+
Aa
-
like
comment

Cháy nhà ra nơi nhiễm độc:  Người dân biết nghe ai?

03/09/2019 06:14

Vụ cháy khu nhà kho có chứa một lượng lớn sản phẩm, vật tư, hóa chất của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tuần qua thực sự dấy lên mối lo ngại lớn về khả năng quản lý rủi ro, xử lý hậu quả về môi trường của những cơ sở sản xuất có chứa chất độc hại của cơ quan quản lý.

Hình ảnh kinh hoàng sau đám cháy công ty Rạng Đông
Hình ảnh kinh hoàng sau đám cháy công ty Rạng Đông

Những người dân Hà Nội, nhất là các hộ ở quận Thanh Xuân chắc nhớ rõ: Cách đây hơn 20 năm, UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch di chuyển một số nhà máy khu “Cao Xà Lá” (tên viết tắt các nhà máy sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá) ra khỏi nội thành.

Tuy không nằm trong nhóm nhà máy viết tắt này, nhưng các nhà máy của Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông (sau đây gọi tắt là Công ty Rạng Đông), sau này cũng nằm trong danh sách các nhà máy dự kiến di dời.

Nhưng tiếc thay, trong chừng đó năm, qua bao nhiêu đời bí thư, chủ tịch thành phố, các nhà máy có mức độ gây ô nhiễm rất cao vẫn chưa hề nhúc nhích. Ngày ngày, người ta vẫn thấy những ống khói của các nhà máy này tỏa những cột khói lớn lên trời cao và ai cũng dễ dàng, qua từng khu, đều ngửi thấy những mùi khó chịu rất đặc trưng của nguyên liệu, chất thải… của từng nhà máy.

Vụ cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông tuần trước đã khiến nhiều người dân bất ngờ, bởi không phải ai cũng nghĩ đến thảm họa lại phát ra từ đó trước và là một nơi làn đầu được công bố có một cả kho chất hóa học vô cùng độc hại, nguy hiểm ít nhiều đã lan ra môi trườn: Đó là thủy ngân.

Nhưng trong suốt mấy ngày sau đó, đã có sự lúng túng, bất nhất trong việc xác định mức độ ô nhiễm, công bố thông tin, xử lý hậu quả ô nhiễm từ các cấp chính quyền cho đến các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý về môi trường.

Ngay từ hôm xảy ra sự cố nghiêm trọng này (28/8), từ phía Công ty Rạng Đông- nơi biết rõ nhất số lượng nguyên liệu thủy ngân, sản phẩm chứa thủy ngân, mức độ độc hại của nó đã không có những khuyến cáo cần thiết cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cán bộ, nhân viên nhà máy tại hiện trường, phóng viên báo chí tác nghiệp, người dân trong khu vực biết.

Đến chiều 30/8, Công ty này mới ra một văn bản thông báo nhưng dường như để làm nhẹ đi tính chất của vụ việc. Đáng nói, trong văn bản này, Công ty Rạng Đông cho biết, công ty này đã “nghiên cứu, sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016” mà không hề nói rõ chất Amalgam là gì, như thể đó là một chất khác, không độc hại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về hóa học lại đánh giá rằng, nói như Công ty Rạng Đông là lập lờ, bởi chất Amalgam cũng nguy hiểm chẳng kém vì đó là chất hỗn hợp với thành phần chính của nó lại là… thủy ngân, chiếm khoảng 50-70%.

Cháy nhà ra nơi nhiễm độc:  Người dân biết nghe ai? - 1

Trong khi các cơ quan quản lý môi trường còn chưa kịp có đánh giá, phân tích đầy đủ mức độ nguy hại thì Công ty Rạng Đông ngày 30.8 đã nhanh chóng cho cán bộ, công nhân viên trở lại làm việc. Đây là một sự vội vàng, mạo hiểm với sức khỏe cho người lao động của chính họ.

Về phía các cấp chính quyền và cơ quan quản lý, sự lúng túng trong việc đánh giá, phân tích, công bố thông tin đã khiến cho người dân hoang mang lo lắng. UBND Phường Hạ Đình, nơi có nhà máy là cơ quan sớm nhất ra thông báo ngay từ chiều 29/8 về mức độ nguy hiểm của số hóa chất có thể đã tràn ra môi trường. Nhưng sau đó đến ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân lại yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi văn bản vì lý do “không đúng thẩm quyền và không đủ cơ sở”, thậm chí còn phải “kiểm điểm nghiêm khắc” lãnh đạo phường về việc đó.

Trong khi UBND quận Thanh Xuân cho biết, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường. Kiểm tra nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) về các chỉ số chì, kim loại nặng cũng cho thấy trong ngưỡng cho phép.

Nhưng ngay sau đó, chính Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phủ nhận cung cấp kết quả quan trắc cho quận Thanh Xuân, bởi vẫn đang trong quá trình phân tích.

Trong một mớ hỗn độn thông tin từ doanh nghiệp, từ các cấp quản lý như vậy, mỗi nơi nói một phách, làm sao người dân sở tại không hoang mang, lo lắng. Có những cơ quan khuyến cáo mức độ rất nghiêm trọng nhưng có nơi lại cho rằng không đáng lo ngại, người dân biết tin ai?. Tất cả cho thấy, đã có sự thiếu trách nhiệm, bất nhất và không có một quy trình kiểm tra, kiểm nghiệm, đánh giá sự cố, công bố thông tin một cách thống nhất.

Và người dân đòi hỏi phải có một cơ quan chỉ đạo thống nhất, đủ mạnh để quyết định cơ quan nào đủ thẩm quyền, đủ khả năng đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố, để sớm công bố đầy đủ thông tin, khuyến cáo các giải pháp để bảo vệ sức khỏe của người dân, trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố nghiêm trọng này.

Mạnh Quân

Bài mới
Đọc nhiều