+
Aa
-
like
comment

Chi phí chống dịch Covid-19 của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD

03/09/2020 22:34

Cho đến nay, tổng chi phí chống dịch Covid-19 của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD, là nước ngăn dịch hiệu quả và chống dịch tiết kiệm nhất.

Ngày 3/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Với diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới, thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch.

Thảo luận về chiến lược xét nghiệm trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết đến nay, với quy mô dân số gần 100 triệu người, tổng chi phí dành cho công tác chống dịch của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD. Chúng ta không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Đề cập đến mục tiêu kép thời gian tới là vừa tổ chức phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ban chỉ đạo cho rằng trước mắt phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia.

Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Theo ban chỉ đạo, tổng chi phí chống dịch của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD. Ảnh: VGP.

Các chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới là phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên.

Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thường trực Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh, tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime-PCR.

Các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phải dễ thao tác, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn Realtime-PCR hiện nay.

Hiện nay, 3 đơn vị tại Việt Nam đã nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hiện nay, 3 đơn vị tại Việt Nam đã nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho biết đơn vị đang triển khai phương án Realtime-LAMP – là kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cho phép phát hiện SARS-CoV-2 với độ đặc hiệu, độ nhạy tương đương với Realtime-PCR nhưng thời gian cho ra kết quả ngắn hơn nhiều.

Phương án tận dụng được các máy móc, thiết bị sẵn có của các trung tâm y tế dự phòng, có thể tăng năng lực xét nghiệm lên 9-12 lần; đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện… trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.

Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tích cực phối hợp với đối tác, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử nghiệm kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên theo công nghệ enzyme của Mỹ.

Đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển.

Xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh để dùng ở sân bay

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay.

Các chuyên gia đề xuất trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên để sử dụng tại các sân bay. Ảnh: Thanh Đức.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định trong tuần này sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau có báo cáo về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không.

Về các phương án sản xuất vaccine chống Covid-19, chuyên gia thống nhất trên tinh thần tự lực. Các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Hoài Vũ/ZN

Bài mới
Đọc nhiều