Cháy tàu đổ bộ tỷ USD chỉ là chuyện nhỏ, Mỹ vừa để lộ điểm yếu chí tử cho Nga – TQ
Theo một số chuyên gia quân sự, vụ cháy tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đã vô tình cho Nga và Trung Quốc thấy rõ điểm yếu chí tử của Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ lộ điểm yếu chết người từ vụ cháy tàu đổ bộ tỷ USD
Theo Business Insider, trong khi Hải quân Mỹ chưa thể đánh giá hết thiệt hại đối với tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard (LHD-6) trong vụ cháy vừa qua thì lực lượng này đang đối mặt với một nguy cơ mới đến từ thảm họa này.
Cụ thể, Business Insider dẫn một bình luận từ chuyên gia quân sự Phil Ewing cho rằng, nếu Hải quân Mỹ phải mất nhiều năm để trục vớt hay sửa chữa một tàu chiến trong thời bình thì họ khó có thể làm được điều tương tự trong một cuộc chiến với Nga hoặc Trung Quốc.
“Cuộc chiến sẽ kết thúc trước khi người Mỹ kịp sửa xong tàu của họ”, Phil Ewing nhận định.
Chuyên gia quân sự này cũng nhắc lại việc ông Nội của mình từng phục vụ trên thiết giáp hạm USS New Mexico (BB-40) trong Thế chiến thứ 2. Con tàu này từng hứng chịu ít nhất hai cuộc tấn công cảm tử (Kamikazes) từ các máy bay Nhật trên Thái Bình Dương.
Trong trận đánh lớn cuối cùng của tàu USS New Mexico tại Okinawa, hạm đội tàu chiến Mỹ mất tới 36 tàu và 350 tàu khác bị hư hại.
Vào thời điểm đó, nền công nghiệp đầy “‘cơ bắp” của Mỹ cho phép họ không chỉ sửa chữa mà còn sản xuất nhanh nhiều tàu chiến cùng một lúc. Điều này giúp Washington có thể thực hiện đồng thời hai chiến dịch đổ bộ quy mô lớn ở cả hai Mặt trận Phía Tây (châu Âu) và Thái Bình Dương (châu Á) trong năm 1944.
“Ngày nay, những phương tiện mà bạn có trong ngày đầu tiên của cuộc chiến nhiều khả năng là những tài sản duy nhất. Khi chúng bị hư hỏng hoặc bị mất, bạn khó mà chế tạo được những phương tiện mới ngay hoặc nhanh chóng sửa chữa được chúng, đủ nhanh để đưa vào sử dụng”, Phil Ewing bình luận về vụ cháy tàu USS Bonhomme Richard trên Twitter.
Còn theo chuyên gia quân sự Peter Singer, hạm đội tàu sân bay, tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ trong Thế chiến thứ 2 đã tăng từ 8 chiếc lên 145 chiếc kể từ lúc cuộc chiến bắt đầu (1939) cho đến khi nó kết thúc vào năm 1945.
Điều này có nghĩa là khi Hải quân Mỹ mất đi một tàu sân bay hay tàu đổ bộ thì ngay lập tức sẽ có một chiếc khác thay thế.
Ở thời điểm hiện tại, nếu nước Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô với Trung Quốc hoặc Nga, Washington khó có thể bổ sung nhanh các tàu chiến mới như họ đã từng làm trong Thế chiến thứ 2.
“Nước Mỹ hiện tại không đủ năng lực để sửa chữa hay đóng mới nhiều tàu chiến cùng một lúc như 75 năm trước, ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Mỹ cũng trong tình trạng tương tự”, Singer nhận định.
Cũng theo Singer, điều may mắn là “kẻ thù” của nước Mỹ cũng đang trong tình cảnh tương tự.
Sự cố cháy tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard cũng được xem như hồi chuông cảnh báo để Lầu Năm Góc nghiêm túc đánh giá lại khả năng bổ sung và thay thế tàu chiến của Hải quân Mỹ khi lực lượng này tham gia một cuộc xung đột quy mô lớn trên biển.
Tương lai ảm đạm của USS Bonhomme Richard
Quay lại với vụ cháy tàu USS Bonhomme Richard, theo cựu Đại úy hải quân Jerry Hendrix hiện tại Hải quân Mỹ chỉ có vài cơ sở đóng tàu có đủ năng lực đảm nhận việc sửa chữa tàu đổ bộ này.
Các cơ sở đóng tàu của hãng Huntington Ingalls ở Pascagoula, Mississippi hiện đang bận rộn với việc đóng mới tàu đổ bộ tấn công USS Bougainville (LHA-8), lớp America. Còn Công ty đóng tàu Newport News ở Virginia đã cam kết đóng và bảo dưỡng các tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford.
Cách duy nhất để Hải quân Mỹ có thể sửa chữa tàu USS Bonhomme Richard là sử dụng các ụ khô tư nhân, số cơ sở đóng tàu tư nhân ở Mỹ có thể đảm nhận nhiệm vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ hiện vẫn chưa có đánh giá tổng thể về thiệt hại của tàu USS Bonhomme Richard sau vụ cháy, việc sửa chữa tàu đổ bộ này có thể lên đến hàng trăm triệu USD hoặc hơn cả thế. Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc cố níu kéo một con tàu sắp “chìm” là hành động vô nghĩa.
So với 75 năm trước, công nghệ đóng tàu sân bay và tàu đổ bộ đã thay đổi khá nhiều, việc sử dụng quá nhiều các công nghệ mới khiến việc đóng mới và sửa chúng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Ngay cả trong điều kiện tốt nhất, để USS Bonhomme Richard trở về tình trạng tốt nhất trước vụ cháy có thể mất nhiều năm trời.
Ví dụ điển hình nhất cho việc này chính là trường hợp của USS Gerald R. Ford (CVN-78) thuộc lớp tàu sân bay hạt nhân cùng tên, Hải quân Mỹ mất nhiều năm trời để khắc phục lỗi của 11 tháng máy tải vũ khí trên lớp tàu sân bay mới nhất của nước Mỹ.
Ngọc Minh/TQ