+
Aa
-
like
comment

Chỉ vì 1.400 USD “tài trợ” từ nước ngoài, 8 kẻ đã bị “ nhập kho”

05/08/2020 07:03

Vâng đúng như thế! Chỉ vì 1.400 USD mà có đến 8 người – của một nhóm chống phá chế độ, Nhà nước đã bị vào tù. 8 kẻ trong nhóm này có cái tên nghe rất kêu – đó là “Nhóm Hiến Pháp” (HP theo cách tự gọi của họ). Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, nhóm HP đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình gây rối tại trung tâm quận 1, TP.HCM từ năm 2018.

Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, được cho là 1 trong 2 đối tượng chủ mưu trong vụ phá rối an ninh

Chuyện là, sáng ngày 31/7/2020, 8 bị cáo của nhóm HP đã được đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân Tối cao – 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

8 người trong nhóm này bao gồm: Nguyễn Thị Ngọc Hạnh; Hoàng Thị Thu Vang; Đỗ Thế Hoá; Hồ Đình Cương; Lê Quý Lộc; Ngô Văn Dũng; Trần Thanh Phương; Đoàn Thị Hồng.

Những kẻ phạm tội đã thừa nhận: “thường “chia sẻ” với nhau nhiều thông tin xuyên tạc chế độ, vu cáo cán bộ, công chức nhà nước”. Chẳng hạn Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã thừa nhận: “đã tổ chức nhiều cuộc họp với các thành viên để bàn bạc kế hoạch hành động; trực tiếp phát 81 video trên internet kêu gọi người dân xuống đường, đặc biệt là tham gia cuộc tổng biểu tình vào ngày 4/9/2018”. Tám bị cáo của nhóm HP sống ở nhiều nơi nhưng chúng đã kết nối, trao đổi ý tưởng chống chế độ thường xuyên qua livetreams và các bài viết trên Facebook. Chúng cho rằng trong các hoạt động của mình, cán bộ, công chức nhà nước chỉ “Gây thiệt hại cho người dân”. Trước Tòa họ nói: Họ đã “tự nguyện” phổ biến Hiến pháp và luật pháp (Tất nhiên là theo cách hiểu – xuyên tạc, bóp méo của mình) trên mạng xã hội.

Không dừng ở cái gọi là “phổ biến Hiến pháp”, nhóm này còn chuẩn bị hung khí để chống cán bộ, công chức thi hành công vụ. Chính Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thừa nhận “đã phân phát 66 cây roi điện “tự chế” cho các thành viên tham gia của nhóm. Nhưng thực tế cho thấy số vũ khí này do các tổ chức nước ngoài tài trợ”.

Tòa tuyên hơn 40 năm tù giam đối với 8 thành viên nhóm Hiến Pháp

Chưa hết, nhóm HP thừa nhận nhiều tổ chức chống Việt Nam ở nước ngoài đã hứa sẽ tài trợ kinh phí cho nhóm, nếu tổ chức được các cuộc biểu tình chống Nhà nước… Cho đến khi bị bắt, các bị cáo thừa nhận đã nhận số tiền tài trợ của các đối tượng chống đối Nhà nước ở nước ngoài nhiều lần: Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận tổng cộng 400 USD, Hồ Đình Cương nhận tổng cộng 800 USD, Trần Thanh Phương nhận tổng cộng 200 USD… Tất cả “mới chỉ” có 1.400USD (!)…”

Về vụ việc này, sau nhiều buổi xét xử, có luật sư bảo vệ, ngày 31/7, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 8 năm tù; Hoàng Thị Thu Vang 7 năm tù; 3 bị cáo Đỗ Thế Hóa, Ngô Văn Dũng, Lê Quý Lộc 5 năm tù. Hồ Đình Cương lãnh 4 năm 6 tháng tù, Trần Thanh Phương 3 năm 6 tháng tù, Đoàn Thi Hồng lãnh 2 năm 6 tháng tù.

Về vụ án nói trên, tôi có mấy lời chia sẻ như sau:

– Về tổ chức: các thế lực thù địch thường quan tâm tìm kiếm, kết nối với các tổ chức, nhóm chống phá ở trong nước. Thế giới ảo – internet, mạng xã hội là một địa chỉ hoạt động của những tổ chức chống phá hiện nay. Vì đây là địa bàn hoạt động chống chế độ dưới vỏ bọc quyền tự do ngôn luận. Đồng thời đây cũng là địa chỉ để chúng tìm gặp nhau dễ dàng.

– Về Nội dung, hoạt động chống phá: Những kẻ “bất đồng chính kiến” thường tập trung vào việc xuyên tạc chính sách, pháp luật… vào những mặt trái của xã hội từ đó bôi nhọ bản chất của chế độ, của Đảng và Nhà nước. Như mọi người đều biết, những mặt trái của xã hội thì ở đâu, thời kỳ lịch sử nào chẳng có, cho nên chúng không khó gì khi viết, nói về những hạn chế của xã hội ta.

– Về phương thức “lách luật”: thực tế cho thấy, bọn chúng thường dựa trên logic hợp pháp. Chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận trên báo chí, quyền sử dụng internet, mạng xã hội… theo Hiến pháp và pháp luật…

Xét xử 8 thành viên nhóm kín “Hiến Pháp” tội phá rối an ninh

Để kết luận, tôi có mấy bình luận:

– Trận chiến trong việc bảo vệ chế độ Nhà nước hiện nay chủ yếu trên thế giới ảo, internet, mạng xã hội. Trên trận địa này, mỗi người dân, người yêu nước đều cần và có thể là một chiến sỹ. Nếu như trên internet, mạng xã hội, những thông tin xuyên tạc, sai trái của những kẻ chống phá bị bác bỏ thẳng thừng; những kẻ đưa thông tin bị vạch mặt,… thì chắc chắn các thế lực sẽ bó tay.

– Tiền bạc là quý vì nó nuôi sống con người, nhưng giá trị của tiền bạc còn ở mặt khác. Thiết nghĩ mỗi người cần tự hỏi: Tiền bạc nào đó vì sao lại đến mình? Nếu không phải do lao động thì cần những kẻ bỏ ra đồng tiền đó vì mục đích gì? Mỗi người phải xem lại giá trị của những đồng tiền nào đó đến tay mình ra sao?

– Cuối cùng, mỗi người có thể và nên tôn trọng lịch sử, các giá trị truyền thống của dân tộc. Chế độ xã hội hiện nay là kết quả của không biết bao nhiêu hy sinh xương máu của các chiến sỹ. Nếu như chúng ta có điều gì đó chưa hài lòng với chế độ với chính sách pháp luật thì có thể tìm nhiều “kênh” để hỏi, chất vấn. Và trước hết hãy tự hỏi mình đã có đóng góp gì cho đất nước, chứ không phải đi với những kẻ chống phá tìm cách lật đổ chế độ. Hơn nữa, đây là điều không thể, vì chế độ này là do nhân dân tạo dựng nên, là một chế độ thuận theo nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Khổ Qua

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều