Chảy máu chất xám hay lối tư duy định kiến?
Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đến nay đã bước sang năm thứ 20. Sau 19 năm tương đương 19 cuộc đua của những trí thức trẻ , chương trình chưa bao giờ kém hấp dẫn. 19 năm đó chương trình đã tìm ra 19 nhà vô địch xuất sắc. Vấn đề được bàn nhiều vẫn là việc các nhà vô địch hầu như không quay trở về Việt Nam làm việc, hoặc nếu có chỉ một vài năm rồi lại đi. Cho đến nay, câu chuyện trí thức đi hay ở vẫn gây cho dư luận nhiều tranh cãi, chúng ta cần có cái nhìn mới để không quá lạm bàn hay tiêu cực hóa bằng cụm từ “chảy máu chất xám”.
Đi hay ở không còn là vấn đề
Câu chuyện trí thức, nhân tài đi hay ở trong thời đại ngày này không còn là vấn đề quan trọng nữa. Hãy tư duy thoáng và rộng ra chúng ta sẽ thấy những cách mới, những chân trời mới. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hàng năm là một sân chơi phát hiện ra nhân tài thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh cũng như các bạn học sinh phổ thông. Việt Nam có rất nhiều nhân tài, rất nhiều người giỏi ở các lĩnh vực khác nhau. Trường hợp Olympia chỉ là một ví dụ điển hình.
Chuyện đi hay ở không còn là một vấn đề, vì ở bất cứ đâu mà chẳng phải làm việc, cống hiến. Cho dù ở nước ngoài vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho nước nhà bình thường. Chọn làm việc ở trong nước hay nước ngoài hoàn toàn là ý muốn chủ quan cá nhân, không thể áp đặt suy nghĩ của dư luận lên một cá nhân. Họ phải có quyền chọn lựa, hà cớ gì chúng ta tước đi quyền đó của họ. Phải chăng suy nghĩ đó có phần hơi vị kỷ?
Trong thời đại thế giới phẳng, công nghệ số thì khoảng cách không còn là vấn đề. Khi làm việc nghiên cứu ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp tri thức cho những hoạt động học tập nghiên cứu trong nước. Hơn nữa, những trí thức người Việt ở nước ngoài còn đóng vai trò là cầu nối văn hóa tri thức giữa cộng đồng người Việt Nam và trí thức nước sở tại.
Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đóng vai trò là sân chơi tri thức, phát hiện và khơi nguồn niềm ham học của người Việt. Cả chương trình và các nhà tài trợ chưa bao giờ đặt ra điều kiện họ phải ở lại nước sở tại phục vụ, hoặc cam kết học xong phải cống hiến như nào. Họ chỉ đưa ra những lựa chọn và quyền chọn lựa là của những quán quân xứng đáng.
Hơn nữa, pháp luật hai nước không hề cấm việc sinh viên học xong phải về nước hay phải ở lại. Vậy tại sao chúng ta – dư luận lại tự cho mình quyền phán xét và đánh giá những người trí thức đó.
Họ vươn lên nhờ thực tài, họ chiến thắng nhờ sự nỗ lực của bản thân cùng với sự thương yêu ủng hộ của gia đình bạn bè. Họ đâu có gian lận, họ đâu có đi cướp công của ai mà nhiều người hậm hực bằng cụm từ “chảy máu chất xám” đầy tiêu cực.
Định kiến của lối tư duy cũ
Việt Nam có rất nhiều các trí thức có học vị cao từ phó Giáo sư, đến Giáo sư đầu ngành hiện đang kiêm nhiệm các vị trí, chức danh học thuật tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Họ vừa làm việc trong nước vừa tham gia nghiên cứu, hội thảo, giảng dạy tại nước ngoài. Trong thế giới phẳng những lối tư duy cũ, những định kiến cũ nên được bỏ đi. Không nên nói “chảy máu chất xám”, “mất hiền tài”, “hao hụt nhân tài quốc gia”, vì những cụm từ đó chỉ cho thấy chúng ta hẹp hòi, bảo thủ và không tích cực.
Nếu cứ mãi tư duy với những nếp định kiến như vậy rất có hại cho thế hệ sau này. Đừng tự nghĩ không trở về nước làm việc là không cống hiến, sự cống hiến tồn tại dưới nhiều hình thức. Bạn đang ngồi ở bên nửa kia quả địa cầu với một chiếc máy tính kết nối internet bạn vẫn có thể làm việc cho một công ty ở Việt Nam. Và ngược lại, bạn ngồi ở Việt Nam bạn vẫn có thể làm việc cho Google, Microsoft, Amazon … Điểm mấu chốt là hãy tập trung vào giá trị bản thân, đừng quá sa vào việc phán xét người khác bằng nếp tư duy định kiến.
Quan điểm của Đảng về trí thức
Trong lịch sử cách mạng, Đảng ta đã vận dụng khéo léo kết hợp các giai tầng trong xã hội lúc bấy giờ: Công – nông – trí thức để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong đó người trí thức là một giai tầng không thể tách rời, có ý nghĩa làm nên chiến thắng sau này cũng như trong công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.
Để thấy rằng Đảng ta luôn rất coi trọng tầng lớp trí thức, xem “trí thức là vốn quý của dân tộc”. Nếu không có sự hợp tác đóng góp của trí thức thì cách mạng rất khó thành công. Ngay cả trong những ngày khói lửa nguy kịch nhất, phong trào “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” đã sục sôi trong đội ngũ trí thức trẻ Hà Thành. Những người trí thức đã không chỉ đóng góp trí tuệ, tri thức mà còn cả xương máu trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, đội ngũ trí thức luôn được Đảng quan tâm, tạo mọi điều kiện học tập, nghiên cứu, phát triển bản thân. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước luôn cần sự đóng góp ý kiến, bàn luận phản biện từ đội ngũ trí thức.
Tại Đại hội Đảng làn thứ 12 Đảng, ta tái khẳng định tầm quan trọng của trí thức nhằm thu hút sự góp sức của đội ngũ trí thức vào các hoạt động hoạch định chính sách, giáo dục đào tạo, hiến kế phát triển đất nước. Chủ trương có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, tôn vinh những người có thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Đảng tiếp tục nhấn mạnh phải tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức; có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài… Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức đã được Đảng và Nhà nước ban hành, thực thi, góp phần thu hút được những trí thức có trình độ cao.
Đặc biệt, không chỉ ở trong nước mà nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã nhiệt tình đóng góp tâm sức, tham gia hiến kế, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Qua đó, Đảng luôn dành sự quan tâm, đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ trí thức và luôn tạo điều kiện để họ có cơ sở phát triển thuận lợi nhất.
Quay lại vấn đề các nhà vô địch Olympia không quay lại đất nước làm việc và sinh sống, để thấy rằng đây không còn là vấn đề quá quan trọng trong thế giới phẳng. Có lẽ chúng ta đã quá ám ảnh bởi những định kiến “chảy máu chất xám”. Thay vì phán xét hãy góp ý trên tinh thần xây dựng, góp phần kiến tạo những sân chơi phát hiện bồi dường nhân tài. Dù đi hay ở họ đều có thể cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.
Bao An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả