+
Aa
-
like
comment

Chi tiền hỗ trợ: Sao phải chờ có đơn mới cấp?

28/04/2020 10:16

Ngày 24-4, Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hàng triệu người đang mong sớm nhận được tiền hỗ trợ lúc khó khăn này. Nhưng…

Chi tiền hỗ trợ: Sao phải chờ có đơn? - Ảnh 1.
Cô giáo mầm non tư thục Thúy Ái trở thành cô bán bánh mì, bánh ướt buổi sáng, bánh tráng trộn buổi chiều; anh tài xế trở thành người ship đồ ăn cho vợ quanh khu chung cư mà họ thuê nhà – Ảnh: TỰ TRUNG

Sau quyết định này, rất nhiều người đang mong sớm nhận được tiền. Trong những lý do tiền chậm đến tay người khó, có lý do là… chờ những lá đơn.

Chậm vì thủ tục phải có đơn

Theo đó, để nhận được mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với khoảng thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020, người lao động phải thỏa hai điều kiện: có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và phải đang tham gia BHXH bắt buộc.

Theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ đề nghị được hỗ trợ của người lao động gồm: đơn đề nghị, bản sao hợp đồng lao động, văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương, danh sách người lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương do người sử dụng lao động lập, có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở và cơ quan BHXH, bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện tối đa cho người lao động, nhiều địa phương đã “uyển chuyển”, cho phép người lao động chỉ cần làm đơn đề nghị. Các thủ tục còn lại sẽ do chủ doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH… chịu trách nhiệm.

Tại sao phải cần người lao động viết đơn? Nếu bản thân người lao động đã thỏa các điều kiện để được hưởng trợ cấp (và chủ doanh nghiệp hoàn thành phần thủ tục của mình) thì xem như đương nhiên là người lao động được nhận trợ cấp. Ngược lại, nếu người lao động không đủ điều kiện, hoặc các thủ tục còn lại không được hoàn thành thì dù người lao động có viết bao nhiêu tờ đơn đi nữa cũng không có giá trị.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, nếu quy trình suôn sẻ thì từ lúc người lao động gửi đề nghị, tối đa trong 10 ngày làm việc họ sẽ được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, trong mỗi doanh nghiệp không chỉ có một lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp có đến hàng ngàn lao động thuộc diện được hưởng trợ cấp thì phải mất bao lâu doanh nghiệp và cơ quan chức năng mới tập hợp đủ danh sách nếu nhất thiết phải chờ cho đủ những lá đơn?

Làm lá đơn tưởng như thủ tục đầu tiên quen kiểu lâu nay, trong thủ tục nhận trợ cấp này lá đơn làm chậm quy trình thủ tục nhận trợ cấp của cả tập thể. Thực tế, khi doanh nghiệp tạm nghỉ, nhiều người lao động đã về quê và việc đi lại mùa dịch để an toàn khá khó khăn. Còn đơn gửi qua đường bưu điện có thể thất lạc, chậm trễ…

Để tiền hỗ trợ đến nhanh hơn

Trong những ngày qua, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã tung ra các gói an sinh xã hội “khủng” để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mọi người cứ việc ở yên trong nhà, tiền sẽ tự động chuyển vào tài khoản, mọi chuyện đã có các cơ quan nhà nước lo.

Đành rằng trình độ của chúng ta chưa bằng các nước tiên tiến. Để mọi người dân nằm trong diện hỗ trợ đều nhận được tiền, các cơ quan hữu quan còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở ở thời điểm này phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để lập danh sách, rồi còn xác minh, công khai hóa…

Lập danh sách lao động tự do vướng khó đã đành và thực tế hầu hết các tỉnh thành đều chưa thể đẩy nhanh việc này. Vậy còn với những người thuộc diện có đóng BHXH dễ dàng hơn, theo danh sách, sao phải chờ đơn để rồi chậm thủ tục? Tiền trợ cấp là quyền lợi họ được hưởng theo quy định và việc cần là làm sao để tiền đến tay họ nhanh nhất. Với đối tượng này có cần phải chờ đơn?

Có chuyên gia nói rằng, dỡ bỏ cách ly xã hội chính là gói kích thích lớn nhất dành cho nền kinh tế vốn đang bị trì trệ vì dịch Covid-19. Nếu vậy, cần phải thấy rằng gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ sẽ là gói kích thích kinh tế quan trọng không kém bởi số tiền đó sẽ giúp tăng chi tiêu xã hội, tạo đà cho sản xuất kinh doanh trong nước sớm phục hồi.

Vì vậy, số tiền này phải được đưa đến tận tay người dân càng sớm càng tốt. Do đó, trong bộ thủ tục chi trả trợ cấp nên bỏ khâu yêu cầu người lao động phải viết đơn.

Cá nhân được hưởng hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ gồm:

* Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương một tháng liên tục trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 30-6-2020.

* Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

* Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

VĂN LỢI/TT

Bài mới
Đọc nhiều