Chỉ bằng một vài con số, Việt Nam đã khiến cả thế giới phải thán phục
Đó là nhận định trong bài viết được Nikkei Asia – ấn phẩm tài chính hàng đầu của Nhật Bản đăng tải mới đây. Theo tác giả bài viết, những số liệu thống kê ấn tượng về tình hình hinh kinh tế trong thời gian qua của Việt Nam đã khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi thán phục.
Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam đã tăng 3,29% so với cùng kỳ, tạo điều kiện không nhỏ để Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa và phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Thị trường tiền tệ về cơ bản vẫn ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, phù hợp với diễn biến thị trường và bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Đáng nói, dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến hết ngày 20/6/202, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Ngoài ra, có đến có 1.293 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn. Mức tăng ấn tượng này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn nên vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Điểm sáng tiếp theo trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 phải kể đến đó là hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng rau quả. Theo số liệu thống kê tính đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Đây là năm đầu tiên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các mặt hàng như thanh long, sầu riêng và vải thiều được các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đẩy mạnh thu mua.
Bên cạnh rau quả, gạo cũng là một mặt hàng có tốc độ tăng cao. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị. Hiện giá gạo của Việt Nam đã cao hơn Thái Lan và xấp xỉ bằng Ấn Độ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng, nhưng phần nào đó cũng khẳng định chất lượng, uy tín hạt gạo của Việt Nam đang được khẳng định ngày càng rõ nét ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
Ngoài ra, khi nhắc đến dấu ấn của kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023, chắc chắn không thể bỏ qua lĩnh vực du lịch. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 975.010 lượt khách quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5/2023. Đặc biệt, theo báo cáo từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong khoảng thời gian từ tháng 3 – 6/2023 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20. Và trong cùng tháng 6, du lịch Việt cũng đón nhận nhiều tin vui khi 103 nhà hàng, quán ăn của Việt Nam được Michelin Guide vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới, hay chuyên trang du lịch The Travel của Canada cũng đã lựa chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đang phục hồi tích cực với tốc độ nhanh hơn và chất lượng hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Từ những kết quả ấn tượng trên, phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sáng 6/6 tại thủ đô Paris, Pháp, ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Ông khẳng định OECD sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, sẵn sàng cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam để triển khai các quy định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, trong buổi đối thoại với các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Mỹ hồi đầu tháng 6, đại biểu các nước cũng nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ cao cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, nhờ đó mà cơ hội đầu tư và nguồn lợi của doanh nghiệp ngày càng khởi sắc, tạo điều kiện để lợi ích hai bên được duy trì hài hòa và ổn định trong thời gian lâu dài.
Còn theo ông Paolo Medas – Trưởng đoàn đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: “IMF đánh giá cao sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam và kêu gọi sự phối hợp chính sách tốt hơn để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay. IMF nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, lạm phát dự kiến cũng sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi”.
Lan Hoa