+
Aa
-
like
comment

Chạy đua với thời gian để cứu đồng bào

Hải Anh - 29/10/2020 18:29

Quảng Nam tháng 10/2020 là những ngày đau thương nối tiếp đau thương. Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi 4 vụ sạt lở kinh hoàng và biết bao con người đã bị vùi lấp bởi đất đá, sỏi. Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) giờ chỉ là bãi đất ngổn ngang cây cối, đá tảng và những thứ cột kèo sau trận sạt lở núi kinh hoàng. Những tiếng khóc than, tiếng kêu xé lòng của những người đã mất người thân.

Ngay sau khi có thông tin xảy ra sạt lở núi tại xã Trà Leng và xã Trà Vân, huyện Nam Trà My khiến 53 người bị vùi lấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng họp ngay trong đêm, yêu cầu đưa máy bay trực thăng và đi theo cả đường thuỷ vào cứu dân Trà Leng, sở chỉ huy dã chiến được lập. Bộ đội công binh Quân khu 5 xuyên đêm mở lại tuyến đường chia cắt lên Nam Trà My, chạy đua với thời gian để cứu đồng bào. Rạng sáng, mới tìm được thi thể 7 người, các lực lượng cứu hộ tiếp tục đổ quân về miền núi nghèo. Đường chia cắt, đất có thể sạt lở bất cứ chỗ nào.

Quân và dân ta đang hết sức dồn lực chạy đua với thời gian để bằng mọi giá cứu đồng bào mình.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, nhận định ngay lúc này cần nhất là lực lượng tại chỗ để tham gia tìm kiếm cứu nạn càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng lực lượng tại chỗ, bằng tay không đã nhanh chóng cứu được 8 người gặp nạn trong vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Trà Leng, H.Nam Trà My.

Hiện vẫn còn 12 thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại đây vẫn chưa được tìm thấy. Có thể nói quân và dân ta đang hết sức dồn lực chạy đua với thời gian để bằng mọi giá cứu đồng bào mình. Trên Facebook, những bức ảnh, những clip quay vội của người dân đầy ám ảnh. Trong dòng đất bùn vàng sậm ào ạt đổ từ trên cao xuống sườn dốc là đồ vật, là những cành cây to và là cả những cánh tay kêu cứu… Những tiếng hét lên của những người hàng xóm xung quanh khi phát hiện có người trong dòng đất cuốn trôi. Tiếng khóc hoảng loạn của đứa bé được cứu ra từ đất đá…

Ngôi làng nhỏ miền sơn cước ở Nam Trà My, chỉ trong nháy mắt, đất đã xoá đi tất cả. Xoá đi những nóc nhà ấm, những giấc mơ bình dị, chỉ còn lại đất và đá, lạnh ngắt. Những con người sinh ra từ đất, sống nhờ đất, giờ ra đi vì đất, và nằm lại mãi trong lòng đất…

Tất cả tan hoang. Những căn nhà gỗ, những con người Trà Leng vô tội bị vùi trong đống bùn đất

Mới hôm qua, khi bão vừa đi qua, Thủ tướng còn lo lắng nhấn mạnh làm sao cảnh báo cho bà con về nguy cơ sạt lở đất… Cảnh báo đã có, nhưng những gì lo ngại nhất vẫn đến, nhiều người thắc mắc tại sao người dân không di tản ra nơi khác? Nhưng người dân nghèo biết đi về đâu khi vùng xung quanh là biển nước. Họ biết nhờ cậy ai khi cả miền Trung cũng đều đang khốn khó? Họ biết làm gì khi hàng nghìn hecta rừng đã chết? người dân sẽ sống ở đâu cho an toàn, để không phải sợ hãi trước mỗi mùa mưa, bão?

Biến đổi khí hậu – nguyên nhân được nhắc đến nhiều mỗi mùa mưa, bão – thì đã đành rồi, nhưng con người đâu vô can trong những chuyển biến ấy của thiên nhiên. Sông Lam, sông La ở Nghệ An, Hà Tĩnh, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông La Tinh ở Bình Định hay sông Cái ở Phú Yên… đều bị những chiếc vòi hút cát cắm sâu vào lòng sông. Nhiều vùng bờ biển được quy hoạch để thành resort nghỉ dưỡng, dự án du lịch thay vì được trồng rừng chắn sóng, chắn gió. Và những cánh rừng tự nhiên bị chặt phá nghiêm trọng.

Điều kỳ diệu đã xảy ra ở Trà Leng khi đã cứu sống được 33 mạng người, đó là nỗ lực rất lớn của đội cứu hộ. Nhưng, điều kỳ diệu ấy liệu có lặp lại ở những vụ sạt lở khác không, nếu chúng ta vẫn tiếp tục phá hủy môi trường với tốc độ và quy mô như hiện nay?

Có những lời cảnh báo, dù được đưa ra rất sớm, nhưng cũng không tránh được. Có những hậu quả, dù đã được lường trước từ những ngày xưa kia trong quá khứ, nhưng bằng một cách nào đó vẫn tiến hành thi công. Và có những tệ nạn, dù đọc ra được hậu quả của nó, nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn bất chấp làm! Nhìn vào thực tại, biết trách ai bây giờ? Trách thiên nhiên hung dữ, trách sự quy hoạch không hợp lí… hay phải trách người dân miền Trung và cả Việt Nam đã không thể ngăn chặn được hết những nguyên nhân phía trên?

Trách ai thì trách, nhưng những hậu quả đang hiện hữu ra, những người dân miền lũ đang phải gánh chịu đầu tiên, và buồn hơn, nó tàn khốc hơn những gì mọi người nghĩ. Lặng người, dù vẫn biết là thế kỉ 21, dù vẫn biết chẳng có những câu chuyện cổ tích, hay ông bụt, bà tiên nào ở đây cả, nhưng vẫn hi vọng những phép màu sẽ xảy đến với 12 người còn lại ở Trà Leng!

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều