng thị trường, ngành hàng và các đối tác, bạn hàng giúp DN cắt giảm được chi phí, mở rộng được thị trường XK. Thực tế cho thấy, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, thị phần XK tại các thị trường trọng điểm ngày càng gia tăng; nhiều mặt hàng xuất khẩu tận dụng tốt cơ hội từ cắt giảm thuế quan…

Theo ông Mạc Quốc Anh, kết nối giao thương trực tuyến là chìa khóa “vàng” để hàng hóa của DN Việt vươn ra toàn cầu. Do vậy, DN không nên chỉ trông chờ vào các chương trình XTTM của Nhà nước, mà bản thân DN có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội để gia tăng sự kết nối, tương tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho mình.

Lưu Hiệp/CAND

Bài mới
Đọc nhiều