+
Aa
-
like
comment

Chi phí điều trị gấp 100 lần, bệnh nhân Mỹ liên lạc 169 bệnh viện vẫn không tìm được chỗ chữa

Tùng Anh - 26/09/2021 09:07

Vài tuần trước, ông Robby Walker, sống ở Florida (Mỹ), phải thở máy do căn bệnh Covid-19 đã tấn công cả hai lá phổi của ông. Giống như hầu hết những người Mỹ nhập viện vì Covid-19, ông Robby chưa tiêm vắc xin Covid-19.

“Anh ấy đang rất cần được điều trị bằng ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng bệnh viện nơi anh ấy đang điều trị không có sẵn”, vợ ông, Susan Walker, chia sẻ vào tháng 8.

ECMO được sử dụng cho bệnh nhân cấy ghép nội tạng, đau tim và nhiễm Covid-19 nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tất cả các thiết bị đều đã có người dùng nên gia đình ông Robby phải ráo riết tìm kiếm nơi còn ECMO.

Ông Robby được đưa từ Florida tới Bệnh viện St. Francis ở Connecticut.

Virus lan nhanh như cháy rừng

Không ai biết chính xác Robby Walker bị nhiễm bệnh khi nào và ở đâu.

“Chúng tôi tin rằng chuyện đó đã xảy ra vào Ngày Độc Lập 4/7 của Mỹ”, bà Susan nói. Trong dịp này, gia đình tổ chức đi chơi, đi ăn ở nhà hàng và có người thân, bạn bè tới nhà chơi.

Nhưng không ai trong gia đình được tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Bà Susan từng nhiễm Covid-19 vào tháng 12/2020 nên nghĩ rằng miễn dịch tự nhiên sẽ bảo vệ bà.

Những người khác trong gia đình lo lắng về nguy cơ bị các tác dụng phụ lâu dài do vắc xin. Họ cảm thấy đã an toàn vì nhiều cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại.

Trong vòng vài ngày, ông Robby bị sốt và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau đó, 11 thành viên khác trong gia đình và bạn bè đã đi du ngoạn trên thuyền. Tất cả đều bị nhiễm bệnh.

“Bệnh lan rộng như cháy rừng” bà Susan nói.

Cơn sốt của ông Robby đã tiến triển thành viêm phổi. Ông được đưa đến phòng cấp cứu.

Vào ngày 25/7, ông Robby gọi điện cho vợ từ giường bệnh và thông báo đã ký giấy tờ để được đặt nội khí quản.

“Anh ấy đã khóc và nói với tôi, anh ấy đã hối hận như thế nào khi không tiêm vắc xin. Anh ấy cầu xin tôi đi tiêm phòng”, bà Susan nhớ lại lý do bà quyết định đi chủng ngừa.

Gọi điện tới 169 bệnh viện

Mười ngày sau khi ông Robby được đặt nội khí quản, một bác sĩ nói với bà Susan rằng chồng bà đang nguy kịch.

“Khi họ nói với tôi rằng anh ấy khó qua khỏi, tôi không chấp nhận điều đó”, người vợ nhớ lại.

Do số bệnh nhân tăng đột biến, danh sách chờ ghép phổi rất dài. Một lựa chọn khác là sử dụng ECMO. Nhưng các bệnh viện ở Florida đang quá tải nên không có sẵn thiết bị cho ông Robby.

Vì vậy, gia đình đã lên một danh sách các bệnh viện để hỏi xem còn máy ECMO không. Họ đã gọi đến 169 cơ sở y tế nhưng không nơi nào tiếp nhận Robby.

Sau những ngày kiệt sức vì gọi điện, bà Susan đã xuất hiện trên truyền hình, chia sẻ về câu chuyện của chồng. Một bác sĩ ở bang Connecticut đã xem và nghĩ ra một ý tưởng.

Hành trình 1.900 km

Tiến sĩ Robert Gallagher là Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch tại Trung tâm Trinity Health. Ông quyết định nhận bệnh nhân Robby Walker vào cơ sở y tế của mình.

Nhưng hành trình từ Florida đến Connecticut thật gian nan. Robby được đặt nội khí quản và đưa lên chuyến bay y tế có trang thiết bị đặc biệt.

Bà Susan không được phép bay cùng chồng, Vì vậy, bà, mẹ chồng và con gái cả đã lái xe 22 giờ đến Connecticut, hy vọng ông Robby vẫn còn sống khi họ đến đó.

Robby vượt qua hành trình dài 1.900 km và bắt đầu điều trị bằng ECMO tại Bệnh viện St. Francis ở Hartford.

Ông Robby đã phải dùng ECMO trong 22 ngày. Ngày 2/9, tim phổi của ông đã có thể hoạt động trở lại. Ông sụt hơn 22 kg kể từ nhiễm Covid-19.

Người đàn ông có 6 con xúc động khi kể về Susan và các thành viên khác trong gia đình đã nỗ lực như thế nào để tìm kiếm sự chăm sóc cứu sống ông.

“Tôi không thể tự hào hơn về vợ mình. Cô ấy là anh hùng của tôi”, ông Robby chia sẻ.

Ông Robby cũng biết ơn bác sĩ Gallagher và các đồng nghiệp đã giúp ông có thể hồi phục.

Chi phí điều trị gấp 100 lần vì thuốc chữa Covid-19

Lanson Jones, một vận động viên quần vợt tại Houston, chưa từng nghĩ minh sẽ mắc Covid-19. Không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch, ông từ chối tiêm vaccine vì nghĩ nó không tốt cho sức khỏe.

Song sau khi nhiễm virus, ông mất niềm tin vào khả năng tự miễn dịch của bản thân. Mũi tắc nghẽn, mất cảm giác thèm ăn, Jones bắt đầu tìm kiếm mọi hình thức điều trị để vượt qua căn bệnh ác mộng.

Ông tìm đến phương pháp kháng thể đơn dòng, loại thuốc lâu đời có tính thử nghiệm tương tự vaccine, dành cho người đã nhiễm bệnh. Tại Bệnh viện Giám lý Houston vào tháng này, người đàn ông 65 tuổi trở thành một trong hơn một triệu bệnh nhân tại Mỹ được truyền kháng thể, kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bệnh nhân được truyền kháng thể đơn dòng tại Houston Methodist, tháng 9/2021. Ảnh: NY Times
Bệnh nhân được truyền kháng thể đơn dòng tại Houston Methodist, tháng 9/2021.

Những người Mỹ còn hoài nghi vaccine tỏ ra nhiệt tình với liệu pháp, kiên nhẫn truyền dịch trong thời gian dài, sau khi từ chối tiêm chủng có giá thấp hơn 100 lần. Điều này khiến bác sĩ kinh ngạc. Các đơn thuốc bùng nổ nhanh chóng vào mùa hè, lên đến hơn 168.000 liều mỗi tuần vào cuối tháng 8, tăng từ 27.000 liều vào tháng 7. Chính quyền Joe Biden thậm chí cảnh báo các bang vì nguồn cung quốc gia đang giảm dần.

Giữa cơn bão tin giả của hội nhóm chống vaccine, kháng thể đơn dòng trở thành loại thuốc Covid-19 hiếm hoi được chấp nhận rộng rãi. Nó được quảng bá bởi cả bác sĩ và MC truyền hình, song việc phụ thuộc quá nhiều vào liệu pháp kháng thể khiến số người chết tăng cao, lên hơn 2.000 mỗi ngày.

“Những người bạn yêu thương, tin tưởng, không nói bất cứ thứ gì tiêu cực về nó (liệu pháp kháng thể). Trong khi xung quanh vaccine chỉ toàn điều tiêu cực về tác dụng phụ và tốc độ phát triển nhanh chóng”, ông Jones nói.

Các nhà khoa học cho rằng nâng cao tỷ lệ tiêm chủng sẽ làm giảm nhu cầu điều trị bằng kháng thể, vốn tốn kém (2.100 USD một liều) ngay từ đầu. Quá trình truyền dịch mất khoảng một tiếng rưỡi, bao gồm cả thời gian theo dõi sau đó. Người bệnh cũng cần có y tá túc trực, trong khi đột ngũ y tế đã chịu nhiều áp lực.

Tiến sĩ Christian Ramers, chuyên gia bệnh truyền nhiễm kiêm trưởng bộ phận y tế dân số tại Trung tâm Sức khỏe Gia đình San Diego, cho biết: “Nó làm tắc nghẽn nguồn lực. Một số loại vaccine 20 USD có thể ngăn ngừa gần như tất cả điều này”. Ông cho rằng thúc đẩy biện pháp kháng thể trong khi bài xích vaccine “giống như đầu tư bảo hiểm ôtô mà không lắp phanh”.

Dù vậy, kháng thể đơn dòng vẫn là biện pháp hữu ích với những người đã mắc Covid-19. Thuốc từng được sử dụng cho cựu Tổng thống Donald Trump khi ông nhiễm virus vào cuối năm ngoái. Kháng thể do hãng Regeneron và Eli Lilly phát triển đã được chứng minh là làm giảm 70% triệu chứng và nguy cơ nhập viện. Người bệnh chỉ cần truyền dịch một lần, thuốc chứa các bản sao kháng thể chống lại nCoV được tạo ra trong phòng thí nghiệm, tương tự miễn dịch tự nhiên của con người.

Cả bác sĩ và bệnh nhân đều không chú ý đến phương pháp này trong mùa đông năm ngoái. Song nhiều bệnh viện và trung tâm y tế hiện đã tăng cường cung cấp dịch vụ, biến phòng nha khoa, khu điều trị lưu động thành trung tâm truyền dịch. Ở những bang như Texas, các ca phẫu thuật không khẩn cấp bị hoãn lại, nhường chỗ và nguồn nhân lực cho bệnh nhân Covid-19 truyền kháng thể.

Một yếu tố thúc đẩy nhu cầu bệnh nhân, gồm cả người không tin tưởng vaccine, là những câu chuyện truyền miệng về khả năng phục hồi kỳ diệu sau điều trị.

“Người bệnh bảo ‘Tôi bị Covid-19, tôi muốn điều trị bằng cách này, tôi đã được bạn bè và người thân mách cho’. Giờ thì mọi thứ lan truyền chóng mặt”, Jennifer Berry, giám đốc điều dưỡng của Houston Methodist, cho biết.

Tại đây, các y tá thực hiện gần 1.100 lần điều trị trên 8 địa điểm trong tuần đầu tháng 9, nhiều hơn gấp đôi so với mùa đông năm ngoái. Bệnh viện giảm thời gian trung bình giữa các lần đặt thuốc và truyền dịch từ ba ngày xuống còn hai ngày trong tháng này, giúp bệnh nhân chống nhiễm trùng tốt hơn. Do đón quá nhiều bệnh nhân nặng, một bệnh viện đã phải chuyển phòng truyền kháng thể đơn dòng đến trung tâm thương mại.

Dù vậy, nhiều người vẫn không thể tiếp cận điều trị. Do yêu cầu nhân viên và địa điểm, liệu pháp không thể tiến hành tại một số khu vực, chẳng hạn vùng nông thôn thiếu thốn phòng khám chuyên biệt.

Theo tiến sĩ Ramers, tại San Diego, một số bệnh viện lớn đã quyết định không sử dụng kháng thể đơn dòng vì phức tạp hậu cần. Những bệnh nhân giàu có, bảo hiểm loại tốt đã săn lùng liệu pháp tại các phòng khám được công quỹ tài trợ. Một số y tá được tiến sĩ Ramers thuê để giám sát điều trị kháng thể đã nghỉ việc để chuyển sang vị trí được trả lương cao hơn ở khu hồi sức tích cực đang quá tải.

Trong số 2,4 triệu liều kháng thể đơn dòng phân phối ra toàn quốc, ít nhất 1,1 triệu liều đã được sử dụng. Khó có thể xác định lượng thuốc còn trên kệ vì báo cáo chưa đầy đủ. Song nguồn cung liên bang dần khan hiếm do nhu cầu tăng vọt từ một số bang miền Nam, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bệnh viện ở Bắc Carolina cần khoảng 15.000 liều kháng thể mỗi tuần, theo cơ quan y tế, nhiều gấp đôi so với lượng hàng do chính phủ liên bang phân bổ. Các phòng khám ở Florida thiếu khoảng 41.000 liều trong đợt hàng mới nhất.

Nhiều bác sĩ cảnh báo phương pháp kháng thể đơn thuần, dù hiệu quả, vẫn không thể theo kịp đợt bùng phát mới. Trong khi vaccine bảo vệ vô số người, một liều truyền dịch chỉ giúp điều trị cho một bệnh nhân. Liệu pháp phải được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ khi có triệu chứng, chúng vô ích với hầu hết các bệnh nhân nhập viện. Việc nhận kháng thể một lần cũng không còn hiệu quả nếu một người tái nhiễm nCoV.

Tùng Anh (Theo CNN, NY Times)

Bài mới
Đọc nhiều