“Chỉ 1.000 đồng”: Chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ!
Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với Đồng Minh Duy (SN 1988, ngụ Bình Dương) về hành vi “Buôn lậu”.
Theo thông tin từ cơ quan công an, từ năm 2017 đến tháng 5/2022, Đồng Minh Duy sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Duy Phúc Thịnh do mình làm Giám đốc để mở nhiều tờ khai nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô sản xuất, xuất khẩu (loại hình E31).
Tuy nhiên, tháng 3/2022, sau khi nhập khẩu gần 600 tấn hạt điều thô từ nước ngoài về với tổng giá trị hơn 17,5 tỷ đồng, Duy mang bán 300 tấn cho một người phụ nữ trong nước với giá 30.000 đồng/kg thu về số tiền 10 tỷ đồng.
Một số dư luận trên MXH cho rằng, việc khởi tố, bắt giam đối với hành vi của Duy là “hơi mạnh tay” của cơ quan chức năng. Với luận điểm cho rằng, Duy nhập khẩu điều với đơn giá hơn 29.000 đồng/kg, bán lại với với giá 30.000 đồng/kg, tức thu lợi chưa đến 1.000 đồng mỗi kg điều bán được, là quá thấp so với lĩnh vực kinh doanh buôn bán. Liệu hiểu như vậy đã đúng chưa?
Nỗ lực siết chặt các hành vi buôn lậu
Giữa tháng 11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lưu Hồng Sơn (SN 1978, ngụ Bình Dương) cùng về hành vi tương tự.
Lưu Hồng Sơn là Giám đốc Công ty chế biến và kinh doanh nông sản, trụ sở đặt tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Từ năm 2018 đến năm 2022, Sơn đã nhập khẩu hơn 23.400 tấn hạt điều nguyên liệu được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu, trị giá hàng hóa kê khai là 646 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/1, đại diện Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC01) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với ông Vũ Xuân Đồng về tội “buôn lậu” với vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo đó, vụ án buôn lậu do ông Hoàng Duy Tiến, cựu cán bộ Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM, và đồng phạm thực hiện với phương thức, thủ đoạn lợi dụng quyết định số 18 ngày 14-9-2019 của Thủ tướng để lập các công ty ma, sử dụng tư cách pháp nhân của các công ty này mở nhiều bộ tờ khai hải quan, nhập lậu hơn 1.200 container hàng máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam.
Sau đó móc nối với công ty giám định để cấp chứng thư giám định “khống”, tạo điều kiện cho các đối tượng làm thủ tục thông quan và tiêu thụ, mua bán số máy móc, thiết bị cũ trên tại thị trường Việt Nam thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
Có thể thấy, hành vi buôn lậu của các đối tượng phạm tội hiện nay có xu hướng tinh vi hơn rất nhiều. Không còn là việc tải hàng qua các đường biên giới với các mặt hàng nhỏ lẻ, hiện nay các đối tượng đã công khai sử dụng phương thức thông quan, lợi dụng các kẽ hở thông thoáng của thủ tục hải quan hoặc trực tiếp móc nối với các cán bộ hải quan, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường… để hợp thức hóa các mặt hàng buôn lậu.
“Chỉ 1.000 đồng” nhưng tác hại không hề nhỏ
Với chênh lệch giữa giá nhập khẩu và bán lại, đối tượng Đồng Minh Duy đã thu lợi hơn 300 triệu đồng. Thế nhưng, việc thu lợi bất chính của Duy lại gây hại trực tiếp cho Nhà nước và nền kinh tế không hề nhỏ.
Đầu tiên là về mặt quản lý Nhà nước, việc lợi dụng mức thuế suất ưu đãi tạm nhập tái xuất đã làm thất thoát thu thuế của Nhà nước lên đến hàng tỷ đồng. Tiếp theo, ảnh hưởng lớn nhất chính là sự mất cân bằng của thị trường điều trong nước.
Theo khảo sát, giá điều thô (chưa phơi khô) trung bình là từ 30.000 – 40.000 đồng/kí tùy theo mùa điều. Giá này sẽ cao nhất vào đầu mùa và giảm dần vào cuối mùa. Giá điều cũng theo giá cả thị trường. Khi nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ tăng và ngược lại. Rơi vào cuối mùa thì giá điều giảm dần vài trăm đồng đến vài ngàn đồng. Bởi vì khi này hạt điều nhỏ, sâu nhiều và tỉ lệ nhân cũng không cao. Vào các tháng bình thường trong năm khi nguồn cung hiếm giá điều sẽ được đẩy lên 60.000-70.000 đồng/kí là điều quá hiển nhiên.
Từ đó cho thấy, việc bán điều của Duy đã làm chênh lệch giá thành điều thô ở thị trường trong nước, từ đó làm lũng đoạn thị trường, đe dọa trực tiếp các doanh nghiệp, nông dân trồng điều trong nước.
Với người tiêu dùng, việc giá hạt điều thấp sẽ có lợi nhưng lợi ích cân bằng chỉ đến khi mặt bằng giá được điều chỉnh nhờ vào hiệu suất, tối ưu sản xuất chứ không phải đến từ hành vi trục lợi về thuế.
Từ lẽ đó, không chỉ là câu chuyện “chỉ 1.000 đồng” trong hành vi phạm tội của Duy. Xa hơn còn là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây hại cho hàng loạt doanh nghiệp và người nông dân. Do đó việc nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng đối với các hành vi gian lận thương mại như buôn lậu, làm hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua là rất cần thiết. Với mục tiêu tái lập thị trường kinh doanh lành mạnh sẽ đảm bảo cân bằng lợi ích của người sản xuất, doanh nghiệp và cũng của chính người tiêu dùng.
Thành An