Chỉ cần cách chức vài vị, công việc sẽ chạy ngay, thưa Phó Thủ tướng!
Người viết bài này xin lấy danh dự cam đoan với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu cách chức vài ba, thậm chí chỉ một, hai người thôi, công việc sẽ chạy băng băng. Còn nếu chỉ phê bình, nhắc nhở, khiển trách thì ôi thôi, sẽ “nguyễn y vân”, thưa Phó Thủ tướng!
“Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này.” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đánh giá về chủ quan, ông Huệ cho rằng “Việc sửa đổi Quyết định 22 về cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập lên thành Nghị định nhưng chỉ đạo 2 năm nay vẫn chưa hoàn thành, gây ách tắc rất nhiều trong cổ phần hóa… Phải kiểm điểm nghiêm túc, xem xét trách nhiệm ở bộ, ngành nào và cơ quan nào?”. Ông Huệ kiên quyết.
Về đăng ký, giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Huệ khá gay gắt:
“Chưa có ai bị cách chức, chưa có ai bị kỷ luật, kể cả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm vì thua lỗ và không chịu thực hiện quy định niêm yết công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán”.
Công bằng nhìn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lĩnh vực kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng phấn khởi. Tăng trưởng ở mức ngoạn mục, tiền đồng ổn định, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng cao…
Nếu duy trì đà này, không chủ quan nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng sẽ có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.
Song, nếu như các doanh nghiệp nhà nước làm tốt hơn, thậm chí không có sự trì trệ, né tránh, đùn đẩy… như lời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chắc chắn chúng ta sẽ phát triển ở mức cao hơn nữa.
Vì vậy, việc cần thiết lúc này là phải làm mạnh, làm quyết liệt, không nể nang, khoan nhượng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ai có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, trì trệ, hãy gạt họ ra khỏi đội hình. Không cho phép tồn tại tình trạng “Đó rách ngáng chỗ”.
Nếu làm tốt, làm mạnh, làm kiên quyết như trong công cuộc “đốt lò” vừa qua, chắc chắn tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng.
Theo người viết bài này, Chính phủ nên đặt ra mốc thời gian cho từng doanh nghiệp với từng công việc cụ thể. Nếu đến thời hạn đó mà không hoàn thành, hãy cho họ tự nguyện từ chức hoặc cách chức.
Chỉ cần cách chức vài ba, thậm chí một đến hai trường hợp thôi, công việc sẽ chạy ngay lập tức. Còn nếu như vẫn điệp khúc “phê bình”, “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”… thì ôi thôi, mọi việc sẽ “nguyễn y vân”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám