+
Aa
-
like
comment

“Chỉ trích” không có nghĩa là được đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật

An Diễm - 17/11/2021 20:32

Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an Cần Thơ đã chỉ ra một số loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật đang có những diễn biến phức tạp và cho biết sẽ tăng cường xử lý. Trong số đó, có hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật nhằm chống phá Nhà nước và chế độ. Cái loa RFA vội vã lên tiếng, vu vạ ngay cho phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận là xử lý những người “chỉ trích Nhà nước”.

Rõ ràng, “chỉ trích” khác hoàn toàn với “bịa đặt thông tin sai sự thật nhằm chống phá Nhà nước”. Luật pháp Việt Nam không hề có quy định nào xử lý những người “chỉ trích”, mà chỉ có chế tài liên quan đến các đối tượng ngụy tạo thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho xã hội. Cụ thể, Mục 3, 4, 5 Điều 16 Luật an ninh mạng 2018 có ghi rõ các hành vi bị cấm bao gồm “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.” hoặc “gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ”.

Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Trong số đó có nhiều quốc gia ban hành các điều khoản khá tương đồng với Luật ninh mạng Việt Nam. Cụ thể, trong luật an ninh mạng mới của Đức ban hành năm 2015 có những điều khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội. Luật Tội phạm máy tính của Thái Lan ban hành năm 2016 quy định mức phạt tới 5 năm tù đối với những người đăng tải những thông tin sai lên hệ thống máy tính nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sự ổn định kinh tế quốc dân hay hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang. Luật An ninh mạng của Australia ban hành năm 2016 cho phép cơ quan chức năng nước này được tiếp cận thông tin liên lạc được mã hoá của các đối tượng nghi là khủng bố và tội phạm.

Dù cách gọi có khác nhau, thì hành vi “bịa đặt thông tin sai sự thật nhằm chống phá Nhà nước” cũng chính là “thông điệp của những kẻ khủng bố và tội phạm có tổ chức”. Trong thế giới mạng bao la, cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước chắc chắn phải làm việc rất kỹ lưỡng để lọc ra hành vi nào là bình thường, hành vi nào là có ý đồ nhằm mục đích phá hoại. Mạng tuy là ảo nhưng hành vi, ý đồ, và hậu quả là thật. RFA và các thế lực phản động luôn lợi dung các mác “chơi mạng” để khoác cái áo “chỉ trích, phản biện” bên ngoài các thông điệp công kích, sặc mùi thù địch của chúng. Một số người có thể nhầm mà vội tin theo những lời bịa đặt của RFA, nhưng cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước, những người chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự trị an xã hội thì không bao giờ nhầm, và vai trò của họ luôn luôn được tin tưởng, đề cao.

Với việc ngày càng nhiều quốc gia ban hành luật an ninh mạng, có thể thấy việc sử dụng và phát ngôn trên không gian mạng ngày càng được chú trọng quản lý. Người dùng mạng bình thường sẽ phải thận trọng khi phát ngôn hay chia sẻ những thông điệp nhạy cảm, còn các đối tượng có ý đồ xấu cũng không thể tự tung tự tác được nữa. Trò lươn lẹo đánh đồng khái niệm “chỉ trích, phản biện” với “bịa đặt thông tin vì ý đồ xấu” của RFA vì vậy không còn lừa bịp được ai. Từ nay, chúng sẽ mất đi một “công cụ” hữu hiệu phục vụ cho mục đích kích động gây chia rẽ, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức Nhà nước.

An Diễm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều