+
Aa
-
like
comment

Chi hàng chục ngàn tỉ, bao giờ TP.HCM hết ngập?

10/06/2020 09:13

Gần 26.000 tỉ đồng đã được chi cho công tác chống ngập trong 5 năm qua, nhưng đến nay TP.HCM vẫn còn 22 điểm ngập. Các dự án chống ngập được đầu tư ra sao, bao giờ các dự án này hoàn thành và phát huy hiệu quả chống ngập?

Chi hàng chục ngàn tỉ, bao giờ TP.HCM hết ngập? - Ảnh 1.
“Rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh chiều 3-6 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhưng vì sao đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) đã được cải tạo, nâng cấp rồi vẫn ngập? Còn đối với đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), nơi đã triển khai máy bơm thoát nước, khi TP triển khai thêm dự án nâng đường liệu sẽ hết ngập? Các điểm nghẽn thoát nước sẽ được giải quyết như thế nào?

Thông tin về tình hình chống ngập tại TP.HCM ngày 9-6, ông Vũ Văn Điệp – giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) – cho biết:

“Hiện trên địa bàn TP vẫn còn 22 tuyến đường còn ngập. Nguyên nhân do mạng lưới cống thoát nước đã cũ, không đáp ứng được năng lực thoát nước sau các cơn mưa lớn. Cống thoát nước lớn nhất chịu được những trận mưa 85,36mm trong 3 giờ… Trong khi đó, ba trận mưa gần đây từ 70,6-112,3mm làm quá tải cống thoát nước.

Các dự án chống ngập đã triển khai mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Số điểm, thời gian và chiều sâu ngập giảm rất nhiều. Trước kia mỗi lần ngập thường kéo dài từ 4-6 giờ, nay được rút ngắn chỉ còn từ 15-40 phút sau mưa. Chiều sâu ngập từ 0,1-0,3m.

Đường Nguyễn Văn Quá có kênh thoát nước chính ra rạch Cây Liêm, chảy ra kênh Tham Lương, theo kế hoạch sẽ làm hai tuyến cống thoát nước nhưng hiện mới làm được một tuyến nên chưa đáp ứng đủ. Chúng tôi sẽ cùng địa phương giải quyết sớm mặt bằng để hoàn thiện dự án này, đồng thời hoàn thiện dự án lắp van ngăn triều kênh Tham Lương để xử lý triệt để ngập cho khu vực nêu trên.

Theo đánh giá của tôi, đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ không còn ngập nữa sau khi được nâng cấp. Thế nhưng các khu vực lân cận như hai bên đường vẫn giữ nguyên cao độ nên khả năng vẫn còn ngập trong hẻm, khu dân cư. Khi dự án hoàn thành, các sở ngành sẽ đánh giá thêm tình hình ngập khu vực này để quyết định có nên tiếp tục giữ lại siêu máy bơm chống ngập tiếp hay không.

Một tin vui là chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 10-2020. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do triều và mưa kết hợp với triều cho khu vực trung tâm TP và các quận huyện 7, 8, Nhà Bè. Cống ngăn triều sẽ kiểm soát được triều cường. Hệ thống máy bơm đi kèm sẽ có nhiệm vụ bơm nước từ khu dân cư ra kênh để đảm bảo trong khu dân cư không ngập.

TP.HCM: Mưa ngập ngang bánh, người đi xe máy lại bì bõm dắt bộ - 1
Mưa lớn ngập gần hết bánh xe tại khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM.

Tình hình ngập nước ngoài chuyện cống quá tải còn có tình trạng lấn chiếm sông rạch, hệ thống thoát nước. Sau thời gian kiểm tra xử lý, hiện còn 33 vị trí lấn chiếm kênh rạch, hệ thống thoát nước chưa chuyển biến. Sở Xây dựng đã thống kê và có văn bản gửi tới quận huyện để hỗ trợ giải tỏa. Nhưng việc xử lý này rất khó khăn nên tiến độ rất chậm.

Kênh A41 (Q.Tân Bình) là một trong những hướng thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Nước chảy xuống kênh này sẽ dẫn về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Kênh A41 hiện đang bị lấn chiếm, giảm khả năng thoát nước. Gần đó, kênh Hi Vọng cũng bị lấn chiếm, cống ngang đường Phan Huy Ích không hợp lý tạo điểm nghẽn làm giảm thoát nước. Chúng tôi đang lên kế hoạch cải tạo thoát nước đường Phan Huy Ích và kênh Hi Vọng để giải quyết điểm nghẽn này.

22 tuyến đường ngập nước

22 tuyến đường ngập bao gồm: Nguyễn Văn Khối, quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá.

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP), từ năm 2016-2020 TP chi khoảng 25.998 tỉ đồng bao gồm vốn đầu tư công và huy động vốn PPP để thực hiện các dự án chống ngập. 25/36 tuyến đường hết ngập. Nếu tính từ năm 2008 tới nay đã giảm 104 điểm ngập.

—–

Hồ điều tiết chống ngập: Chỉ là dự kiến!

Một trong các giải pháp chống ngập được đề cập nhiều năm qua là việc xây dựng các hồ điều tiết, nhưng đến nay việc này gần như tắc tị. Theo quyết định 752, đến năm 2020 TP.HCM xây dựng 104 hồ điều tiết. Nhiều năm qua, TP.HCM từng bàn làm hồ ở những địa điểm cụ thể như công viên Gò Dưa 28ha, Linh Đông 8ha (Q.Thủ Đức), hồ trung tâm khu Thủ Thiêm 18ha (Q.2), hồ Bàu Cát (Q.Tân Bình)…

Tuy nhiên đến nay, theo ông Vũ Văn Điệp, chỉ mới là dự kiến và sẽ được đưa vào quy hoạch điều chỉnh về thoát nước và thủy lợi mà TP đang triển khai. “Sau khi có quy hoạch điều chỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng bằng các hình thức từ ngân sách hoặc PPP” – ông Điệp nói.

ĐỨC PHÚ/TT

Bài mới
Đọc nhiều