Chạy ‘tuyến cao tốc’ đến châu Âu, lo thổi phạt thẻ vàng thẻ đỏ
Muốn xuất hàng vào châu Âu, thì con cá cũng phải được đánh bắt hợp pháp, sản phẩm từ gỗ cũng phải có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không, “thẻ đỏ” vẫn bị liên minh châu Âu rút ra bất cứ lúc nào.
Thời khắc lịch sử
Chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, 15 năm trước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á Âu lần thứ 5 tại Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam và các nước châu Âu đã thảo luận một lộ trình hợp tác giữa hai bên. Bước đầu tiên là liên minh châu Âu hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và sau đó đi đến một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.
Khi đó châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên chia sẻ và tin tưởng ý chí quyết tâm hội nhập của dân tộc Việt Nam.
“Rất ít người khi đó nghĩ rằng hai bên đạt được những mục tiêu đầy tham vọng”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Không lâu sau đó, Việt Nam đã gia nhập WTO và có những bước tiến vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Quá trình đàm phán cho hiệp định quan trọng này, Việt Nam và EU cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn tưởng chừng “không thể vượt qua”, nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi, hai hiệp định quan trọng này đã được ký kết vào ngày 30/6.
Bà Cecilia Malmström, Cao ủy thương mại của Liên minh châu Âu, cho hay: “Hiệp định này xóa bỏ gần như toàn bộ dòng thuế, lên đến 99%, chỉ 1% còn lại được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan, giúp giảm chi phí, tệ quan liêu mà DN đối mặt. Điều này đặc biệt quan trọng với DN nhỏ. DN nhỏ có nhiều khó khăn khi tiếp cận cơ hội tại thị trường mới, cho nên chúng tôi quan tâm đặc biệt DN nhỏ và vừa trong hiệp định tự do của chúng ta”.
Bà Cecilia Malmström tin tưởng các hiệp định này mang lại lợi ích lớn, giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo. “Chúng tôi mong hợp tác thêm với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam và cam kết hai hiệp định này mang lại lợi ích cao nhất, thu hoạch được lợi ích cao nhất, bền vững cho cả hai bên”, bà nói.
Bà Cecilia Malmström cho rằng, để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội mà FTA mang lại, cần phải giảm thủ tục hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với những cơ hội.
“Hiệp định tạo ra điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trở ngại trước đây sẽ được gỡ bỏ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp, đưa ra quyết định có đầu tư hay không cũng là các doanh nghiệp”, bà Cacilia Malmström nhận xét.
Hàng Việt vào EU, chưa vội mừng
Hôm qua, Việt Nam và EU, chính thức bắt tay vào chặng đường mới. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai hiệp định này như tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, DN hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.
Nhưng việc ký kết mới chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình mới. Những khó khăn bộn bề vẫn đang chờ phía trước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những khó khăn của Việt Nam sau khi ký kết hai hiệp định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, EU là khối kinh tế phát triển ở trình độ cao, vì vậy, họ có những yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững như về đánh bắt cá, điều kiện lao động, nhân lực và tất cả những nội dung đó có liên quan trực tiếp Hiệp định hoặc về sau này. Chính vì thế, Việt Nam phải rà soát một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường này.
Thực tế, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao. Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác).
Cũng chỉ vì nạn đánh bắt bất hợp pháp mà thủy sản Việt Nam đã bị EU giơ thẻ vàng. Nếu không cải thiện, nguy cơ sẽ bị giơ “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.
Với phương châm “duy trì một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất thế giới” để bảo vệ con người và động vật, nên trái cây muốn xuất vào EU phải trải qua bài kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong quá trình sinh trưởng hay tạp chất vô tình xâm nhập trong quá trình chế biến.
Ngoài ra, một nghiên cứu về hoa quả xuất vào EU của Trung tâm WTO cho thấy: Chiếu xạ là phương pháp phổ biến để xử lý các tạp chất vi sinh và đã được chứng minh là an toàn cho người sử dụng, được cho phép tại hơn 50 quốc gia, trong đó có cả những nước nghiêm ngặt như Mỹ, Úc, New Zealand.
Nhưng EU cũng lại nói “không”. Với các sản phẩm tươi, EU chỉ cho phép sản phẩm nhập khẩu được xử lý chiếu xạ tại một cơ sở được EU chấp nhận. Hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở nào như vậy, do đó buộc phải xử lý nhiệt khi xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm trái cây thối nhanh hơn, trong khi khoảng cách giữa Việt Nam và EU rất xa, mất nhiều thời gian vận chuyển.
“Chế tài của EU với các sản phẩm thực phẩm vi phạm các quy định rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm liên quan đến rủi ro mất an toàn thực phẩm. Hệ thống cảnh báo nhanh trực tuyến về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể được kích hoạt để gửi thông báo đến tất cả các nước thành viên EU. Từ đó, các cơ quan nước thành viên có thể áp dụng các biện pháp phù hợp, mà hình thức cực đoan nhất là đình chỉ nhập khẩu (tất cả hoặc một phần) từ nước vi phạm”, nghiên cứu của Trung tâm WTO viết.
Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì còn những hàng rào khác không dễ cho hàng Việt vượt qua. Nếu không biết “vượt lên chính mình”, thì EVFTA vẫn chỉ dừng ở mức “cơ hội” cho hàng Việt Nam.
Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn, về phía EU thì sẽ trình Nghị viện châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU.
Khi nào các thủ tục này hoàn thành, EVFTA và IPA mới chính thức có hiệu lực.
(Theo Vietnamnet)