+
Aa
-
like
comment

Chỉ vì tin lời đồn, một bệnh nhân ngộ độc nặng vì uống 15 viên thuốc sốt rét để ‘phòng corona’

Thành Nhân - 22/03/2020 12:44

Nam bệnh nhân 44 tuổi đã uống khoảng 15 viên thuốc trị sốt rét để ‘phòng COVID-19’ theo thông tin trên mạng, kết quả là phải vào viện rửa ruột vì ngộ độc, tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ…

Việt Nam đã điều trị thành công COVID-19, người dân cần tin tưởng bác sĩ và không nên hoang mang tự mua thuốc khi chưa có chỉ định.

Thông tin từ bệnh viện điều trị ban đầu cho biết nam bệnh nhân 44 tuổi đã uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để “dự phòng corona” do nghe theo mách bảo trên mạng Internet.

Ngay sau khi uống, bệnh nhân có những dấu hiệu ngộ độc như tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ban đầu, rửa ruột và sử dụng than hoạt tính. Ngay sau khi bệnh nhân ổn định, gia đình chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là ca ngộ độc thuốc sốt rét do uống để “dự phòng COVID-19” đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận trong mùa dịch này. Tuy nhiên trên mạng vẫn đang có nhiều người đồn đại về tác dụng dự phòng của thuốc sốt rét với COVID-19, trong đó có những “hướng dẫn” như nếu là nhóm F1, F2 (tức là người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc) thì có thể uống thuốc này 1 viên 1 tuần để dự phòng.

Tuy nhiên trên trang cá nhân, hôm nay 22-3 ông Nguyễn Lân Hiếu – giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội và đồng nghiệp là dược sĩ Hà Quang Tuyến cảnh báo thuốc trị sốt rét (hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine) có nhiều tác dụng phụ, tuyệt đối không nên tích trữ và sử dụng để dự phòng COVID-19.

“Thuốc đang được dùng điều trị sốt rét, lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp dạng thấp, nhưng dù vậy thuốc vẫn có nhiều tác dụng phụ như phù, rối loạn màu sắc, teo điểm vàng, mất phản xạ hố võng mạc, ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, những triệu chứng này có thể xảy ra ngay cả khi đã dừng thuốc”, ông Hiếu cảnh báo.

Ngộ độc nặng vì uống 15 viên thuốc sốt rét để phòng corona - Ảnh 1.
Thuốc trị sốt rét do Việt Nam sản xuất, giá ngoài thị trường đã tăng hơn gấp đôi do nhiều người tìm mua để… dự phòng COVID-19 – Ảnh: THUÝ ANH

Bác sĩ Hiếu cũng cho hay thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch, máu, nguy cơ xấu nhất là có thể đột tử.

“Có tín hiệu cho thấy có thể sử dụng thuốc này điều trị COVID-19, nhưng mới chứng minh được ở quy mô phòng thí nghiệm, muốn đưa ra cộng đồng cần những quy trình khắt khe. Việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ kê đơn, hướng dẫn, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đều chưa có hướng dẫn xung quanh việc sử dụng thuốc này trong dự phòng, điều trị COVID-19”, ông Hiếu cho biết.

Khoảng 1 tuần qua, do tin đồn có thể dùng thuốc trị sốt rét dự phòng COVID-19, đã có rất nhiều người tìm mua thuốc này khiến giá cả bị đẩy cao, trong khi đây là tin đồn thất thiệt, dùng thuốc tùy tiện có thể ảnh hưởng tới tính mạng người sử dụng.

Thực chất về loại thuốc mà người dân đang đổ xô tìm mua để phòng trị COVID-19

Vừa qua, sau khi truyền thông đưa tin về việc một số quốc gia trên thế giới có nghiên cứu về thuốc điều trị COVID-19, trong đó có sử dụng chloroquine hoặc hydroxychloroquin… đã dẫn đến hiện tượng một số người dân đổ xô tìm mua về tích trữ dẫn đến việc tăng giá thuốc, khan hiếm hàng. Vậy thực chất đây là thuốc gì? Chúng đã được công nhận trong dùng trị COVID-19 chưa?

Bên cạnh việc điều trị thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Cụ thể: Do gây lắng đọng thuốc ở giác mạc, nên có thể gặp các triệu chứng như rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gian, suy thận.

Ngoài ra người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích (mặc dù hiếm gặp, và chỉ gặp nếu dùng liều rất cao). Thuốc cũng có thể gây tan máu (thiếu G6PD), hạ bạch cầu.

Lưu ý rằng, ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hoá nhẹ, chán ăn, nhức đầu. Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hoá nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, thiếu máu tan máu.

Những ai không được dùng thuốc?

Đây là thuốc kê đơn và có chỉ định chặt chẽ khi dùng. Tuyệt đối không dùng hydroxychloroquin và chloroquin cho các bệnh nhân có tiền sử bệnh võng mạc; người nhạy cảm với các thành phần của thuốc hoặc đang điều trị các liệu pháp ức chế tủy xương.

Đối với một số bệnh nhân có các bệnh lý khác đi kèm, thầy thuốc buộc phải cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ khi sử dụng cho những người có bệnh nền như: Suy thận, bệnh gan, bệnh máu, thiếu G6PD, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh tâm thần, vảy nến.

Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nỗ lực để tìm ra phương thuốc hiệu quả điều trị COVID-19

Khuyến cáo của thày thuốc

Việc người dân đổ xô tìm mua thuốc này về dùng khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây nguy hiểm. Vì, cho đến nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được hoàn toàn công nhận là đặc hiệu với COVID-19. Thông tin về tác dụng chữa COVID-19 của hai thuốc này mới chỉ là thông tin sơ bộ về kết quả nghiên cứu bước đầu, trên quy mô nhỏ và vẫn đang tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thêm. Hydroxychloroquine vẫn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế công nhận và chính thức đưa vào phác đồ điều trị và khuyến cáo sử dụng.

Cho dù khi thuốc này được công nhận và được khuyến cáo sử dụng trong điều trị COVID-19, thì cũng chỉ được sử dụng khi bác sĩ chỉ định và có liều lượng sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả đối với từng trường hợp bệnh nhân. Vì vậy, nếu người dân có sẵn thuốc này thì cũng không được tự ý dùng được. Vì có thuốc trong tay mà dùng không đúng, bệnh không khỏi mà còn gặp bất lợi do thuốc, nguy cơ khó lường.

Do đó tuyệt đối không nên tích trữ thuốc, tránh tạo tình trạng khan hiếm hàng, đội giá. Trong khi dù có tích trữ thuốc cũng không dùng được. Khi thuốc quá hạn phải vứt bỏ sẽ gây lãng phí tiền của và gây ảnh hưởng môi trường, vì đây là những thuốc có nguồn gốc tổng hợp hóa học và có độc tính.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều