Chỉ dấu chính sách của ông Biden đưa ra cho châu Á – Thái Bình Dương
Thế giới đang hồi hộp chờ xem chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ như thế nào, vì điều này ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, dù tích cực hay tiêu cực.
Kế hoạch của ông Biden là tái thiết Bộ Ngoại giao và các phái đoàn ngoại giao đã bị ông Trump làm cho tiêu hao.
Chúng ta cần nhớ lại rằng các quan chức ngoại giao của chính quyền ông Obama đang tiếp tục làm việc trong chính phủ đã từ chối tuân thủ chỉ thị của ông Trump, rò rỉ thông tin mật cho báo chí và thậm chí buộc tội ông Trump qua một cuộc điện thoại mà ông đã thực hiện với Tổng thống Ukraine.
Chủ nghĩa đa phương hoạt động hiệu quả nhất khi các quốc gia từ bỏ một số chủ quyền của mình để được tập thể tôn trọng. Bằng cách chuyển giao quyền lực, ông Biden sẽ đạt được các mục tiêu của mình về biến đổi khí hậu, y tế và công bằng xã hội – tất cả đều là các chính sách đối nội. Ông Biden tuyên bố rằng lợi ích quốc tế của nước Mỹ sẽ được đáp ứng tốt nhất nếu các vấn đề trong nước được giải quyết.
Đây sẽ là trách nhiệm của ông Sullivan. Ông Kerry sẽ đưa biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm chính, nâng lên thành vấn đề an ninh quốc gia, còn bà Thomas-Greenfield sẽ tập trung ưu tiên cao độ vào việc đảm bảo sự đa dạng trong các vấn đề đối ngoại. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ giúp ông Biden chi trả cho chương trình nghị sự đối nội hàm chứa sự thay đổi toàn diện.
Ông Obama tóm tắt phương thức tiếp cận của mình trong một câu: “Đừng làm những điều ngu ngốc”. Các nhà phê bình cho rằng ông Obama và có lẽ cả ông Biden đều đã thất bại nếu soi chiếu theo tuyên bố của ông.
Có vẻ như châu Á – Thái Bình Dương sẽ không được ưu tiên nhiều trong chính sách của ông Biden. Hãy nhớ lại rằng ông Obama đã nỗ lực đến tuyệt vọng để “xoay trục” nước Mỹ khỏi “những cuộc chiến bất tận” ở Trung Đông khiến hao mòn sức mạnh và huỷ hoại uy tín của Mỹ để chuyển trọng tâm sang châu Á, nơi sẽ mang lại những lợi ích thực sự cho nước Mỹ. Chính sách “xoay trục” đã thất bại.
Có vẻ như ông Biden đang đi lại đúng con đường đó. Kế hoạch của ông là tái gia nhập EU và LHQ để chống đỡ cho Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận phi hạt nhân hóa tai hại.
Vai trò của hai ông Blinken và Kerry rất quan trọng ở đây. Bằng việc thực hiện kế hoạch này, ông Biden sẽ liên kết Ả Rập Xê-út với các đồng minh chống lại Mỹ và cả Israel. Ông Biden cũng phải đối mặt với một vấn đề là ông Trump đã khởi động các hiệp ước hòa bình với các đồng minh Ả Rập Xê-út liên kết chống lại Iran. Và như đã nói ở trên, ông Biden còn một kế hoạch nữa là tái kết nối với EU.
Ngay cả khi ông Biden muốn xoay trục sang châu Á thì dường như trọng tâm vẫn chỉ là các vấn đề trong nước, không liên quan đến lợi ích của các nước trong khu vực. Ông Jake Sullivan đã được lựa chọn với hàm ý chính sách là đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia chỉ tập trung trong phạm vi đối nội chứ không định hướng đối ngoại.
Lịch sử đã cho thấy hầu hết các tổng thống Mỹ ban đầu chỉ tập trung vào chính sách đối nội để rồi sau đó nhận ra rằng nguyên nhân khiến nước Mỹ suy yếu là các vấn đề chính sách đối ngoại: chủ yếu là chiến tranh, thương mại và ngoại giao.
Có vẻ như ông Biden và nhóm cựu nhân sự của ông Obama có quan điểm mềm mỏng với việc Trung Quốc đang áp dụng các luận điệu ngoại giao mềm. Một số tuyên bố của ông Blinken khiến dư luận lo ngại.
Dường như ông Biden không quan tâm đến việc tiếp tục tái thiết Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương – đây là việc rất quan trọng để đối phó với Sáng kiến vành đai con đường của Trung Quốc. Có lẽ chúng ta phải chờ sự lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng – việc bổ nhiệm vị trí này có thể làm thay đổi quyết định của ông Biden.
Ông Biden đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trước đó, đảng Dân chủ cùng với ông Trump đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực tham gia TPP của Mỹ. Dĩ nhiên, CPTPP sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ thương mại, an ninh, ngoại giao và văn hóa với các nước trong khu vực.
Vào thời điểm này, ông Biden còn đang phải chống chọi trên một mặt trận nữa để đẩy lui những cáo buộc của đảng Cộng hòa rằng ông và gia đình đang hưởng lợi hàng triệu USD từ các phi vụ kinh doanh “mờ ám” với các công ty quân đội của Trung Quốc. Dù thông tin này chưa được kiểm chứng là có căn cứ hay không thì những cáo buộc như vậy cũng khiến uy tín của ông suy yếu.
Dường như, ông Biden tin rằng quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ có thể được cải thiện đáng kể nếu cả hai nước tham gia đối thoại nghiêm túc và rút lại các hàng rào thuế quan, trừng phạt và rào cản.
Cuối cùng, sau 8 năm dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã không đạt được tiến triển nào. Trong 8 năm đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un thậm chí còn từ chối gặp gỡ các quan chức Mỹ. Vấn đề này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đến thời điểm này tôi cũng chưa nhận thấy bất kỳ hàm ý chính sách quan trọng nào đối với Việt Nam và các nước trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra cho thời gian tới: Liệu cách tiếp cận của ông Biden có đẩy lui được những nỗ lực thay đổi trật tự tự do toàn cầu hiện giờ của Trung Quốc, những nỗ lực gây dựng hình ảnh và thế chân Mỹ giành bá quyền của chính quyền Bắc Kinh hay không? Hiện tại, bức tranh chưa có gam màu khả quan.
(Theo TVN)