+
Aa
-
like
comment

Chảy máu chất xám, nhìn từ ‘hiện tượng’ của Bệnh viện Bạch Mai

19/04/2021 07:05

Ở góc độ thị trường lao động, một số chuyên gia cho rằng, đây là nguyên tắc thị trường theo kiểu “thóc đến đâu, bồ câu đến đó”. Tài năng đi liền với đãi ngộ, môi trường làm việc. Không nên trách người lao động mà trái lại, đây là xu hướng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển.

1. Dư luận đang xôn xao việc hơn 200 bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc. Trong số những người xin rời bệnh viện hạng đặc biệt này có không ít người là PGS, Tiến sỹ, BS chuyên khoa. Nghĩa là ngay cả những chuyên gia y tế hàng đầu cũng đã xin chuyển đi khỏi một trong những bệnh viện lớn nhất nước.

Bạch Mai là thương hiệu lớn của ngành y tế. Với nhiều người, được làm việc ở Bạch Mai vừa là niềm tự hào, niềm mơ ước, vừa là môi trường tốt để phát huy năng lực của bất cứ ai rời ghế trường y. Bác sỹ mang “thương hiệu Bạch Mai” có rất nhiều cơ hội để làm ngoài giờ với thu nhập cao.

Thế nên, việc không ít chuyên gia y tế hàng đầu xin nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai đã tạo nên một “cú sốc” đối với ngành y tế và dư luận xã hội. Hiện tượng này càng gây chú ý vì Bạch Mai vừa trải qua một “cơn bão” ở thượng tầng khi nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc bị bắt liên quan đến sai phạm trong hoạt động xã hội hóa y tế; đồng thời bệnh viện cũng đang bắt đầu thực hiện thí điểm đề án tự chủ bệnh viện.

Hơn 200 cán bộ, chuyên gia, nhân viên y tế xin nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai có phải là hiện tượng… bất thường?

Bộ máy lãnh đạo mới, mô hình quản trị mới theo cơ chế tự chủ ít nhiều đã tác động đến môi trường làm việc, thói quen, thu nhập của đại bộ phận cán bộ, nhân viên y tế. Đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hơn 200 người Bạch Mai rời bỏ ngôi nhà từng là niềm tự hào của họ.

Về pháp lý, việc lựa chọn nơi làm việc là quyền lợi chính đáng của người lao động. Vấn đề là giữa người sử dụng lao động (bệnh viện) và người lao động phải giải quyết đúng quy định của Luật Lao động. Nhưng câu chuyện ở Bạch Mai không chỉ là chuyện từ những ràng buộc pháp lý liên quan đến lao động. Đó là vấn đề dịch chuyển lao động từ khu vực y tế công lập đến khu vực y tế tư nhân.

2. “Chảy máu chất xám” là thuật ngữ ban đầu dùng để chỉ những công nhân kĩ thuật đi qua những nước khác, ý nghĩa của nó đã mở rộng thành “sự ra đi của những người có kiến thức hoặc có chuyên môn từ một quốc gia, khu vực kinh tế, hoặc các lĩnh vực khác, vì điều kiện sống hoặc tiền lương tốt hơn”.

Hiện tượng ở Bạch Mai có thể nhìn nhận theo nghĩa hẹp hơn, tức là dịch chuyển từ khu vực y tế nhà nước sang khu vực y tế tư nhân. Hiện tượng này ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

Trước đây, khi thành lập các bệnh viện tư nhân, nguồn nhân lực chủ yếu được sử dụng là các bác sỹ, nhân viên y tế bệnh viện nhà nước nghỉ hưu. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh, y tế tư nhân đã thu hút được nhiều bác sỹ, chuyên gia y tế giỏi về làm việc.

Ở góc độ thị trường lao động, một số chuyên gia cho rằng, đây là nguyên tắc thị trường theo kiểu “thóc đến đâu, bồ câu đến đó”. Tài năng đi liền với đãi ngộ, môi trường làm việc. Không nên trách người lao động mà trái lại, đây là xu hướng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Nó đồng thời là dịp để các cơ sở y tế công lập đánh giá lại mô hình hoạt động, phương pháp quản trị để thay đổi, tất cả để phục vụ người bệnh tốt hơn.

3. Còn nhớ vào tháng 7/2017, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã cung cấp một thông tin làm nóng hội trường. Đó là từ khi thành lập một số bệnh viện tư đến nay, Sở đã mất 48 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ. “Nếu nói về mặt quản lý thì đó là quyền của cán bộ, viên chức. Các trường hợp xin nghỉ việc ồ ạt chúng tôi rất đau lòng. Đây cũng là một mặt trái của phát triển y tế tư nhân…” – bà Yến nói.

Phát biểu của bà Yến thời điểm đó đã gây nên một “cú sốc” đối với cộng đồng y tế tư nhân. Đại diện Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng có tư tưởng phân biệt y tế nhà nước và y tế tư nhân. Theo tổ chức này, không nên xem việc dịch chuyển lao động từ lĩnh vực công sang tư là “mất cán bộ” hay “mặt trái” của phát triển y tế tư nhân. Càng không phải là hiện tượng chảy máu chất xám hay lãng phí chất xám. “Chảy máu” hay “lãng phí” chỉ xảy ra nếu bác sỹ bỏ hẳn nghề khám chữa bệnh sang làm việc khác, còn nếu vẫn gắn bó với nghề y ở khu vực khác nghĩa là chất xám đang tìm đến những… dòng chảy được khơi thông. Bởi suy cho cùng, công hay tư cũng đều vì mục đích chung là phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh. Một lãnh đạo của Hiệp hội thậm chí đã đề xuất bỏ khái niệm bệnh viện “ngoài công lập” khi nhắc đến các cơ sở y tế tư nhân để 2 khu vực y tế nhà nước và y tế tư nhân bình đẳng ngay từ trong nhận thức, từ đó cùng nhau hỗ trợ phát triển.

4. Trở lại với câu chuyện hơn 200 cán bộ, chuyên gia, nhân viên y tế xin nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai. Cần phải thống nhất quan điểm rằng, ở nước ta, y tế nhà nước vẫn là trụ cột, chiếm đến hơn 80% “thị phần” y tế quốc gia. Tự chủ hay xã hội hóa theo hướng dịch vụ là cần thiết nhưng bản chất của y tế là hướng đến an sinh xã hội, qua đó thể hiện tính ưu việt của chế độ. Tính chất phi lợi nhuận của y tế, ngay cả với y tế tư nhân đã thể hiện rõ ở các nước phát triển là vì thế.

Vậy nên, cơ chế tự chủ tại các bệnh viện nhà nước cần phải được thí điểm, đánh giá, tính toán một cách toàn diện. Trong đó, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người bệnh cũng cần phải có cơ chế tiền lương và thu nhập hấp dẫn các chuyên gia y tế, những người có trình độ cao. Còn nếu không thì phải xem việc đội ngũ tinh hoa này chuyển đến khu vực y tế tư nhân như một xu hướng bình thường, tất yếu.

Hiện nay vẫn còn tình trạng bệnh viện tự chủ nhưng không được… tự quyết khi vướng vào rào cản chi trả BHYT. Nhiều bệnh viện tự chủ bị ngáng mức trần thu theo BHYT, trong khi trần giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa được phê duyệt. Nó tựa như vận hành dịch vụ khám chữa bệnh theo nhu cầu của người bệnh nhưng lại bị nhốt trong chiếc “lồng cơ chế”.

Mặc khác, khi giao cơ chế tự chủ cho bệnh viện nhà nước, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ. Tránh tình trạng lợi dụng tự chủ để tự tung tự tác, gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội mà bài học từ việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa để “ăn dày” trên lưng người bệnh vẫn còn nóng hổi.

Quang Huy

Bài mới
Đọc nhiều