+
Aa
-
like
comment

Chìa khóa để Miền Tây Nam Bộ cất cánh

Phạm Khoa - 03/02/2023 16:36

13 năm chậm trễ, khiến khu vực miền Tây Nam Bộ tụt hậu so với mặt bằng chung của các khu vực khác trong cả nước.

Khu vực gần ngã tư Lương Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thường xuyên bị đọng nước kể cả những ngày nắng nóng

Năm 2026 phải có được 544km cao tốc cho miền Tây Nam Bộ là yêu cầu quan trọng của Thủ tướng đối với các chính quyền địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, và các bộ ngành liên quan.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân khu vực được mệnh danh là “vựa lúa của Việt Nam” bao nhiêu năm nay vẫn phải tha hương cầu thực, cuộc sống khó khăn, trong khi quẻ nhà có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tạo dựng cuộc sống ấm no mà không phát huy được.

Nhìn lại những năm 2010, khi cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương được khánh thành, thì đây là tuyến cao tốc hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam. Với chiều dài 61,9km, bao gồm hai hệ thống đường: Tuyến cao tốc (dài 39,8km) và các tuyến đường nối (22,1km). Những tưởng sau đó tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km sẽ nhanh chóng kết nối, tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thì sau đó, liên tục các điều chỉnh, và những khó khăn về vốn, kỹ thuật, cũng như các công tác liên quan đến mặt bằng, đã làm gián đoạn dự án suốt 13 năm dài. Đến ngày 27/04/2022, đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mới được đưa vào sử dụng.

13 năm chậm trễ, khiến khu vực miền Tây Nam Bộ tụt hậu so với mặt bằng chung của các khu vực khác trong cả nước. Một ví dụ dễ nhận thấy về tầm quan trọng của cao tốc, là trong khi Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng rút ngắn đường từ thành phố lớn của Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180km còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ, thì người dân hay doanh nghiệp di chuyển bằng ô tô từ trung tâm tỉnh Cà Mau về TP Cần Thơ (150km) mất đến 3,5 giờ đồng hồ và đến TP Hồ Chí Minh (gần 300km) mất gần 7 giờ đồng hồ.

Điều đó giải thích tại sao dù có rất nhiều lợi thế về tài nguyên đất (diện tích tự nhiên khu vực: 4 triệu km2, chiếm đến 13% diện tích Việt Nam), nước, cây trồng, nông sản, thủy sản, năng lượng…, bên cạnh tài nguyên con người (gần 18 triệu người, chiếm 19% dân số Việt Nam), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không thể bứt phá, khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 27,2%, so với trung bình cả nước là 40,5%; GDP chỉ chiếm 12,08%, thu nhập bình quân đầu người là 53,98 triệu đồng/người so với 80,21 triệu đồng/người, là số liệu bình quân chung của cả nước.

Ai cũng biết để giải bài toán phát triển, hạ tầng phải là yếu tố được cân nhắc đầu tiên. Không có giao thông thuận lợi, cụ thể là cao tốc, sức hấp dẫn của các địa phương Tây Nam Bộ bị hạn chế trong mắt các nhà đầu tư khá nhiều. Một dẫn chứng đáng buồn là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…đến tận bây giờ cũng chỉ thực thi “công nghiệp hóa” nền kinh tế tỉnh bằng một số cụm công nghiệp nhỏ, dù tài nguyên để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn đem lại giá trị cao không thiếu..

Lúc này, bài học từ việc tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối cao tốc của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh sẽ rất hữu ích với tình hình thực tế ở khu vực Tây Nam Bộ. Chỉ bằng 7 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo hình thức PPP thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc, mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Với phát biểu đầy quyết tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, xem ra 8 dự án đang thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, ở khu vực Tây Nam Bộ sẽ luôn được Chính phủ theo dõi sát sao thời gian tới. Từ câu chuyện dám nghĩ dám làm của chính quyền Quảng Ninh, hy vọng các chính quyền địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ chủ động, linh hoạt trong các khâu điều hành, hợp tác, làm cho được chỉ thị của Thủ tướng, để đưa thịnh vượng về với địa phương mình.

Đã đến lúc, sự đứt gãy giao thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của 13 tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ cần phải được chấn chỉnh quyết liệt, để giảm áp lực xã hội cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo nguồn lực mới, giúp quy mô và sức mạnh của vùng kinh tế phía Nam được nâng lên.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều