Chỉ trong tháng 5, một lĩnh vực “ngôi sao” giúp Việt Nam kiếm gần 3 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2023 đạt 54,08 tỷ USD, tăng 1,9% tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 28,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% (tương ứng tăng 176 triệu USD) và trị giá nhập khẩu là 26,04 tỷ USD, tăng 3,3% (tương ứng tăng 827 triệu USD).
Lũy kế 5 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 260,79 tỷ USD, giảm 15,3% tương ứng giảm 47,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 135,22 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 18,88 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 125,57 tỷ USD, giảm 18,4% (tương ứng giảm 28,29 tỷ USD).
Trong tháng 5/2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Tính trong 5 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 9,65 tỷ USD.
Trong 5 tháng năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Á là 169,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 64,9% trong tất cả các châu lục và giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ với 52,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3%, giảm 18,9%; châu Âu là 29,29 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,2%, giảm 10,2%; châu Đại Dương với 6,25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,4%, giảm 10,6%; châu Phi với 3,19 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,2%, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hàng hóa trong tháng 5/2023 là 28,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% (tương ứng tăng 176 triệu USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá tăng mạnh nhất là các nhóm hàng như hàng dệt may tăng 376 triệu USD, hàng rau quả tăng 265 triệu USD, sắt thép các loại tăng 118 triệu USD, dầu thô tăng 98 triệu USD và hàng thủy sản tăng 66 triệu USD so với tháng trước.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng xuất khẩu có mức trị giá trong tháng 5/2023 lại giảm mạnh như điện thoại các loại và linh kiện giảm 932 triệu USD; gạo giảm 155 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 37 triệu USD.
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng/2023 là 135,22 tỷ USD, giảm 12,3%. Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong 5 tháng/2023 giảm tới 18,88 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 5/2023 đạt 2,92 tỷ USD, giảm 24,2% so với tháng trước, nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng năm 2023 lên 20,19 tỷ USD, giảm 19,9%, tương ứng giảm tới 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng/2023, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc là 4,74 tỷ USD, giảm 15,4%; Hoa Kỳ là 3,6 tỷ USD, giảm 34,3%; EU (27 nước) là 2,98 tỷ USD, tăng 9,7%; Hàn Quốc là 1,3 tỷ USD, giảm 46,9%… so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 do Bộ Công thương công bố, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của Việt Nam trong năm 2022 đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Về linh kiện, phụ kiện điện thoại, số liệu báo cáo chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 đạt trên 24,67 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu các loại linh kiện khác chiếm tỷ trọng chủ yếu với kim ngạch hơn 20 tỷ USD, chiếm 98%, xuất khẩu linh kiện của các hãng Samsung, LG, Asus, Iphone chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Xét theo thị trường xuất khẩu, năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng điện thoại và linh kiện là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, khối EU, Hàn Quốc, UAE, Hồng Kông (Trung Quốc).
Bích Vân