+
Aa
-
like
comment

Chỉ cần một quyết định táo bạo Không quân Việt Nam có thể là khách hàng VIP của tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate Nga

30/09/2021 10:05

 

Việt Nam có thể mở ra cơ hội là khách hàng VIP đầu tiên khi đầu tư hàng trăm triệu USD để cùng Nga phát triển hoàn thiện tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate thế hệ 5.

TIẾN LÊN TIÊM KÍCH TÀNG HÌNH THẾ HỆ 5 – XU HƯỚNG TẤT YẾU

Có thể thấy một xu hướng phát triển rất rõ của không quân các nước trên thế giới trong 10-15 năm tới là tiếp cận nhanh chóng với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 và một số cường quốc thậm chí đã sở hữu máy bay thế hệ 6.

Mong muốn sở hữu những chiếc máy bay hiện đại như vậy ngày càng trở nên dễ dàng hơn bởi có một số mẫu đã ra đời, được bán hàng loạt trong khi rất nhiều mẫu mới đang được nghiên cứu phát triển và có thể hoàn thiện trong 5-7 năm tới.

Ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, nhiều quốc gia đã sở hữu hoặc lên kế hoạch chế tạo, mua sắm tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Chẳng hạn Trung Quốc đã đưa vào biên chế tới vài loại, Nhật Bản và Hàn Quốc đã sở hữu F-35, trong khi Singapore dự kiến sẽ nhận 4 chiếc F-35 đầu tiên vào năm 2026, còn Indonesia đang tham vọng theo đuổi chương trình phát triển tiêm kích tiệm cận tàng hình KAI KF-21 Boramae cùng Hàn Quốc, dự kiến 2026 sẽ bắt đầu sản xuất loạt.

Riêng Ấn Độ vẫn đang loay hoay lựa chọn thiết kế và đối tác cùng phát triển tiêm kích thế hệ 5 sau khi quyết định hủy bỏ chương trình Su-57 với Nga. Đối thủ của New Delhi là Pakistan có thể sẽ sớm sở hữu các chiến đấu cơ tàng hình từ Trung Quốc, khiến họ sẽ phải xúc tiến nhanh hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham vọng lớn với dự án TF-X. Malaysia đã được Ankara mời chào tham gia chương trình này nhưng dường như Kuala Lumpur không mặn mà lắm, tuy nhiên, khả năng cao là họ và Thái Lan đều sẽ tính tới tiêm kích thế hệ 5 trong vòng 10 năm tới.

Như vậy là hầu hết các cường quốc trong khu vực đều đã và đang hướng tới việc sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 với nguồn cung hoặc hợp tác phát triển các dự án với nhiều đối tác khác nhau.

Chengdu J-20 là chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 rất tiên tiến do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, nó được kỳ vọng sẽ giúp nước này sánh ngang với không quân Mỹ.

KHÔNG QUÂN VIỆT NAM SẼ ĐẦU TƯ CHO SU-75 CHECKMATE CỦA NGA?

Mặc dù nhu cầu về tiêm kích tàng hình thế hệ 5 với Không quân Việt Nam trong tương lai gần (5-7) năm tới chưa thật quá bức thiết, tuy nhiên để tiến lên hiện đại, bắt kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, có lẽ chúng ta cũng cần nghiêm túc tính tới những điều lớn lao hơn cho 10-20 năm tới.

Xét một cách toàn diện, với điều kiện địa chính trị quân sự cũng như khả năng ngân sách, Việt Nam không có nhiều lựa chọn về đối tác đủ tin cậy và có năng lực thực sự cung cấp tiêm kích thế hệ 5 đáp ứng được yêu cầu.

Mua F-35 của Mỹ ư? Rất khó bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là ngân sách mua ban đầu cũng như kinh phí huấn luyện đào tạo, duy trì khả năng vận hành cao đã dựng lên rào cản rất lớn.

Thật may, dự án Su-75 Checkmate của Nga đang được thai nghén đã mở ra cơ hội mới cho Việt Nam và tiêm kích tàng hình hạng nhẹ thế hệ 5 một động cơ này đã được Rostec chỉ đích danh là dành cho Hà Nội, cùng một loạt khách hàng thân thiết khác.

Không quân Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu Su-75 Checkmate bởi lẽ:

Thứ nhất, Nga muốn bán và coi Việt Nam là một trong những khách hàng tiềm năng nhất của Su-75 Checkmate. Trong đoạn video quảng bá của Rostec/Sukhoi, hình ảnh phi công Không quân Việt Nam với cờ đỏ sao vàng trên ngực áo bay đã khẳng định điều này.

Một khi Hà Nội muốn mua thì Moscow sẵn sàng bán. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga đảm bảo mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi.

Thứ hai, Su-75 Checkmate sở hữu nhiều đặc tính kỹ – chiến thuật vượt trội, được cho là phù hợp với Không quân Việt Nam. Theo những thông tin sơ bộ được Nga tiết lộ thì dòng máy bay đa năng này có thể làm được cùng lúc nhiều nhiệm vụ, tiêm kích phòng không, tấn công mặt đất, diệt mục tiêu trên biển,…

Nếu sở hữu Su-75 Checkmate, năng lực tác chiến của Không quân Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá.

Hy vọng một ngày nào đó tiêm kích Su-75 Checkmate sẽ được sơn phù hiệu Không quân Việt Nam.

Thứ ba, giá cả phải chăng,chi phí vận hành thấp. Su-75 Checkmate đáp ứng hài hòa cả 2 yếu tố chi phi mua sắm vận hành thấp trong khi có những đặc tính kỹ – chiến thuật tốt. Mức giá mà ông Chemezov – Tổng Giám đốc Rostec công bố là 25-30 triệu USD/chiếc khiến cả thế giới giật mình vì nó quá rẻ.

Tất nhiên, đơn giá “không tưởng” này có lẽ chỉ dành cho khách hàng nội bộ là Không quân Nga mà thôi, còn khách hàng nước ngoài sẽ có giá khác, tùy vào quan hệ, số lượng đặt mua và sự “đóng góp” cho sự phát triển của dự án.

Trước nhu cầu có thật về sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 trong cỡ 10 năm tới của Không quân Việt Nam, ngay từ bây giờ chúng ta nên bắt đầu tính toán nghiêm túc về điều này.

Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD để cùng Nga nhanh chóng hoàn thiện Su-75 Checkmate, đồng thời qua đó có cơ hội trở thành khách hàng VIP đầu tiên nhận máy bay mới với mức giá ưu đãi.

Quyết định đầu tư cho Su-75 Checkmate cũng là mạo hiểm nhưng rất đáng để thử bởi triển vọng thành công là khá lớn.

Ngay khi xuất hiện tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2021, nhiều chuyên gia nhận định hình hài của chiếc Su-75 có lẽ là một nguyên mẫu thử nghiệm mặt đất tương đối hoàn thiện, do vậy nếu nhận được nguồn đầu tư tài chính đủ lớn từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, Su-75 Checkmate có thể sớm cất cánh bay thử để hoàn thiện.

Mặc dù các mốc thời gian 2023 bay thử, 2026 sản xuất loạt mà Rostec có thể sẽ không đúng dự kiến, nhưng nếu có chậm thì cũng chỉ đôi ba năm mà thôi, “vừa zin” thời gian Không quân Việt Nam cần máy bay mới để bước sang một kỷ nguyên phát triển vượt bậc, xứng đáng với vai trò là một trong những quân binh chủng mũi nhọn của Quân đội ta.

Bình Nguyên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều