Chen lấn, giành giật, so đo tiền từ thiện
Câu chuyện nữ ca sĩ Thuỷ Tiên đi từ thiện với số tiền ủng hộ hơn 100 tỷ vẫn là chủ đề đang gây chú ý cộng đồng mạng nhiều ngày qua. Đáng nói, với số tiền rất lớn và số lượng người đi nhận tiền cứu trợ có khi lên đến 2.700 hộ, Thuỷ Tiên – Công Vinh cùng đoàn từ thiện đã nhiều lúc gặp phải trường hợp chen lấn xô đẩy.
Vào ngày 27/10, nữ ca sĩ cùng Công Vinh đã bắt chuyến bay trở lại miền Trung để cứu trợ đợt 2, giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Trưa ngày 29/10, hai vợ chồng đã có mặt tại xã An Thủy, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thông qua đoạn clip Công Vinh chia sẻ trên Facebook có thể thấy cả hai đang phát tiền cứu trợ cho 2.700 hộ gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên có một vấn đề đó là người dân tập trung để nhận tiền quá đông và gây nên khung cảnh rất hỗn loạn.
Theo những hình ảnh mà Thuỷ Tiên livestream, có thể thấy có nhiều người tập trung và không theo một sự sắp xếp nào hết khiến tình hình hết sức khó khăn. Thuỷ Tiên phải dùng loa, yêu cầu mọi người không ùa lên khu vực phía trên và nếu không giữ được trật tự, cô sẽ không tiếp tục phát tiền. “Ai mà lên trên đây là sẽ thu lại phiếu và không phát tiền nữa. Bây giờ ai mà tiến lên từ phía sau con là con sẽ thu phiếu lại và không phát tiền nữa”, Thủy Tiên gay gắt tuyên bố khi tình trạng hỗn loạn diễn ra.
Thiết nghĩ, cách phát tiền từ thiện theo kiểu này sẽ khó tránh khỏi tình trạng chen lấn xô đẩy, va chạm gây mất an ninh trật tự và không công bằng. Vì ai chứng minh được những người được nhận từ thiện có thực sự khó khăn hay không (còn người già, người tàn tật nữa thì làm sao họ chen)… 1 người chen thì 2 người lấn. Ai cũng nhìn thấy cục tiền trước mắt, phải làm sao được nhận nhiều, nhận trước mới chịu. Bà con vùng lũ giờ rất khó khăn, tất cả giờ chỉ còn lại đôi bàn tay trắng. Được bàn tay nào chìa ra cứu giúp bà con đều rất mừng.
Trên thực tế, trong cuộc sống, văn hóa xếp hàng đã được hình thành từ rất lâu. Xếp hàng được đánh giá như một sự bình đẳng của trật tự xã hội. Chúng ta đi siêu thị vẫn phải xếp hàng để thanh toán, vào quầy làm thủ tục, ra cửa sân bay, nhà ga cũng vẫn phải tuân thủ việc xếp hàng. Vậy thì hà cớ gì khi đi nhận một phần quà từ những nhà thiện tâm, chúng ta lại không thể tuân thủ quy luật của sự bình đẳng ấy?
Hơn nữa, hiện nay việc từ thiện của Thuỷ Tiên đang vướng phải tranh cãi khi cô phát tiền nơi này 5 triệu nhưng nơi khác 6 triệu, có nơi 10 triệu… Nhiều người sau khi nhận được tiền đã bị khiếu nại vì số tiền không giống với những người khác. Trợ lý của Thuỷ Tiên đã giải thích rằng, tuỳ thuộc vào mỗi hoàn cảnh thì sẽ hỗ trợ một mức khác nhau. Và mới đây, ca sĩ Phương Thanh có bài đăng gây chú ý trên trang cá nhân, nói về tình trạng thực tế ở những nơi mình đi ủng hộ. Điều đáng nói, đó lại là những cảnh rất buồn.
“Nhiều người dân trên bờ chỉ bị ảnh huởng nhẹ không nằm trong vùng lũ cũng canh me, đồn: “đoàn Thuỷ Tiên tới cho tiền kìa, cho 10 triệu”. Toàn canh me 10 triệu, không bị lũ lụt lắm cũng canh me tiền. Vô tình tính tham của con người cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiền đi trước có lợi trước, nhưng về hậu sẽ gây ra nhiễu loạn, vì ai cũng nhắm vào tiền và đồ nhu yếu phẩm thì bị vứt bỏ (tấm lòng của biết bao người mua và thức ngày thức đêm làm cực khổ). Người đang cần thì không có – người không cần thì bị phát dư thừa xong đem vứt bỏ. Cái gì cũng có 2 mặt. Cứu được mặt phải tạm thời, thì mặt trái cũng nổi lên”, Phương Thanh viết.
“Có đoàn phát quà từ thiện xong ra họ quay lại hỏi chính quyền địa phương và BTC đoàn sao đoàn này không cho tiền? Sao đoàn kia cho ít vậy? Đâu phải đoàn nào cũng cho tiền, họ dùng tiền mua nhu yếu phẩm hết rồi”, Phương Thanh chia sẻ.
Hiển nhiên Phương Thanh không chê trách ai tham lam hay ích kỷ, điều khiến cô buồn lòng chỉ là những người này chỉ muốn lấy tiền, nhận được nhu yếu phẩm thì lại vứt bỏ, trong khi còn rất nhiều bà con đang cần những món nhu yếu phẩm đó lại không có, dẫn đến tình trạng bất công, mất cân bằng. Nhưng qua bài đăng từ thực tế của nữ ca sĩ chúng ta cũng phần nào nhận ra một vấn đề bất cập nữa trong việc từ thiện hiện nay. Thiết nghĩ, chúng ta phải làm sao hạn chế tối đa việc tạo ra sự chênh lệch, không công bằng trong việc trao nhận tiền từ thiện, làm như thế e rằng lòng tham và sự toan tính, hơn thua của một số người trỗi dậy. Khi sự hơn thua tranh giành trỗi dậy thì việc chen lấn, gây hỗn loạn là chắc chắn sẽ xảy ra.
Thời điểm này, khi thiên tai và dịch bệnh bùng phát cũng là cơ hội để một số người lười lao động, ỷ lại vào lòng tốt từ các nhà hảo tâm ra sức lợi dụng. Dù không thực sự khó khăn nhưng một số người vẫn xông vào nơi phát đồ từ thiện để tranh thủ giành giật, vơ vét. Từ trước đến nay, câu chuyện “của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều nhà hảo tâm. Một số hạn chế, bất cập của hoạt động từ thiện trong đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung một lần nữa lại chỉ ra những vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này, để không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của nhân dân hay nguy cơ bị lạm dụng, rơi vào tay những đối tượng không xứng đáng.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả