Chỉ một động thái của Trung Quốc, giá thanh long, giá sầu riêng của Việt Nam đã tăng chóng mặt
Tại Lào Cai, hiện mỗi ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu tốt cho việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Theo Ban quản lý Cửa khẩu tỉnh Lào Cai, trong tháng 1, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai đạt gần 82 triệu USD, trong đó xuất khẩu 48,3 triệu USD, nhập khẩu 33,3 triệu USD.
Tại cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành – Lào Cai, tháng 1/2023, có tới 6.713 xe nông sản được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, đạt tổng giá trị gần 59 triệu USD. Đáng chú ý, nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, gần 33 triệu USD.
Hàng xuất chủ yếu là nông sản tươi từ phía Nam ra: Thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… Trong tháng 1 đã có gần 600 xe thanh long được đưa lên Lào Cai để xuất khẩu qua nước bạn.
Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ 20 -26/1/2023), Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai đã tiếp nhận và giải quyết 285 tờ khai hải quan thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành). Trong đó, có 183 tờ khai hàng xuất khẩu với số lượng 6.452 tấn (quả thanh long, dưa hấu, chuối, mít…), 102 tờ khai hàng nhập khẩu với số lượng 2.779 tấn (rau, củ, quả các loại).
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất – nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão đạt hơn 3 triệu USD.
Thị trường Trung Quốc khởi sắc ngay từ đầu năm đã giúp giá nhiều loại nông sản, trái cây của Việt Nam bật tăng.
Trong những ngày đầu tháng 1/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng do khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua hàng chuẩn bị kế hoạch sản xuất sau khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 1 năm 2023 đạt 300.000 tấn với giá trị đạt 116 triệu USD, tăng 15,6% về khối lượng và tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, giá sắn nguyên liệu tăng đáng kể do nguồn nguyên liệu một số vùng bắt đầu có xu hướng giảm trong tháng 1/2023.
Cụ thể, tại Tây Ninh, giá sắn ở mức 2.950 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022; Kon Tum ở mức 2.425 đồng/kg (tăng 50 đồng/kg). Giá sắn tại miền Bắc và miền Trung cùng tăng 50 đồng/kg lên các mức tương ứng là 2.100 đồng/kg và 2.450 đồng/kg.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 1 năm 2023 ước đạt 300 triệu USD, tăng 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Do sức mua lớn từ Trung Quốc nên giá nhiều loại trái cây như sầu riêng, thanh long tăng mạnh. Tại các nhà vườn ở phía Nam, giá thanh long bán ra cũng ở mức cao, từ 20.000 – 37.000 đồng/kg tùy loại.
Tương tự, giá sầu riêng bán lẻ trên thị trường đang ở mức khá cao, phổ biến 160.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại, gấp 2,5 – 3 lần so với giữa năm 2022.
Tại Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)” tổ chức sáng nay, 10/2, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và triển khai các quy định giữa hai nước. Các Bộ: Công thương, NN-PTNT, Ngoại giao và Bộ, ngành có liên quan đều phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu thương mại giữa hai nước”.
“Hiện nay, tại Lào Cai, một ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe bắt đầu có tăng lên”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Bích Ngân