‘Cháy hàng’ khẩu trang chống bụi mịn
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội gần 10 ngày qua khiến thị trường khẩu trang trở nên nhộp nhịp hơn bao giờ hết. Nhiều cửa hàng thông báo khẩu trang chống bui mịn đã “cháy hàng” trên toàn quốc.
Muốn mua phải chuyển tiền đặt trước 2 tuần
Qua một người bạn, chị Huyền (quận 4, TP.HCM) tìm thấy địa chỉ chuyên bán khẩu trang chống bụi mịn tại đường Bến Vân Đồn, quận 4. Liên hệ với anh S.Đ, chủ cửa hàng, chị Huyền được thông báo khẩu trang đã hết hàng trên toàn quốc, muốn mua phải chờ 2 – 3 tuần nữa mới có hàng về. “Có rất nhiều người đặt nên để cho chắc, chị nhắn em số lượng cần mua qua Zalo, e sẽ báo giá và chuyển số tài khoản để chị chuyển tiền đặt trước, khi có hàng về sẽ được ưu tiên. Khẩu trang bây giờ “hot” lắm, về là hết ngay nên phải đặt trước chị ạ” – anh Đ. đon đả.
May mắn hơn, anh Trần Hiếu (quận 3, TP.HCM) sau khi liên hệ đến một cửa hàng cung cấp khẩu trang chuyên dụng tại quận Bình Thạnh, được thông tin: khẩu trang cacbon chống độc (ngăn khí độc như từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông – chủ cửa hàng lý giải) hết hàng, chỉ còn loại chống bụi mịn PM2.5 nhưng số lượng cũng không còn nhiều. Giá mỗi chiếc khẩu trang này dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ lớn – nhỏ. Thời gian sử dụng trong 50 tiếng – tương đương 2 ngày.
Thực tế, sau 2 tuần TP.HCM và Hà Nội trải qua đợt ô nhiễm không khí nặng nề, người dân bắt đầu đổ xô đi lùng sục, tìm mua khẩu trang chuyên dụng chống bụi mịn, chống độc. Các mẫu khẩu trang như Airphin, AQBlue, Xiaomi, 3M… được gọi tên nhiều nhất. Nhiều cửa hàng đã chốt đơn tới tận 1 – 2 tháng sau, nhập về liên tục cũng không xuể. Khảo sát trên một số trang thương mại điện tử như Amazon, Lazada… có tới vài chục loại khẩu trang được quảng cáo, đủ loại thượng vàng hạ cám từ 10.000 đồng/chiếc dùng 2 – 3 ngày, 50.000 – 60.000 đồng/chiếc dùng trong 1 tháng. Cá biệt, có những loại khẩu trang “hàng hiệu” như Cambridge Mask hay Vogmask từ Mỹ nhập về giá lên tới 800.000 – 900.000 đồng/chiếc.
Loạn chất lượng, nguy hiểm khó lường
Đáng nói, hầu hết các loại khẩu trang chống bụi mịn theo quảng cáo được trang bị van đóng vai trò lọc, lưu thông khí giúp người đeo cảm thấy dễ chịu hơn, hạn chế bức bí khi thở. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ sẽ thấy có những loại khẩu trang, ngoài một “tấm lọc không khí” đi kèm thì không có cơ sở nào chứng minh nó có thể lọc được bụi mịn hay khí độc. Một số cửa hàng bày bán khẩu trang có kiểu dáng, mẫu mã giống hệt những khẩu trang “hàng hiệu” nhưng giá chỉ bằng 1/5 với lời lý giải “hàng sỉ, canh khuyến mãi nên giá rẻ hơn”.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội trong thời gian qua như một lời cảnh tỉnh đối với nhận thức về môi trường của người dân. Trong khi cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra khuyến cáo, cảnh báo, vì quá lo lắng và hoang mang nên người dân nháo nhào lùng sục mua khẩu trang chống bụi PM25. Các đơn vị bán tận dụng cơ hội tăng giá vô tội vạ nhưng không có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, kiểm định chất lượng loại khẩu trang này. “Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bụi mịn cực nhỏ có thể bay thẳng vào phổi sinh ra các căn bệnh về hô ấp, lâu ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Người dân chưa mua khẩu trang, họ sẽ có tâm lý hạn chế ra đường hay che chắn phần nào để tránh hít khỏi không khí độc. Nếu họ mua phải khẩu trang giả, chất lượng kém, họ sẽ cảm thấy yên tâm khi ra ngoài, thực chất vẫn đang hít rất nhiều bụi mịn vào người” – ông Sơn nói.
Đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nhận định ngày càng có nhiều người lựa chọn khẩu trang như một biện pháp bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, có tới 79,8% người sử dụng vẫn đang phụ thuộc vào khẩu trang vải thông thường và khẩu trang y tế. Các loại khẩu trang này được thiết kế để giữ lại những hạt bụi lớn và không thể bảo vệ phổi của bạn khỏi các bụi mịn như PM 2.5, khăn quàng cũng vậy. Vì vậy Green ID khuyến cáo người dân cần lưu ý đảm bảo khẩu trang bạn mua đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.
Cụ thể, với tiêu chuẩn Mỹ (NIOSH), cần kiểm tra đầy đủ các thông tin có trên bao bì như: NIOSH, tên nhà sản xuất, loại tiêu chuẩn (N95, N99 hay N100). Đối với tiêu chuẩn châu Âu (CE), cần kiểm tra đầy đủ các thông in trên bao bì như: dấu “CE”, tên nhà sản xuất, chứng nhận EN149:2001 và loại tiêu chuẩn (FFP1, FFP2, FFP3). Tại các công ty sản xuất khẩu trang hay lớp lọc, đối với mỗi loại sản phẩn đều có lấy mẫu kiểm tra. Nếu công ty sản xuất cung cấp dữ liệu kiểm tra lớp lọc của họ, với đầy đủ thông tin sẽ đảm bảo hơn và tăng độ tin cậy về chất lượng khẩu trang. Nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều khí độc hãy sử dụng khẩu trang N100 hoặc FFP3, có khả năng lọc cả bụi PM1 và khí gây hại.
(Theo Thanh Niên)