+
Aa
-
like
comment

Chén rượu trao tay bay ngay 35 triệu

04/01/2020 15:32

Có lẽ đây là chén rượu đắt nhất người lái xe này từng được uống và chắc là sau này nhìn thấy rượu là đã đủ say rồi… 

Trong ngày đầu ra quân tổ công tác thuộc Đội tuần tra cao tốc số 3 (Cục CSGT) làm nhiệm vụ tại km188+300 tuyến Pháp Vân – Ninh Bình, kiểm tra hàng loạt xe tải. Bị cảnh sát dừng xe tải BKS 29C-45xx, tài xế Lê Khắc T. bất hợp tác kiểm tra nồng độ cồn. Sau nhiều lần giải thích kế hoạch thực hiện xử phạt theo Nghị định 100, tài xế này mới chấp hành. Kết quả kiểm tra tại chỗ, tài xế Lê Khắc T. vi phạm nồng độ cồn mức 0,719 miligam/lít khí thở (vượt khung phạt cao nhất 0,4 miligam/lít khí thở). Tổ cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng đối với ông T.

CSGT TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trong ngày 2-1.

Xoay quanh quy định xử phạt mới này, còn nhiều ý kiến khen chê, tựa như thời gian trước đó triển khai về yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Song mức phạt phải nói nặng nhất từ hôm áp dụng luật cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đến nay ít nhiều sẽ khiến nhiều người suy nghĩ lại trước khi nâng ly “chén chú chén anh”.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào thực thực trạng là một đất nước gần như đắm chìm trong bia rượu, từ quan chức đến nhân dân, cái gì cũng bia rượu, cái gì cũng quy về 100%. Bạn bè lâu ngày không gặp, nhậu. Bạn bè mới quen, nhậu. Nhờ việc, nhậu. Cảm ơn, nhậu. Xin được việc, nhậu. Thất nghiệp, nhậu. Được đề bạt, nhậu. Về hưu, nhậu. Nhậu đến độ xem việc một Đại biểu Quốc hội trá hình quảng cáo rượu là bình thường, nhậu đến độ cán bộ quan chức lái ô tô gây tai nạn chết người là chuyện vẫn thường hiện hữu trên báo, nhậu đến độ có bản làng gọi là bản Nát vì ai cũng nghiện rượu.

Tệ nạn nhậu, đã thành một quốc nạn không thua gì tham nhũng, tha hoá… Các hãng bia rượu rất thích người Việt, cứ nhìn vào thuế họ đóng, lãi ròng hàng năm, tỷ lệ tiêu thụ thức uống có cồn tăng liên tục sẽ hiểu. Tất nhiên, bia rượu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông – nhưng người có hơi men điều khiển phương tiện tham gia giao thông chính là nguồn nguy hiểm cao độ.

Tăng mức xử phạt người có nồng độ cồn là cần thiết, tập một thói quen để người dân biết ngại biết cân nhắc trước khi ngồi vào bàn nhậu là cần thiết… Thậm chí, xử phạt lao động công ích người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao cũng là điều nên làm.

Nhưng, bấy nhiêu là chưa đủ.

Trách nhiệm nêu gương phải được đề ra, Đảng viên uống rượu điều khiển phương tiện giao thông phải bị kỷ luật, người có chức vụ điều khiển xe trong tình trạng hơi men phải bị điều chuyển hoặc đình chỉ công tác. Phải xem chống lại thói quen bia rượu tràn lan là điều nguy cấp không kém tiêu diệt giặc nội xâm.

Bao nhiêu năm tuyên truyền, bao nhiêu năm luật cũ không có tác dụng, bao nhiêu năm nước mắt, lời cay nghiệt hay xót xa trước một hậu quả khốc liệt từ bia rượu… nhưng không hiệu quả đã là quá đủ rồi, cần có một biện pháp mạnh hơn.

Luật điểm chưa hoàn thiện cần được fix lỗi, nhưng những cá nhân không đủ tiền đi taxi hay grab đến tiệc vui nên biết chuyển sang thức uống không có nồng độ cồn.

Cuối cùng, tôi cực bất ngờ vì không nghĩ người ta đang phản ứng ầm ĩ nhằm bảo vệ cho quan điểm, “Uống ít lái xe có sao đâu?”.

Tôi đã từng thấy những người nằm cấp cứu miệng dzô dzô và máu phún ra vì bia rượu, tôi đã từng thấy những người quen tàn phế vì tai nạn do bia rượu, tôi đã có những cậu bạn đóng khung di ảnh vì bia rượu…

Tôi đã thấy rất nhiều bi kịch, nhiều hơn tất cả những sự phản đối hay gièm pha đang hiện hữu trên cõi mạng này.

Cuối cùng, mục đích của Luật hướng đến chỉ là, “Đã uống rượu bia thì đừng nên lái xe nếu không muốn bị phạt nặng”, các anh chị hoàn toàn có quyền lựa chọn mà!

TH

Bài mới
Đọc nhiều