+
Aa
-
like
comment

Chỉ đạo nóng của Thủ tướng cho ngành điện

05/07/2019 07:18

Hàng loạt câu hỏi đã được người đứng đầu Chính phủ đặt ra với ngành điện hội nghị trực tuyến đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp 6 tháng cuối năm chiều 4-7.

Thủ tướng hỏi ngành điện: Sang năm tiếp tục hạn hán thì có còn điện không? - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Tại phần kết luận hội nghị, khi nhắc đến các vấn đề của ngành điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Công thương làm đầu mối sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá và đề xuất giải pháp phù hợp để tránh tình trạng gây bức xúc, hiểu lầm cho người dân.

Sau đó, Thủ tướng cho rằng hội nghị này có sự tham gia Tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nên Thủ tướng đã đặt 3 câu hỏi liên tiếp liên quan đến ngành điện.

Cụ thể, giá bán buôn, giá bán lẻ điện chúng ta cam kết với quốc hội có thực hiện không? Chúng ta có cạnh tranh có lợi với người tiêu dùng không? Chúng ta có đảm bảo nguồn điện lâu dài không?

Theo Thủ tướng, đó là câu hỏi trằn trọc của Chính phủ với sự phát triển bởi đảm bảo nguồn điện hiện nay không chỉ là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị, an ninh trật tự.

“Bây giờ các đồng chí đã huy động 36.000 – 37.000 MW công suất rồi, chạy diesel bù rồi, sang năm tiếp tục hạn hán nữa thì còn điện để đảm bảo không, hay các đồng chí nói tới 2022 – 2023 mới lo. Bây giờ lo là vừa rồi để không bị động” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các chủ đầu tư nguồn điện, đặc biệt là EVN đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Phó Thủ tướng cho biết ông đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị đảm than cho sản xuất điện, đảm bảo đẩy nhanh các dự án điện.

Đối với quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương đẩy nhanh lập quy hoạch ngành quốc gia, đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Phó Thủ tướng yêu cầu lần này phải đổi mới cách lập quy hoạch để không xảy ra tình trạng như trước đây là lập theo dự án đầu tư. Tới đây, cần phải lập quy hoạch trên cơ sở mục tiêu, công suất, cơ cấu các nguồn điện và trên cơ sở đó bố trí dự án thuộc trách nhiệm theo Luật Đầu tư, không đưa các dự án vào quy hoạch như hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lập quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính phù hợp và các quy hoạch này phải được phê duyệt vào cuối năm 2020, chậm nhất là sang đầu năm 2021.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều