Chỉ cần ‘có hơi rượu, bia’, người điều khiển xe máy, ô tô đều bị xử phạt?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46/2016, trong đó đề xuất mức phạt nặng với hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Điểm mới của dự thảo là chỉ cần có nồng độ cồn trong máu (dưới 50 mg/lít khí thở), người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt; đặc biệt mức phạt có thể lên tới 40 triệu đồng với người lái ô tô.
Hiện Nghị định 46 mới chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 – 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,25 – 0,4 mg/lít khí thở, mức phạt 1 – 2 triệu đồng và tước bằng lái xe 1 – 3 tháng.
Dự thảo sửa đổi theo hướng phạt từ 2 – 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu, hoặc dưới 0,25 mg/lít khí thở. Nếu được thông qua, chỉ cần “có hơi rượu, bia”, tức nồng độ cồn lớn hơn 0, người điều khiển xe máy, ô tô đều bị xử phạt.
Với ô tô, mức phạt tăng gấp 2 – 3 lần so với quy định hiện hành.
Cụ thể, vi phạm mức 1 (chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô là 6 – 8 triệu đồng (hiện mức phạt này là 2 – 3 triệu đồng), tăng thời gian tước bằng lái xe lên 10 – 12 tháng so với 1 – 3 tháng hiện nay.
Vi phạm mức 2 (vượt quá 50 mg/100 ml máu đến 80 mg/100 ml máu hoặc trên 0,25 – 0,4 mg/lít khí thở) bị phạt 16 – 18 triệu đồng (hiện nay phạt 7 – 8 triệu đồng), đồng thời bị phạt bổ sung tước bằng lái xe 16 – 18 tháng so với 3 – 5 tháng hiện nay.
Vi phạm mức 3 (vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc trên 0,4 mg/lít khí thở), sẽ bị phạt 30 – 40 triệu đồng (mức phạt hiện nay là 16 – 18 triệu đồng), đồng thời tước bằng lái xe 22 – 24 tháng, thay vì 4 – 6 tháng hiện nay. Đây cũng là mức phạt với người điều khiển xe sử dụng ma túy.
(Theo Thanh Niên)