‘Chỉ ở trong nhà, tôi vẫn nhiễm Covid-19’
Ác mộng Covid-19 đang đe dọa cả bệnh nhân lẫn những con người khỏe mạnh ở Ấn Độ, khi số ca mắc mới và trường hợp tử vong vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Hôm 9/5, Taslima Nasreen, nhà văn người Bangladesh hiện sinh sống ở thành phố New Delhi (Ấn Độ), cho biết cô nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù gần như không ra khỏi nhà trong suốt một năm qua, theo Hindustan Times.
Chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter, Taslima cho hay kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở quốc gia Nam Á này, cô chỉ quanh quẩn trong nhà cùng với chú mèo cưng, nấu nướng và dọn dẹp. Nữ nhà văn hoàn toàn nói “không” với các hoạt động vui chơi bên ngoài.
Cô cũng không cho phép ai vào nhà mình. Hai tháng trước, cô ra ngoài trong khoảng 1 giờ để đi tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Tuy nhiên, Taslima mới nhận kết quả dương tính với Covid-19 hồi tuần trước. “Tôi không biết làm thế nào mà virus lại xâm nhập được vào cơ thể mình”, cô nói.
Trong bài đăng chia sẻ với người theo dõi, nữ nhà văn gọi việc bị mắc Covid-19 là trải nghiệm xui xẻo.
“Tuy nhiên, tôi đã có những tín hiệu hồi phục nhất định, có lẽ liều vaccine khi trước đã giúp tạo ra một số kháng thể. Tôi vẫn còn may mắn hơn hàng nghìn bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, thiếu máy thở, bình oxy”.
Taslima Nasreen là nữ nhà văn, tác giả sách nổi tiếng ở Ấn Độ. Sau khi bị đưa vào danh sách đen và bị trục xuất khỏi Bangladesh vì một số tác phẩm liên quan đến chính trị, cô sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1994.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (JHU), trong ngày 10/5, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 366.000 ca mắc và gần 3.800 ca tử vong do Covid-19. Cho đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 22,6 triệu ca mắc và hơn 246.000 ca tử vong do Covid-19.
Làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Ấn Độ vẫn đang tấn công tàn khốc vào các thành phố lớn và những bang đông dân của nước này. Số ca bệnh tăng đột biến đã khiến hệ thống y tế Ấn Độ bên bờ vực sụp đổ.
Bệnh viện hết giường, bình oxy và thuốc men. Khắp nơi trên đất nước này đang diễn ra những cảnh tượng tuyệt vọng. Các lò hỏa táng người chết liên tục hoạt động suốt ngày đêm để xử lý các thi thể chất đống. Chính quyền phải xử xác người nhiễm bệnh trong công viên, bãi đỗ xe, thậm chí cả vỉa hè.
Hiền Thy